Thảm kịch tại Nice đe dọa sự phục hồi kinh tế Pháp

Thảm kịch tại Nice sẽ làm cho tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng là cuộc chiến trên mặt trận kinh tế.

Thảm kịch tại Nice đe dọa sự phục hồi kinh tế Pháp
Tham kich tai Nice de doa su phuc hoi kinh te Phap - Anh 1

Vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015. Ảnh: Reuters

Nếu loạt vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11/2015 đã gây ra tác động không nhỏ đối với kinh tế Pháp, thì thảm kịch đẫm máu tại Nice ngày 14/7 cộng với việc cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với kinh tế Pháp, đặc biệt là trong năm 2017. Đây là nhận định báo chí Pháp những ngày qua.

Báo Les Echos ngày 17/7 trích dẫn ý kiến của Philippe Waechter, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng Natixis, cho rằng mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của vụ tấn công tại Nice đối với kinh tế Pháp song không thể phủ nhận rằng vụ tấn công là một phần của làn sóng những biến động có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới nước Pháp.

Theo chuyên gia kinh tế này, nước Pháp cần phải làm quen với việc các cuộc tấn công sẽ xảy ra thường xuyên, và những thảm họa như vậy cùng những biến động khác sẽ tác động tới môi trường kinh tế cũng như tiêu dùng.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và phát triển doanh nghiệp Coe-Rexecode, ông Denis Ferrand tỏ ra thận trọng hơn song cũng cho rằng các cuộc tấn công trong những thập niên gần đây được nhìn nhận như các sự kiện rời rạc nhưng đều có tác động tức thì tới kinh tế.

Tham kich tai Nice de doa su phuc hoi kinh te Phap - Anh 2

Cảnh sát Pháp kiểm tra hiện trường vụ tấn công khủng bố. Ảnh: EPA

Theo ông, vụ khủng bố tại Nice đã đánh dấu sự thay đổi quy mô và mức độ các tác động đối với kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Nhà kinh tế Jean - Baptiste Pethe thuộc công ty môi giới tài chính Exane BNP Paribas nhấn mạnh rằng đà phục hồi mong manh trong quý I/2016 của kinh tế Pháp có thể bị chững lại do Brexit, nay lại chịu tác động nặng nề vì vụ khủng bố 14/7 tại Nice.

Chuyên gia Philippe Waechter cho rằng không chỉ tác động tới ngành du lịch, các cuộc tấn công lặp đi lặp lại cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Pháp. Cụ thể, Nice thuộc vùng Côte d"Azur, là bờ biển chạy men theo Địa Trung Hải với nhiều thành phố nghỉ mát nổi tiếng - khu vực được các nhà đầu tư bất động sản Anh, Nga, Trung Quốc rất quan tâm.

Nếu các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, các tác động có thể sẽ rất tiêu cực đối với toàn bộ khu vực. Sau khi Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2016 được tổ chức thành công, khu vực này vừa được nhìn nhận khá tích cực, tuy nhiên hiệu ứng đó đã tan biến sau vụ tấn công tại Nice.

Điều này có thể sẽ dẫn đến việc Pháp điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng 1,6% cho năm 2016. Những đám mây đen cũng sẽ bao phủ và tác động tiêu cực tới kinh tế Pháp trong năm 2017.

Báo La Voix du Nord thì khẳng định các cuộc tấn công khủng bố đe dọa ngành du lịch Pháp. Theo bài báo, những kẻ khủng bố đã không chọn mục tiêu tấn công một cách ngẫu nhiên khi nhắm vào Nice.

Nice là thành phố du lịch hàng đầu của Pháp mỗi năm đón 5 triệu khách du lịch, tương đương 40% lượng khách đến vùng Côte d’Azur. Ngành du lịch tại Nice hàng năm tạo ra 1,5 tỷ euro. Tấn công Nice cũng là tấn công vào kinh tế Pháp vốn đã suy yếu bởi các vụ khủng bố trước đó.

Tham kich tai Nice de doa su phuc hoi kinh te Phap - Anh 3

Người dân Pháp đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Nice. Ảnh: THX-TTXVN

Bài báo trích dẫn một nghiên cứu mới đây do Văn phòng ForwardKeys tiến hành cho thấy Paris là thành phố bị ảnh hưởng nhất châu Âu vì các vụ tấn công khủng bố. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016, lượng du khách quốc tế đến Pháp giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số lượng đặt phòng khách sạn tại Paris có sự phục hồi nhẹ khoảng 4% nhờ EURO 2016, tuy nhiên, lượng đặt chỗ trong tháng Tám, tháng cao điểm của mùa du lịch, đã giảm 10%. Rất nhiều khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã hủy đặt phòng trước đó.

Một nghiên cứu khác của tập đoàn MKG Hospitality cho biết doanh thu ngành khách sạn giảm 270 triệu euro trong giai đoạn từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016, tương đương với 1,7% tổng doanh thu hàng năm của lĩnh vực khách sạn.

Theo bài báo, thảm kịch tại Nice sẽ làm cho tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng là cuộc chiến trên mặt trận kinh tế.

Theo Bnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.