Thái Nguyên: Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trong những năm qua, nhờ tác động tích cực từ các chính sách giảm nghèo bền vững, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thái Nguyên đang được cải thiện rõ rệt.

Đồng bào dân tộc Dao tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ luôn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ
Đồng bào dân tộc Dao tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ luôn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ

Với đặc thù của một tỉnh tỉnh trung du miền núi, Thái Nguyên có nhiều đồng bào DTTS, sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng cao, vùng sâu của Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ. Toàn tỉnh có 124 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh) với 1.985 xóm, bản, được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển gồm: 25 xã khu vực I, chiếm 20,2%; 63 xã khu vực II, chiếm 50,8%; 36 xã khu vực III, chiếm 29%; 542 xóm, bản đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Thái Nguyên được quan tâm chú trọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền, sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ và trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia tích cực về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

“Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, khá kịp thời, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo” - ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên đánh giá.

Nổi bật trong đó là hiệu quả từ các chính sách, chương trình, dự án như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, vùng DTTS…

Trong giai đoạn 2014 - 2019, toàn tỉnh đã có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hưởng Chương trình 135 (tương ứng với 25%); huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo (huyện 30a); xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn; tổng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng DTTS và miền núi khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.  

Bám sát vào tình hình và yêu cầu của thực tiễn địa phương, Thái Nguyên đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đặc thù của tỉnh, như: Chính sách hỗ trợ muối Iốt cho người dân vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK và vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý.

Đáng chú ý, đề án 2037 ban hành năm 2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” là một trong những chính sách đặc thù phát huy hiệu quả tích cực, đem lại những kết quả thiết thực vô cùng ý nghĩa.

Về hỗ trợ phát triển sản xuất, trong 5 năm qua, đề án 2037 đã hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai cho gần 7.000 lượt hộ trên tổng diện tích 3.130,8 ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ 14,91 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 250 hộ, kinh phí vay vốn trên 7,3 tỷ đồng và hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đồng bào trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ 1 tỷ đồng để đồng bào trồng cây ăn quả trên diện tích đất 40 ha.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, đề án 2037 đã đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7 km, kinh phí 64,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 công trình lớp học, 03 công trình nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 02 công trình nước sinh hoạt tập trung bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15,62 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên tặng quà cho các hộ khó khăn tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên tặng quà cho các hộ khó khăn tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ

Đánh giá về kết quả của đề án này, ông Nguyễn Thái Nam cho rằng: “Những vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhìn chung là điều kiện rất hạn chế, người dân gặp nhiều khó khăn thiệt thòi. Đề án 2037 là vô cùng cần thiết, và đã thực sự đem lại những đổi thay quý giá, giúp họ có điều kiện và động lực vươn lên”.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ