Tết về lại nhớ "Vườn xưa"

Tết về lại nhớ "Vườn xưa"

(GD&TĐ) - Ai đó đã thật sâu sắc khi nói rằng: tài sản của lớp người đi qua cuộc chiến tranh của dân tộc là nỗi nhớ. Chính vì vậy mà những bài thơ về đề tài quê hương của các thi sĩ cách mạng có sức sống lâu bền hơn cả. Với riêng tôi, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, lòng lại nao nao nhớ tới bài thơ “Vườn xưa” của Tế Hanh:

Những gam màu quê
Những gam màu quê

                         Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi ngày mỗi xanh
                         Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
                         Hai ta ở hai đầu công tác
                         Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa

                         Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
                         Như mặt trăng, mặt trời cách trở
                         Như Sao Hôm, Sao Mai không cùng ở
                         Có bao giờ trở lại vườn xưa

                         Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu
                         Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn
                         Em theo chim đi về tháng tám
                         Anh theo chim cùng với tháng ba qua

                         Một ngày xuân em trở lại nhà
                         Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
                         Em nhìn lên vòm cây gió thổi
                         Lá như môi thầm thĩ gọi anh về

                         Lần sau anh trở lại một ngày hè
                         Nghe mẹ nói em có về bên giắng giặt
                         Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
                         Nước như gương soi lẻ bóng hình anh

                         Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
                         Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
                         Hai ta ở hai đầu công tác
                         Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
 

Bài thơ có sức cuốn hút ngay từ đầu bởi nét chấm phá của sắc màu hội họa: “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc”. Sự đối lập của hình ảnh thơ làm hiện lên thực tại: nơi mảnh vườn xưa ấy, cây vẫn ngày càng tươi xanh còn tóc mẹ thì bạc rồi. Câu thơ mang tính khái quát cao về không gian, thời gian và quy luật đời người. Vườn xưa và mẹ; trong kỷ niệm của mỗi đời người có gì gần gũi, thân thương hơn! Theo thời gian, cây cỏ, thiên nhiên vẫn trường tồn bởi quy luật tuần hoàn bất biến mà đời người thì hữu hạn. Không ai có thể thoát ra khỏi quy luật ấy nhưng sao lòng vẫn chạnh buồn. Càng buồn hơn cả là sự cách xa và trắc trở về mặt không gian của đôi lứa: “Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ thăm lại mảnh vườn xưa?”

Nhớ tới vườn xưa là nhớ tới Mẹ và bao nhiêu kỷ niệm êm đềm ngày xưa ấy. Dấu hỏi xoáy sau câu thơ như một sự khắc khoải tìm về chốn quê nhà. Một chuỗi chi tiết, hình ảnh liên tưởng, ẩn dụ sống động tuôn chảy trên cái nền đối lập; đối lập ngay trong một câu; đối lập câu trên với câu dưới: Ngày nắng/ (tránh) ngày mưa; tháng mười hồng/ tháng năm nhãn; Em theo chim đi về tháng tám/Anh theo chim về với tháng ba qua…

Tế Hanh thật trên mức tài hoa khi đưa chất liệu của thiên nhiên của vũ trụ vào thơ một cách nhuần nhụy, tự nhiên, đặc biệt là việc vận dụng câu tục ngữ về thời tiết “ Tháng tám chim qua/tháng ba chim về”. Từng được bạn đọc mệnh danh là thi sĩ của quê hương với những bài thơ hay như “ Quê hương”, “Lời con đường xưa”, “Nhớ con sông quê hương”, nhưng phải tới “Vườn xưa”, thơ Tế Hanh mới đạt tới độ Hay, Lạ, Hiếm. Lạ và hiếm ngay cả khi diễn tả những hình ảnh tưởng ước lệ tưởng như đã quá cũ như vòm cây, giếng nước, ao nhà:

                         Một ngày xuân em trở lại nhà
                         Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
                         Em nhìn lên vòm cây gió thổi
                         Lá như môi thầm thĩ gọi anh về

                         Lần sau anh trở lại một ngày hè
                         Nghe mẹ nói em có về bên giắng giặt
                         Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
                         Nước như gương soi lẻ bóng hình anh 

Khó có thể cắt nghĩa được từng chi tiết, hình ảnh thơ ở hai khổ thơ trên đây. Nhà thơ tái hiện lại cả không gian hai mùa Xuân/Hạ và người mẹ là nhân vật trung gian chứng kiến nghịch cảnh của đôi lứa: vẫn là vườn xưa và Mẹ, nhưng khi thì chỉ có em lặng lẽ ngước nhìn lên vòm cây tìm nhớ bóng hình anh qua lời mẹ kể; khi chỉ có bóng anh đơn lẻ soi tìm bóng hình em nơi giếng nước. Sự cách trở về không gian và thời gian đã không làm nhạt phai tình cảm, là tấm lòng thủy chung cao cả, đẹp đẽ của con người Việt Nam qua thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh. Nỗi buồn thương man mác trong từng câu, từng chữ cứ len lỏi vào trái tim người đọc. Và như để ngăn tiếng thở dài của nhung nhớ, bài thơ khép lại bằng sự lặp lại khổ thơ đầu.

Hiền lành, nhỏ nhẹ mà sâu mà lắng, vẫn bút pháp “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên ấy”, “Vườn xưa” của Tế Hanh không chỉ là “máu thịt” của tâm hồn thi sĩ hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn” mà còn mang bóng dáng tâm hồn Việt thời đất nước còn chia cắt.
                     
Một ngày, giữa bộn bề tất bật, ta bỗng bắt gặp một mảnh vườn quê đẹp như thơ. Gặp lần đầu, mà ngỡ như thân quen tự kiếp nào, nên gọi là vườn xưa ...Liệu có bao nhiêu người hiện tại còn giữ được cho riêng mình những ký ức đẹp đến nao lòng như thế ?

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.