Không ép con phải viết trước khi chúng sẵn sàng, phụ huynh còn phải biết rằng, trẻ có thể mắc lỗi và đó là một phần trong quá trình học viết; đồng thời cần tránh việc quá chú trọng vào kỹ năng đọc hơn viết. Hãy cân bằng 2 kỹ năng này cho con.
Những bước đi đầu đời
Khi trẻ đã nhạy bén với việc viết ra giấy, bé có thể nảy ra hàng loạt ý tưởng trong đầu. Ngoài ra, trẻ em cũng cần phải biết viết để phục vụ cho việc học ở trường. Kỹ năng viết giúp trẻ em phát triển kỹ năng đọc cũng như phát âm, đồng thời có thêm khả năng gợi nhớ những thông tin đã tiếp thu trước đó.
Bên cạnh đó, kỹ năng viết thực sự cần thiết cho những hoạt động khác trong cuộc sống như viết thiệp sinh nhật, điền đơn, hoặc ký những tài liệu quan trọng.
Các chuyên gia cho biết, kỹ năng viết có tính chất phức tạp và phát triển theo thời gian luyện tập. Để học được cách viết, trẻ cần kết hợp với vận động tinh (Fine Motor skill), ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ và sự tập trung cao độ. Trẻ phải luyện tập và làm theo hướng dẫn của người lớn. Trẻ bắt đầu bằng cách viết nguệch ngoạc hoặc vẽ, sau đó chuyển sang viết chữ cái và từ đơn.
Đặc biệt, để trẻ yêu thích viết lách, thì việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho bé đóng vai trò quan trọng. Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, khi được ba tháng tuổi, trẻ biết mỉm cười.
Vào khoảng tháng thứ 4 - 6, bé có thể sẽ bắt đầu bập bẹ. Trước tiên, trẻ sẽ phát ra những âm có một âm tiết như “ba” trước khi lặp lại chúng “ba ba ba”.
Những từ đầu tiên có thể thường bắt đầu vào khoảng 12 tháng hoặc sau đó. Nếu trẻ không nói bập bẹ và không sử dụng cử chỉ ngôn ngữ cơ thể sau 12 tháng, cha mẹ cần trao đổi điều này với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý.
Trong khi đó, ở trẻ từ 12 - 18 tháng, bé thường nói những từ đầu tiên có ý nghĩa. Ví dụ, khi nói “ba ba” lúc gặp cha, trẻ thực sự đang gọi ba.
Vài tháng sau đó, vốn từ vựng của trẻ sẽ phát triển để hiểu nhiều hơn những gì bé có thể diễn đạt. Trẻ cũng có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản như “ngồi xuống”, “đứng lên”, “đi chơi”…
Từ 18 tháng đến 2 tuổi, hầu hết trẻ sẽ bắt đầu ghép hai từ lại với nhau thành những “câu ngắn”. Trẻ sẽ hiểu nhiều điều cha mẹ nói với chúng. Ngược lại, cha mẹ có thể hiểu hầu hết những gì trẻ nói với mình. Những người không quen biết cũng sẽ hiểu những gì trẻ nói.
Cha mẹ không nên ép trẻ phải viết trước khi bé sẵn sàng. Ảnh minh họa: ITN. |
Trẻ từ 2 - 3 tuổi có thể diễn đạt câu gồm 3 - 4 từ. Trẻ sẽ ngày càng giỏi hơn trong việc diễn đạt đúng từ, đúng tình huống, có thể vừa chơi và vừa diễn đạt cách chơi, ý tưởng hoạt động cùng với nhau.
Với trẻ từ 3 - 5 tuổi, cha mẹ có thể mong đợi những cuộc trò chuyện dài, phức tạp hơn về suy nghĩ và cảm xúc của con. Trẻ cũng có thể đặt câu hỏi về con người, sự vật và những địa điểm không có trước mắt trẻ. Ví dụ: “Mẹ ơi! Ở nhà bà ngoại cũng mưa phải không ạ?”.
Trẻ có thể diễn đạt về nhiều chủ đề và vốn từ vựng sẽ tiếp tục tăng lên. Trẻ thể hiện sự hiểu biết về ngữ pháp cơ bản và bắt đầu sử dụng các câu với các từ như “bởi vì”, “nếu”, “vậy” hoặc “khi nào”.
Trong những năm đầu đi học, trẻ sẽ học nhiều từ hơn và bắt đầu hiểu cách sử dụng và diễn đạt trong hoạt động đọc và viết. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ trở thành một người kể chuyện giỏi hơn, khi chúng học cách ghép các từ lại với nhau theo nhiều cách và xây dựng các kiểu câu khác nhau. Những kỹ năng này cũng giúp trẻ chia sẻ ý kiến và quan điểm cá nhân.
Đến 8 tuổi, trẻ sẽ có thể trò chuyện như người lớn. “Cha mẹ là người hiểu rõ trẻ nhất. Nếu cha mẹ có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy đặt câu hỏi với bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý. Từ đó, để các chuyên gia đánh giá và đưa ra các chiến lược hỗ trợ cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ”, chuyên gia Mỹ Dung chia sẻ.
Phụ huynh cần cho trẻ cơ hội được viết. Ảnh minh họa: ITN. |
Không ép khi trẻ chưa sẵn sàng
Chia sẻ về cách dạy trẻ có niềm yêu thích với việc viết, cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bố mẹ có thể cho con tự do vẽ nguệch ngoạc hoặc viết tùy thích. Hành động đó sẽ giúp việc viết trở nên thú vị hơn với con. Nhờ đó, trẻ sẽ được chuẩn bị trước khi bước vào học viết chính thức ở trường.
Điều cần lưu ý là hầu hết trẻ em đều sử dụng tay phải để viết hoặc vẽ. Tuy nhiên, một số trẻ lại sử dụng tay trái là tay thuận. Song, theo nữ giáo viên này, không có gì đáng lo lắng khi trẻ sử dụng tay trái để viết. Phụ huynh không cần bắt con đổi tay.
Thông thường, đọc và viết là hai kỹ năng cơ bản cần thiết cho việc học tập của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường chú ý hướng cho trẻ học đọc nhiều hơn là học viết. Đặc biệt khi mà xung quanh trẻ là các thiết bị công nghệ thì việc làm sao để khơi dậy niềm yêu thích của bé với viết lách đang trở thành thách thức đối với nhiều cha mẹ.
Theo cô Mai Chi, trẻ em sẵn sàng bắt đầu viết khi đã phát triển nền tảng đọc viết và nhận thức âm vị vững chắc, bao gồm kiến thức về âm thanh và hướng của văn bản từ trái sang phải.
Trẻ em cũng cần hiểu rằng, văn bản mà bé đọc và viết thể hiện một thông điệp. Không có một quy tắc phù hợp với tất cả khi nói đến đọc và viết. Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể khi bước vào hành trình học tập và sẽ sẵn sàng ở những giai đoạn khác nhau.
Điều cần lưu ý là cha mẹ không ép trẻ phải viết trước khi bé sẵn sàng một cách tự nhiên. Điều quan trọng là phụ huynh phải biết rằng, mắc lỗi là một phần thiết yếu của việc học viết. Vì vậy, đừng khuyến khích trẻ tiến bộ bằng cách chỉ trích nỗ lực cố gắng của con.
Lý tưởng nhất là để trẻ học đọc và viết đồng thời cùng một lúc. Khi học các âm riêng lẻ được biểu thị bằng chữ cái, trẻ bắt đầu học đọc các từ.
Nói về những kỹ năng cơ bản cần có để viết, theo cô Chi, đầu tiên, phụ huynh cần đọc sách cho trẻ nghe. Phương pháp này sẽ giúp trẻ tiếp xúc với văn bản và cách các từ được sử dụng để truyền đạt thông điệp.
Việc tiếp thu và thực hành phát triển các kỹ năng vận động tinh cũng rất quan trọng, như thành thạo cách cầm bút bằng ba ngón tay. Trẻ em phải phát triển khả năng điều khiển bút để tạo thành các chữ cái và từ.
Để giúp trẻ có niềm yêu thích với việc viết, cô Mai Chi gợi ý, cha mẹ nên đọc cho trẻ nghe mỗi ngày. Chọn một cuốn sách yêu cầu cao hơn khả năng đọc của trẻ hoặc thay phiên nhau đọc các trang trong cuốn sách mà trẻ chọn.
Khi trẻ còn nhỏ, hãy kể chuyện cho bé nghe. Điều quan trọng nhất là nói chuyện với trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta cần cho trẻ cơ hội được viết. Trẻ có thể đặt bút lên giấy, dùng phấn viết lên vỉa hè, vẽ vào giá vẽ hoặc đánh dấu vào bảng áp phích. Song, phụ huynh hãy để mọi việc diễn ra một cách vui vẻ.
Khi trẻ còn ở lứa tuổi mẫu giáo, mục tiêu của cha mẹ là khuyến khích. Từ đó, để trẻ nhận ra rằng, viết lách là một hoạt động thú vị.
“Cha mẹ không thể bỏ qua việc khen ngợi, động viên trẻ viết. Thể hiện sự quan tâm đến những gì con viết hoặc vẽ, ngay cả khi phụ huynh thấy đó là những nét bút nguệch ngoạc. Ví dụ, khi trẻ viết nguệch ngoạc tên của bé, điều đó có nghĩa là con đang cố gắng. Khi đó, cha mẹ hãy nói một cách cụ thể: “Con thực sự đang học cách viết tên của mình”. Điều đó sẽ có ý nghĩa lớn đối với trẻ”, nữ giáo viên chia sẻ.
Phụ huynh cũng có thể khuyến khích và hỏi con đang viết gì, khi thấy bé cố gắng viết một chuỗi các chữ cái. Thậm chí, ngay cả khi trẻ mẫu giáo vẽ một bức tranh và thêm một từ duy nhất, điều đó cũng cho thấy là bé đang viết. Khi đó, phụ huynh hãy khen ngợi trẻ về việc bé viết.
Một yếu tố quan trọng khác là phụ huynh cần tạo không gian viết cho trẻ. Hãy dành một góc yên tĩnh. Nếu gặp khó khăn về không gian, hãy đóng gói đồ dùng cho trẻ viết vào một hộp đựng di động mà bé có thể dễ dàng lấy ra và mang theo mọi nơi.
“Cha mẹ cũng có thể lên lịch thời gian viết trong ngày. Đừng đặt một lời nhắc viết trước mặt trẻ và gọi đó là việc dạy viết. Mặc dù lời nhắc có thể phục vụ một mục đích hữu ích, nhưng trọng tâm của thời gian viết của trẻ nên là những bài học nhỏ ngắn và nhiều thời gian để viết độc lập. Ví dụ, cha mẹ có thể dạy trẻ cách tìm ra một từ và viết các âm của nó, cách suy nghĩ để viết các ý tưởng. Hoặc, cha mẹ có thể dạy trẻ đọc lại tác phẩm sau khi bé viết xong”, cô Mai Chi cho biết.