Tạo hứng thú học cho con

GD&TĐ - Vào lớp 1 là bước ngoặt trong cuộc đời trẻ. Đây là giai đoạn bé có sự thay đổi môi trường nề nếp của việc học tập. Con sẽ thích nghi với môi trường mới như thế nào? Làm sao để con vào nếp là nỗi lo của hầu hết các bậc cha mẹ.

Tạo hứng thú học cho con

Lo lắng của cha mẹ

Có con đến tuổi đi học, cha mẹ nào cũng mong muốn con và hy vọng con cái sẽ học giỏi và yêu thích việc học. Tuy nhiên bài toán khuyến khích con học tập lại luôn là một bài toán khó dành cho các vị phụ huynh.

Chị Lê Thị Thúy (Lương Thế Vinh, Hà Nội) có con học Trường Tiểu học Ngôi sao lo lắng: “Khi vào lớp 1, con sẽ bước vào một cấp học mới, cấp học đầu đời để con bắt đầu học tập một cách thực sự. “Mình lo lắng con sẽ bị sốc tâm lí bởi cháu đã quen sự chăm bẵm của các cô khi học mẫu giáo. Con lên lớp 1 đồng nghĩa với việc con bắt đầu phải tự lập và học hành đúng nghĩa. Khi tiếp xúc với môi trường mới hoàn toàn con sẽ bỡ ngỡ và sợ hãi”.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Láng Thượng chia sẻ: “Bé nhà tôi năm nay học lớp 1, mỗi ngày tôi phải rèn bé làm Toán, học viết, học đánh vần... Tuy nhiên, môn Toán là môn tôi lo lắng nhất, vì bé có vẻ không đam mê với môn này. Tôi đang tìm cách giúp bé vừa học Toán vừa chơi để bé tính nhẩm nhạy hơn. Tôi thực sự cảm thấy áp lực trong việc tạo hứng thú học tập cũng như rèn nề nếp học cho con”.

Tạo niềm vui đến trường cho trẻ

Trước nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về việc không biết ở trường các con sẽ học như thế nào, cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội), nhiều năm dạy học sinh lớp 1, cho biết: “Mỗi con đều có phẩm chất, năng lực và cá tính khác nhau. Có những con trong lớp học rất nhanh, nhưng lại hơi nghịch ngợm và lười có những con rất ngoan nhưng học lại chậm... Mỗi con các cô đều quan tâm và có các cách dạy dỗ, giáo dục khác nhau”.

Cô Vân cho rằng, cha mẹ nên dành thời gian buổi tối để tham gia việc học cùng con như soạn sách vở, kiểm tra lại bài cũ, xem con đã làm hết những bài cô giao chưa hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện với con về tình hình ở lớp xem mối quan hệ giữa con với thầy cô và bạn bè như thế nào.

“Những giờ lên lớp, tôi có một phương pháp khích lệ các con học là mỗi khi trả lời đúng các con sẽ nhận được 1 phiếu khen và sau khi tích được đủ 1 lượng nhất định thì sẽ được quy đổi ra phần thưởng “nho nhỏ” tương ứng như thước kẻ, bút chì, vở... Tôi thấy các con đón nhận nó rất thích thú, từ đó các con hào hứng học bài và hăng hái xây dựng bài hơn” - cô Vân chia sẻ.

Theo ThS tâm lý Phan Thị Lan Phương, Trường Cao đẳng Cần Thơ khuyên, trẻ sẽ không thể tập trung học tập nếu bạn không tạo cho các bé một môi trường và thói quen học tập tốt. Hằng ngày, dù chỉ là 5 phút mỗi ngày thôi, hãy cùng với con tham gia tích cực vào việc học. Nếu có thể làm đều đặn việc đó mỗi ngày cùng vào một khoảng thời gian nhất định, học những môn tương tự nhau vào khoảng thời gian đó thì càng tốt.

“Cha mẹ phải linh hoạt, sáng tạo khi cùng con vạch ra mục tiêu. Tránh trường hợp mục tiêu quá cao, khiến trẻ dù cố gắng rất nhiều cũng không đạt được hoặc ngược lại, mục tiêu đưa ra quá thấp, khiến trẻ mất hứng, coi thường việc học của mình. Cố gắng tạo ra hứng thú, cho trẻ cảm giác thân thiết và gần gũi là điều rất quan trọng”. ThS tâm lý Lan Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ