Cách tạo hứng thú cho trẻ vui học trong hè

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nếu trẻ cảm thấy hứng thú với môn học nào cha mẹ có thể cho các em học chương trình nâng cao vào hè.

Gia đình nên trao đổi với trẻ để xác định những hoạt động đa dạng con sẽ thực hiện trong hè. Ảnh minh họa
Gia đình nên trao đổi với trẻ để xác định những hoạt động đa dạng con sẽ thực hiện trong hè. Ảnh minh họa

Hè là thời điểm hầu hết trẻ nào cũng háo hức. Bởi, đó là thời gian được nghỉ ngơi sau một năm học bận rộn. Song, không ít phụ huynh cho rằng, trẻ cũng cần thời gian để học thêm, tránh... quên kiến thức.

Theo các chuyên gia, nếu trẻ cảm thấy hứng thú với môn học nào cha mẹ có thể cho các em học chương trình nâng cao vào hè. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên để con tuyệt giao với thế giới mạng.

Học theo “nhịp” của trẻ

Chị Nguyễn Thu Hoài (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm nào cũng cho con đi học thêm các môn Toán, Văn, Anh để cải thiện kết quả học tập.

“Con tôi hết hè này vào lớp 9. Năm trước, ngoài việc học chính, cháu còn đi học thêm các môn Văn, Toán, Anh ở trường và trung tâm ngoài giờ. Buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn”, chị Hoài bày tỏ. Bên cạnh đó, cô giáo dạy Toán cho biết, con chị Hoài học môn này không tốt. Vì vậy, vợ chồng chị yêu cầu con tích cực học thêm trong hè này, với hy vọng sẽ cải thiện kết quả học tập.

Tương tự, năm nay Trần Huyền Châu (6 tuổi) tại Ba Đình (Hà Nội) cũng không được nghỉ hè trọn vẹn vì tháng 9 tới đây, bé sẽ vào lớp 1. Vì vậy, ngay từ khi chưa “tốt nghiệp” mầm non, Huyền Châu đã được mẹ lên một thời khóa biểu học viết chữ, tính toán và làm quen với tiếng Anh tại một trung tâm gia sư.

Một tuần, Châu học 5 buổi. Phụ huynh của bé chia sẻ, trước khi vào lớp 1, bé cần đọc thông viết thạo. Khi đó, bé sẽ đỡ vất vả hơn khi vào lớp 1.

Học văn hóa trong hè không phải cấm kỵ. Tuy nhiên, cha mẹ và con cần xác định, thống nhất với nhau về mục tiêu đạt được trong mùa Hè là gì.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Thường, tri thức và trí thông minh chỉ chiếm 20% sự thành công. 80% phụ thuộc vào kỹ năng sống, phẩm chất, trí thông minh cảm xúc và khả năng định hướng của cá nhân. Vì vậy, học kiến thức chỉ nên áp dụng ở trường hợp trong năm học con bị ốm, hổng kiến thức. Khi đó, mùa Hè là cơ hội để đuổi kịp bạn bè, không bị bỏ lại phía sau. Hoặc, học kiến thức vì mục tiêu giáo dục cá nhân, con đã có kế hoạch tham gia các cuộc thi, chương trình trải nghiệm trong năm học mới nên cần học trước”.

Theo chuyên gia này, với những trẻ tài năng, chương trình giáo dục hiện nay khuyến khích học linh hoạt, học theo “nhịp” của trẻ. Trẻ cảm thấy hứng thú với môn học nào thì hè học các chương trình nâng cao… cũng là cách để thỏa mãn sự tò mò tri thức của các em. Điều này hoàn toàn phù hợp, không nhất thiết cấm cản một cách cực đoan.

Cha mẹ cũng không nên để con tuyệt giao với thế giới mạng. Phụ huynh cần giới hạn thời gian trẻ sử dụng thiết bị công nghệ mạng vì sự an toàn và phát triển toàn diện của con. Tiếp xúc với thế giới mạng để trẻ học về năng lực thông tin, năng lực sống an toàn trên không gian số.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần lên kế hoạch trước cho trẻ mỗi mùa Hè. Đồng thời, xác định những mục tiêu giáo dục mà con và gia đình muốn đạt được. Ngoài ra, cần bàn bạc về quỹ thời gian cha mẹ có thể dành cho con để lên kế hoạch tổ chức. Để mùa Hè của con bổ ích, các gia đình cần suy nghĩ để phát triển ý tưởng hoạt động theo nhóm.

Cha mẹ cần lên kế hoạch trước cho trẻ mỗi mùa Hè. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần lên kế hoạch trước cho trẻ mỗi mùa Hè. Ảnh minh họa.

“Dựa trên các nhóm hoạt động, gia đình nên trao đổi với trẻ để xác định những hoạt động đa dạng con sẽ thực hiện trong thời gian hè, như: Tham gia các khóa học trải nghiệm, đọc sách khám phá tri thức; tham quan với gia đình; tập một môn thể thao; thực hiện những hoạt động tình nguyện tạo ra giá trị... Gia đình cần thống nhất với con một số nguyên tắc để bảo đảm mùa Hè của trẻ an toàn, bổ ích”, chuyên gia nhận định.

PGS Trần Thành Nam cho biết, trẻ cũng cần có không gian tĩnh lặng, không làm gì cả, được ngồi thư giãn và suy nghĩ vẩn vơ. Điều này rất cần thiết để những ý tưởng sáng tạo xuất hiện. Đó cũng là thời gian để trẻ tự suy ngẫm về sở thích, đam mê và định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân.

Trong khi đó, ThS Đinh Văn Thịnh - Giám đốc Công ty Giáo dục kỹ năng Angel (TPHCM) - chia sẻ, việc dạy thêm, học thêm có nhiều ý nghĩa tích cực. Song, đồng thời cũng có những biểu hiện tiêu cực. Thay vì đặt ra câu hỏi “nên hay không?” thì cần có sự dung hòa và phù hợp.

“Việc lo cho con là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong dịp hè, phụ huynh bắt ép con học thêm quá nhiều môn, lấy đi thời gian trải nghiệm và vui chơi, giải trí của trẻ thì cần xem xét, vì giáo dục toàn diện. Để trẻ có ngày hè bổ ích đúng nghĩa, cần phải cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặt ra những mục tiêu, kế hoạch thực hiện rõ ràng”, ThS Thịnh nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, hè là thời gian để trẻ trải nghiệm thêm về những hoạt động phát triển năng khiếu như đàn, ca hát, nhảy, thể thao yêu thích, phát triển các kỹ năng giao tiếp, tự tin trước đám đông, học về các kỹ năng sống. Đồng thời, là lúc để trẻ phát triển kỹ năng liên quan đến cảm xúc và tương quan. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ về thăm ông bà, trải nghiệm đời sống ở quê hương, đi du lịch khám phá nhiều vùng đất mới, tìm hiểu về văn hóa, con người, món ăn...

Những hoạt động không chỉ giúp cho trẻ buông điện thoại, tránh việc chơi game quá mức, mà còn làm cho đời sống của các em có thêm nhiều trải nghiệm, niềm vui và ý nghĩa, cảm thấy bản thân có giá trị.

Trong hè, phụ huynh không nên bắt ép con học thêm quá nhiều môn. Ảnh minh họa.

Trong hè, phụ huynh không nên bắt ép con học thêm quá nhiều môn. Ảnh minh họa.

Nâng cao kỹ năng sống cho trẻ

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chia sẻ, thời gian nghỉ hè cho phép trẻ em tận hưởng một kỳ nghỉ xứng đáng sau một năm học miệt mài. Thời gian nghỉ hè, các thành viên có thời gian bên nhau nhiều hơn, nhưng cha mẹ cũng nhiều trăn trở về việc làm thế nào để thời gian hè của con trôi qua bổ ích, lý thú.

“Mùa Hè là thời điểm tuyệt vời cho những chuyến tham quan, du lịch vui vẻ. Cho dù gia đình đang ở công viên, sở thú hay khu vui chơi, hãy nói về những điều mới mà các thành viên đang trải nghiệm cùng nhau. Cha mẹ có thể biến hoạt động dù đơn giản nhất trở thành cơ hội xây dựng ý tưởng để tham gia. Nếu có những đứa trẻ khác cũng đang chơi, đây là cơ hội để giúp trẻ thực hành các kỹ năng trò chuyện như giới thiệu, mời bạn mới cùng tham gia”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, việc đi mua thực phẩm hay hàng hóa ở cửa hàng cũng có thể trở thành cơ hội để tăng cường sự phát triển lời nói cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể khuyến khích trẻ viết nhật ký du lịch để ghi lại chuyến đi của gia đình. Đối với những đứa trẻ có thể đọc và viết, đây là một cách thú vị để thực hành cách suy nghĩ và chia sẻ của trẻ với bạn và gia đình.

Cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ chuẩn bị một danh sách các sách, truyện trong mùa Hè. Chọn thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần để thảo luận về những gì các nhân vật đang làm, điều gì có thể xảy ra tiếp theo trong câu chuyện, những khúc mắc trong cốt truyện sắp xảy ra… Cha mẹ sẽ phát triển kỹ năng tường thuật bằng lời nói, kỹ năng tham khảo, dự đoán của trẻ, cũng như nhớ lại, ghi nhớ các sự kiện, tình huống.

“Mặc dù thiết bị điện tử có thể là cách nhanh nhất để xoa dịu một đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, nhưng những đứa trẻ khó khăn trong phát triển ngôn ngữ cần luyện tập trò chuyện với người lớn càng nhiều càng tốt.

Cha mẹ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển lời nói của trẻ thông qua cuộc trò chuyện. Với lưu ý này, hãy dành thời gian của cha mẹ sắp xếp các công việc thường nhật và các cuộc hẹn bằng cách cất máy tính bảng đi và thay vào đó là trò chuyện”, chuyên gia Mỹ Dung gợi ý.

Bởi, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số lượng từ mà một đứa trẻ nghe được từ cha mẹ và người chăm sóc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu từ vựng, nghe hiểu và năng khiếu nói. Trò chuyện của cha mẹ - nghĩa là lời nói hướng đến trẻ em, hoàn chỉnh với các lượt trò chuyện và câu hỏi mở - mang lại vô số lợi ích cho trẻ. Ngược lại, những từ mà trẻ em nghe thấy trên đài, TV hoặc YouTube không có cùng lợi ích xây dựng ngôn ngữ giao tiếp này.

“Cha mẹ và trẻ dành thời gian vui vẻ cùng nhau trong suốt mùa Hè, những hoạt động phong phú về ngôn ngữ có thể làm tăng khả năng đọc viết, vốn từ vựng, kỹ năng đàm thoại và khả năng xây dựng câu của trẻ. Tất cả những kỹ năng này giúp trẻ thể hiện bản thân, hiểu thế giới xung quanh và quan trọng hơn cả là xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa với gia đình, bạn bè và cộng đồng”, chuyên gia cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ