Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu có giải pháp khẩn trương thực hiện việc xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định pháp luật, trình Bộ này trước ngày 7/6.
Năm 2023, trước tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản về việc dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và văn bản về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải gửi Bộ GTVT.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT đánh giá tình hình thực hiện, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải hiện hành. Chỉ đạo cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị kinh doanh hoặc đơn vị kinh doanh xây dựng phương án giá trình Bộ GTVT thẩm định, sau đó có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ kiểm định phươn tiện vận tải hiện hành trong trường hợp cần thiết.
Đến ngày 5/4/2023, Bộ GTVT đã giao Vụ Tài chính chủ trì cuộc họp mời Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam trao đổi về đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải.
Sau đó đã thống nhất yêu cầu Cục Đăng kiểm triển khai việc đánh giá tình hình thực hiện, mức độ bù đắp chi phí của các đơn vị đang kiểm, và xây dựng phương án giá, đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phương tiện xe cơ giới theo quy định pháp luật và hướng dẫn tại cuộc họp với đại diện Cục Quản lý giá.
Tiếp đó, tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Tại Kết luận của Phó Thủ tướng đã phân công Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí theo cơ chế thị trường.
Và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải để Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Như vậy có thể thấy, về lý, việc sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải là phù hợp. Vấn đề đặt ra ở đây là sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng hay giảm?
Thực tế, từ năm 2016 đến nay, giá dịch vụ đăng kiểm không thay đổi với mức 250 nghìn đồng với xe ô tô con dưới 10 chỗ, 360 nghìn đồng cho xe trên 40 chỗ, 330 nghìn đồng với xe từ 25 đến 40 chỗ và 290 nghìn đồng với xe 24 chỗ.
Bởi vậy, trả lời trên báo chí, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc tăng giá dịch vụ kiểm định là bình thường. Ông ủng hộ tăng giá để bảo đảm chất lượng đăng kiểm, bảo đảm nguồn thu cho đăng kiểm viên. Nếu cứ “ham” mức phí rẻ nhưng đời sống của đăng kiểm viên không bảo đảm sẽ phát sinh tiêu cực, phát sinh tình trạng phí ngoài phí.
Ủng hộ quan điểm này, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích thêm: Giá dịch vụ đăng kiểm đã ban hành khá lâu, chưa được điều chỉnh nên việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cũng là phù hợp vì mức lương cơ bản cũng đã được điều chỉnh nhiều lần, giá điện, nước, xăng dầu, nhu yếu phẩm cũng tăng…
Trong khi việc đăng kiểm xe cơ giới tại nhiều địa phương vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn do quá tải và đến thời điểm này, việc giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới sẽ tăng hay giảm chưa được đưa ra. Tuy nhiên, điều cốt lõi trước mắt là phải giải quyết tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm. Đặc biệt, phải giải quyết được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực đã được chỉ rõ thời gian qua.