Chỉ riêng trong ngày 1/5, tại bãi biển Mỹ Khê và Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi đã có 13 trường hợp đuối nước, trong đó 9 người đã được các lực lượng cứu hộ ứng cứu kịp thời, còn 4 người mất tích. Ở Phú Yên và Lâm Đồng, mỗi địa phương có hai trường hợp tử vong vì đuối nước.
Một cán bộ của ngành khí tượng thủy văn xác định, phần lớn những trường hợp đuối nước ở các bãi biển đều có liên quan đến dòng rip. Đó là dòng nước chảy một cách “âm thầm” ở dưới lớp sóng, vuông góc với bờ, có chiều rộng khoảng 30m, chiều dài lên đến trên 150m. Những ai có chuyên môn mới nhận ra dòng chảy “âm thầm” này, còn với người bình thường thì không nhận biết, đến khi bị cuốn ra xa thì mới hay.
Càng cố bơi vào bờ thì càng bị dòng chảy kéo ra xa. Vì tốc độ của dòng chảy này 2m/s, ngang với tốc độ của một vận động viên Olympic nên người bơi giỏi mà không có kỹ năng - đúng ra là không có kinh nghiệm về cách thoát khỏi dòng rip thì cũng bị đuối nước vì rất mau mất sức nếu cứ bơi ngược với dòng chảy này.
Ở bãi biển Mỹ Khê, trong ngày 1/5, có hàng nghìn người về đây tắm biển. Một tốp thanh niên 9 người rủ nhau cùng bơi ra xa bờ nhưng mỗi lúc một mất hút trong sóng. Nhận biết nhóm người đang bị dòng rip cuốn ra xa, lực lượng cứu hộ đã dùng các phương tiện chuyên dụng để tiếp cận và đưa số người này ra khỏi dòng rip. Còn số học sinh ở bãi biển Mộ Đức thì không có lực lượng cứu hộ nên 4 em đã tử nạn.
Không phải lúc nào dòng rip cũng xuất hiện ở các bãi tắm. Nhưng thường thì khoảng cuối Xuân đầu Hạ mỗi năm thì dòng rip xuất hiện. Không một năm nào là không có người bị đuối nước ở các bãi biển miền Trung. Đa số họ đều là những người biết bơi mới là điều đáng nói. Chính vì chủ quan cậy mình biết bơi nên khi gặp dòng rip, cố vẫy vùng một thời gian là đuối sức nếu không có lực lượng cứu hộ.
Nhiều người có kinh nghiệm đã khuyến cáo với các trường hợp bị dòng rip cuốn ra xa là không nên cố bơi ngược vào bờ mà thả nổi cơ thể - một cách giữ sức và sau đó thì bơi ngang với dòng chảy để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Một số nơi có đông khách du lịch tắm biển như Đà Nẵng, Nha Trang, bên cạnh lực lượng cứu hộ thường xuyên “để mắt” tới những vị khách nào bơi quá xa bờ, gặp vùng nguy hiểm thì dùng loa yêu cầu quay trở lại.
Họ cũng thả những chiếc phao như những “lằn ranh” không an toàn nếu khách tắm biển vượt qua. Tuy nhiên, các bãi biển miền Trung hiện nay ken dày khách du lịch mỗi chiều thì việc tự “giới hạn” cho mình là chính chứ không nên ỷ lại vào lực lượng cứu hộ.
Các phương tiện truyền thông năm nào cũng phản ánh tình trạng đuối nước ở các bãi biển miền Trung, các nhà quản lý cũng luôn cảnh báo với du khách mỗi khi tắm biển nhưng rồi năm nào cũng xảy ra những trường hợp đuối nước thương tâm.
Sắp nghỉ hè, số người tắm biển là học sinh sẽ tăng lên. Các bậc phụ huynh cũng nên căn dặn con mình mỗi khi chúng… xả hơi ở các bãi tắm sau những buổi học cuối cùng của năm học.