Tăng cường kĩ năng ứng xử trong học đường

GD&TĐ - Xã hội càng phát triển thì vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ và đặc biệt học sinh trong các nhà trường vô cùng cần thiết quan trọng. Điều đó không chỉ góp phần hạn chế những tệ nạn trong môi trường học đường, xã hội mà còn tăng cường khả năng ứng xử giao tiếp có chuẩn mực, văn hóa, tạo nên một thế hệ trẻ được giáo dục toàn diện.    

Tăng cường kĩ năng ứng xử trong học đường

“Hổng” kỹ năng

Có một điều không khó để nhận thấy ở giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng đó là sự thiếu hụt kĩ năng giao tiếp, ứng xử hay gọi chung là kĩ năng sống hàng ngày. Điều đó đẩy các em tới những khó khăn, mâu thuẫn, va vấp… trong cuộc sống một cách không đáng có.

Chỉ đơn giản với hai câu nói xin lỗi – cảm ơn, một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp hàng ngày, một cụm từ ngắn gọn có ý nghĩa giáo dục, hiệu quả lớn trong giao tiếp nhưng lại đang ngày càng thưa dần.

Giới trẻ dường như đang tăng cường sử dụng những ngôn từ lóng, sến… nhưng lại thiếu những lời nói tưởng như đơn giản như xin lỗi, cảm ơn trong môi trường học đường và xã hội khi gặp các vấn đề liên quan cần thiết phải sử dụng.

Không ít nhà văn hóa, thầy cô giáo đều chung nhận xét giới trẻ ngày càng vô tâm tới mức thiếu hụt văn hóa giao tiếp. Tình trạng học sinh hỏi đường người lớn rồi phóng vụt xe đi không để lại từ cảm ơn dù được giúp đỡ tận tình.

Nhiều nữ sinh trong quá trình tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt, khi bước lên xe đã hết chỗ ngồi các bạn nam tự giác đứng lên nhường chỗ. Thế nhưng sau khi ngồi yên vị vào chỗ trong sự sung sướng hài lòng các bạn nữ dường như coi đó là điều tất nhiên và quên hẳn việc nhìn xem ai đã thể hiện lòng tốt, sự lịch sự với mình và nói lời cảm ơn lịch sự cần thiết.

Những lời xin lỗi, cảm ơn dường như đang ngày càng thiếu vắng và ít được học sinh sử dụng trong giao tiếp nên lối sống cách hành xử trong môi trường học đường, xã hội nảy sinh nhiều tiêu cực không đáng có.

Trước thực tế đáng lo ngại này, các nhà giáo dục đã đặt câu hỏi trong sự trăn trở: Tại sao có tệ nạn học đường, bạo lực học đường? Tại sao học sinh khi lớn lên lại coi thường bố mẹ? Vì sao anh chị em trong gia đình dễ dàng chửi bới đánh đập, sát hại lẫn nhau? Và một trong những nguyên nhân quan trọng được đưa ra bởi sự thiếu hụt những kĩ năng giao tiếp, sự ứng xử thiếu lòng nhân ái vị tha, thiếu vắng những lời nói xin lỗi khi vô tình mắc lỗi hoặc những từ cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ khi được giúp đỡ.

Trong quá trình giáo dục, nhiều thầy cô giáo cũng cho rằng, mọi mâu thuẫn trong xã hội, môi trường học đường đều có thể xuất từ thiếu đi câu nói lời xin lỗi cảm ơn.

Trong các giờ sinh hoạt học tập ở trường lớp, học sinh có thể cãi cọ, đánh đấm, thù oán nhau khi vô tình làm tổn thương, hoặc vô tình làm ảnh hưởng tới người khác mà không có lời xin lỗi kịp thời.

Những hành động tưởng như nhỏ nhất là va chạm nhẹ khi nô đùa, vô tình dẫm lên chân bạn lúc đang chạy trong giờ ra chơi… nhưng nếu không được học sinh nói lời xin lỗi đúng lúc cũng có thể dẫn tới những cuộc cuộc ẩu đả, kêu gọi bè phái trả thù, dằn mặt, cảnh cáo lẫn nhau.

Hai từ cảm ơn vô cùng đơn giản mà hiệu quả nhưng không phải học sinh nào cũng ý thức được để sử dụng trong quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh hàng ngày.

Các em có thể đánh rơi đồ dùng học tập, sách vở, được bạn lớp khác nhặt được mang tới trao tận tay nhưng cũng chỉ nhận lại với câu nói tớ xin mà không biết kèm theo lời cảm ơn tới bạn. Hoặc ngay trong lớp học, khi chưa hiểu bài, học kém học sinh được thầy cô giúp đỡ tiến bộ song cũng chỉ nói em nhớ rồi, em hiểu rồi mà không biết kèm theo lời cảm ơn sự quan tâm của thầy cô dành cho mình.

Hành trang không thể thiếu

Để tạo thói quen văn hóa, biết nói lời xin lỗi cảm ơn, học sinh cần phải được giáo dục từ nhỏ để trở thành một thói, kĩ năng giao tiếp và sống. Và sự ảnh hưởng, hướng dẫn dạy giỗ các em tích cực nhất nhất chính từ nhà trường, thầy cô và gia đình.

Trong gia đình, khi con cái trót làm điều sai trái, cha mẹ hãy khuyến khích các con biết nói lời ân hận, chân thành xin lỗi cha mẹ thay vì trách mắng, khắt khe trừng phạt. Trong nhà trường, lời xin lỗi cảm ơn cũng cần được khuyến khích và quy định như nếp sống văn minh của học sinh trong trường.

Với thầy cô giáo, cũng cần là tấm gương biết nói lời xin lỗi cảm ơn khi mình chưa hoàn thiện, có điều gì chưa đúng với học sinh hoặc nhận được sự giúp đỡ dù nhỏ bé nhất từ học sinh

Dưới phân tích nhiều góc độ như văn hóa, ứng xử, giao tiếp những kĩ năng sống mà đơn giản nhất từ hai cụm từ xin lỗi – cám ơn cho thấy cần phải trở thành kỹ năng giao tiếp xuất hiện thông thường trong hành trang cuộc sống mà học sinh cần được trang bị.

Hãy dạy học sinh biết nói lời cám ơn đúng lúc với thầy cô, cha mẹ, bạn bè. Dù bạn chỉ nhặt được chiếc bút chì, cục tẩy nhỏ… và trả lại cho mình cũng hãy nói lời cám ơn chân thành. Như vậy mọi người sẽ thêm yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ các em.

Lời xin lỗi đúng lúc cũng chính là vũ khí bảo vệ học sinh trong hoặc ngoài trường học. Nếu vô tình đụng vào ai đó hoặc làm điều chưa phải hãy nói lời xin lỗi thì mọi người sẽ nhanh chóng tha thử bỏ qua mọi lỗi lầm.

Hiện nay tại nhiều trường học, bằng tư duy giáo dục hiện đại và hiệu quả nhiều trường học đã nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua cụm từ xin lỗi cảm ơn. Nó cũng được quy định như nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh, giúp các em toàn diện hơn khi bước vào trường học cho tới khi ra trường.

Khi nếp sống văn minh ấy được giáo dục, được định hình từ sớm trong học sinh thì việc đánh lộn, xúc phạm nhau trong học đường sẽ được hạn chế. Thậm chí, ngay cả phụ huynh, giáo viên khi áp dụng nguyên tắc sống này cũng trở nên văn minh hơn, thân thiện hơn trong các giao tiếp, ứng xử.

Kĩ năng ứng xử giao tiếp cần được đưa vào giáo dục học sinh từ bậc học nhỏ nhất. Hành vi, lối sống văn minh thanh lịch nếu được hình thành sớm trong giao tiếp hàng ngày của mỗi học sinh sẽ mang lại những tác dụng lớn lao. Nó thực sự trở thành hành trang quý để mỗi học sinh bước vào cuộc sống và trở thành những công dân toàn toàn diện cả về trí thức lẫn đạo đức, tâm hồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ