Đối thoại để vực dậy văn hóa ứng xử học đường

GD&TĐ - Làm thế nào để văn hóa ứng xử học đường được bền vững và trở thành một thuộc tính trong các hoạt động học tập, sinh hoạt của HS? Những tồn tại của thứ văn hóa ứng xử xấu xí trong môi trường GD làm sao để loại bỏ? Đó là chủ đề chính của buổi gặp gỡ vừa được Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, giữa 160 HS trung học tiêu biểu của TP với lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Đối thoại để vực dậy văn hóa ứng xử học đường

Khi HS được trải lòng

Với chủ đề: “HS TPHCM với văn hóa ứng xử học đường”, tại buổi đối thoại, các em HS đã chỉ ra những tồn tại, thực tế đáng lo ngại của văn hóa học đường hiện nay mà các em chính là người cảm nhận rõ nhất.

Với tâm trạng đầy lo lắng, Võ Phi Thành Đạt, HS lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng: Văn hóa ứng xử học đường hiện nay gần như đã rơi vào đáy của vấn đề (Đạt dùng từ xém) khi em cho biết vẫn phải chứng kiến những cách hành xử thiếu văn hóa của nhiều bạn cùng trang lứa. Từ việc HS có thái độ hỗn với giáo viên, nhân viên trong trường vẫn thi thoảng có những cách hành xử thiếu văn hóa với HS hay cách dùng ngôn từ giữa các bạn với nhau…

Theo Đạt, văn học chính là giá trị để nuôi dưỡng tâm hồn, văn hóa ứng xử cho HS nhưng hình như cách giảng dạy không còn phù hợp nữa. Chính vì thế, Đạt đề xuất lãnh đạo Sở GD&ĐT thử nghiên cứu để hướng cách giảng dạy văn học theo hướng ứng dụng. Tức đưa các câu chuyện, bối cảnh trong tác phẩm văn học vào các tình huống thực tế của cuộc sống, bằng những bài học ứng xử để HS có thể cảm tốt hơn.

Cũng giống Đạt, dưới góc nhìn của mình trong tâm trạng băn khoăn, Ngô Mỹ Uyên, HS Trường THPT Phú Nhuận chỉ rõ việc trong môi trường học đường vẫn đang tồn tại một sự vô cảm nơi HS, cũng như cách sử dụng ngôn ngữ trong văn phong lời nói của mình để tác động, chỉ trích một cách tiêu cực đến người khác. Em dẫn chứng, nhiều bạn học đã vô tư mượn hình ảnh chiếc thùng xốp giấu xác một HS lớp 9 bị giết ở Gò Vấp (một vụ án mạng dã man) để hù đọa, “chém gió” với nhau.

Uyên cho rằng, chính sự vô cảm với người xung quanh, sự thiếu ý thức và đùa giỡn thái quá trong cách xử dụng ngôn từ của nhiều bạn đã và đang làm tổn thương các giá trị văn hóa, nhân văn. Vì thế, Uyên kiến nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT nên quan tâm, nghiên cứu để trong tương lai gần các nhà trường có một chương trình GD đúng nghĩa nhằm hạn chế sự vô cảm trong ứng xử và cách nói chuyện hiện nay của HS.

Không chỉ nêu rõ những bất ổn đang tồn tại đầy rẫy trong văn hóa ứng xử trong học đường, như chửi thề, hút thuốc, đánh lộn với nhau… Lê Hoài, HS Trường THPT Nguyễn Công Trứ còn chỉ ra một thực tế đang tồn tại khiến lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại biểu tại buổi đối thoại giật mình. Theo em, hiện có không ít bạn HS có tư tưởng chính trị xấu, khi vô tư mượn các tác phẩm văn học, âm nhạc, các trích dẫn đầy tính phản động của các phần tử xấu trên mạng xã hội vào tư duy, lối nói chuyện hàng ngày.

Quan ngại sâu sắc hơn, Trương Lê Gia Bảo, HS THPT Ngô Thời Nhiệm cho rằng đã đến lúc giáo viên chủ nhiệm, nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đọc của HS. Bởi theo Bảo, muốn có một nền văn hóa ứng xử chuẩn mực, văn minh các bạn HS cần được định hướng cách tiếp cận văn hóa, cách thức lựa chọn tác phẩm để đọc.

Bảo chỉ rõ thực trạng có không ít bạn HS đã và đang vô tư sử dụng các biến thể của thứ ngôn ngữ rác, vô tư sáng tác các tác phẩm ngôn tình bằng thứ văn hóa và ngôn ngữ tục tĩu, không giống ai. Gia Bảo cho rằng, nếu không sớm có định hướng và có cách tiếp cận văn hóa một cách đúng nghĩa, ứng xử văn hóa học đường sẽ còn tệ hại hơn.

Xây dựng văn hóa ứng xử từ bài học cuộc sống

Đa phần các ý kiến của HS tại buổi trao đổi đều cho rằng, để định hình và xây dựng được nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử tốt trong nhà trường thì nhà trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa những bài học, những mẩu chuyện về cách ứng xử bằng những tình huống thực tế của cuộc sống. Hoặc có thể tích hợp các tình huống văn hóa ứng xử nơi công cộng vào giáo trình để giảng dạy trong nhà trường.

Ví dụ như hình thành văn hóa xếp hàng, văn hóa giao thông (đi đúng luật, nhường chỗ cho người già) hay văn hóa đọc.

Em Trần Đặng Mai Anh, HS Trường THPT Lam Sơn đề xuất: Sở GD&ĐT ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ngoại khóa, học tập theo hướng mở, gắn với thực tế cuộc sống thì cũng cần nghiên cứu lại học phần của bộ môn Giáo dục công dân, làm sao để những bài học quá cao siêu (chủ nghĩa duy vật, duy tâm) so với lứa tuổi HS được thay bằng những mẩu chuyện cảm động, hình ảnh ẩn chứa tính GD cao trong cuộc sống, gắn với các bài học gia đình… như vậy, mới giúp hình thành nơi HS những phẩm chất và thói quen ứng xử văn hóa.

Nhìn nhận những ý kiến trao đổi, những tình huống trong thực tế nhà trường mà các em HS chỉ ra, cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 - nhìn nhận bản thân mình và cán bộ quản lý các trường khác cần phải xem xét lại để có những thay đổi phù hợp. Từ đó, tạo ra các hoạt động mới mẻ, gần gũi và gắn chặt giữa việc GD với tình huống nhiều hơn. Thông qua các hoạt động GD mở, như đề xuất kiến nghị của HS tại buổi đối thoại (đa dạng hóa các tiết sinh hoạt đầu tuần, đẩy mạnh tham vấn học đường, gắn kết chặt chẽ hơn nữa nhà trường - phụ huynh) để mang đến cho HS những bài học thực tế nhất.

Đánh giá về những câu hỏi, ý kiến nêu ra từ phía HS, ông Nguyễn Minh - Trưởng phòng Công tác HS - SV Sở GD&ĐT TPHCM - cho rằng những phản ánh nêu ra đều rất xác đáng và phản ánh những điều đang thiếu trong xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Ông Minh nhìn nhận bản thân ông thấy vui khi HS TPHCM ngày càng tự tin, thông minh và trưởng thành hơn rất nhiều. Do đó, ông tin việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường với nòng cốt là những “hạt nhân” luôn trăn trở, luôn kiếm tìm các giá trị sống tốt đẹp như 160 HS tiêu biểu của TP hôm nay sẽ mang lại những tín hiệu tích cực.

Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM) - thừa nhận, các hoạt động GD mở, tiết học lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, với các tình huống cụ thể của cuộc sống mà các nhà trường đang quyết liệt đổi mới, triển khai mang lại giá trị GD, định hình tư tưởng sống rất lớn cho HS. Bản thân ông tiếp nhận những trao đổi, ý kiến của các em để sớm tham mưu cho lãnh đạo Sở nhằm sớm có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa các chương trình GD ngoại khóa, chuyên đề trong nhà trường.

Chia sẻ với các em HS, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - khẳng định những kiến nghị, câu chuyện các em kể ra tại buổi đối thoại không chỉ mang đến cho thầy cô các bài học thực tiễn hơn, mà còn cho họ cái nhìn cụ thể, kinh nghiệm để làm tốt hơn trong công tác quản lý của mình. Theo ông chính những “hạt nhân” tích cực, ưu tú đại diện cho các trường phổ thông ngồi đây để nói lên tiếng nói cho HS TP sẽ mang đến những giá trị thay đổi rất lớn trong thời gian tới.

“Chúng ta nhìn thấy những bất cập, chúng ta nhìn thấy cách hành xử còn thiếu văn hóa, vậy cái chúng ta cần là sự tranh đấu, là sự loại bỏ. Mỗi HS cần phải luôn tự định hình và xây dựng cho mình một tính cách tích cực. Các em phải biết đấu tranh, phản bác lại cái xấu, cái không tốt, chia sẻ và lan tỏa những hình ảnh tích cực… làm được như vậy chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường văn hóa ứng xử tốt trong nhà trường” - ông Lê Hồng Sơn nhắn nhủ các em HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.