Tân sinh viên cần cẩn trọng để tránh “sập bẫy” lừa đảo

GD&TĐ - Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học phát đi lưu ý với tân sinh viên về việc có người mạo danh cán bộ của đơn vị, yêu cầu đóng bổ sung các khoản phí.

Thí sinh nhập học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (năm 2020). Ảnh: NTCC
Thí sinh nhập học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (năm 2020). Ảnh: NTCC

Thực tế này đòi hỏi các nhà tường, tổ chức thanh niên, hội sinh viên và gia đình, cần có định hướng tốt cho thí sinh khi bước vào cuộc sống tự lập.

Cảnh báo

Mới đây, nhiều tân sinh viên của Trường ĐH Hà Nội nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ, yêu cầu nộp bổ sung một số khoản phí, với số tiền lên đến hàng triệu đồng. Họ chủ động cung cấp số tài khoản và đề nghị sinh viên chuyển tiền vào đó.

Nhận được phản hồi từ phía phụ huynh và sinh viên, Trường ĐH Hà Nội đã cảnh báo tình trạng lừa đảo đối với tân sinh viên. Theo thông báo trên fanpage của trường, học phí và các khoản thu hộ gồm: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thân thể của sinh viên khóa 2021 - 2025 đều được thông báo rõ ràng, công khai trên trang chủ của Trường ĐH Hà Nội. Nhà trường không thu thêm bất kỳ khoản nào. Phụ huynh và sinh viên không nộp tiền/ chuyển khoản cho bất kỳ cá nhân gọi điện, nhắn tin yêu cầu thu thêm tiền.

Trên fanpage của Đoàn Thanh niên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra nhiều cảnh báo với tân sinh viên. Theo đó, Đoàn Thanh niên của trường đã đưa ra một số tình huống mà sinh viên năm thứ nhất hay bị lừa như: Đang đi ngoài đường, tự nhiên có kẻ lại gần gạ mua đồng hồ, máy ảnh, kính… với giá rẻ bất ngờ. Sau khi bỏ tiền ra mua: Đồng hồ sử dụng được vài ngày là không hoạt động, máy ảnh không chụp được hình...

Hoặc tình huống có người tự xưng là nhân viên của công ty chuyên sản xuất cà phê hòa tan đến giới thiệu sản phẩm và xin ý kiến của khách hàng sau khi dùng thử. Bóc gói cà phê do người phụ nữ đưa, sinh viên thấy bên trong một mẩu giấy ghi dòng chữ “Chúc mừng bạn đã trúng thưởng một máy ảnh kỹ thuật số trị giá 5 triệu đồng”.

Người tự xưng là “nhân viên kinh doanh” kia dẫn sinh viên đến một chiếc xe tải đỗ cách đó 200m và đưa cho cô một chiếc máy ảnh mới, được bọc cẩn thận trong hai lớp túi nilon. Người tự xưng là nhân viên kinh doanh mồi chài: “Em là người đầu tiên may mắn trúng thưởng. Nếu bây giờ em muốn lấy máy ngay thì đưa cho chị 500 nghìn đồng. Đây là tiền “chia sẻ may mắn” với những người khác. Em có thể ghi địa chỉ của bố mẹ em hoặc một ai đó có hoàn cảnh khó khăn ở quê, bên chị sẽ chuyển số tiền đó đến tận tay họ”.

Đôi khi các em vừa trở thành sinh viên nên cũng có ý định mua máy ảnh, do đó không ngần ngại rút tiền đưa cho người lạ lấy hàng về. Về đến nhà, mua pin lắp vào máy chụp thử nhưng bật nguồn mãi máy không lên. Mang máy ảnh ra hiệu, nhân viên sửa chữa khẳng định máy ảnh là “hàng mã”.

Không dừng lại ở đó, nhiều người quan ngại tín dụng đen đã len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở các thành phố lớn, địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên lưu trú. Khắp nơi, ngay cả trên những tuyến đường lớn, con phố đẹp, tín dụng đen được quảng cáo công khai, với tên gọi: Hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ... Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn, nhẹ dạ cả tin và thiếu kỹ năng sống…

Bà Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn bức xúc trước hàng loạt vụ cho vay tiền qua app vừa qua cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại hình tín dụng đen thời công nghệ. Họ đã biến con nợ nhỏ thành những con nợ lớn. Khi không thể trả nổi thì thực hiện khủng bố tinh thần hoặc dùng mọi thủ đoạn để dồn người vay đến chân tường.

Đại biểu Thủy kiến nghị: Bộ Công an cần thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ, với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi, giúp người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận.

Cảnh báo lừa đảo trên fanpage của Trường ĐH Hà Nội.
Cảnh báo lừa đảo trên fanpage của Trường ĐH Hà Nội.

Không cả tin

Khuyến cáo, tân sinh viên quyết tâm không tham gia và tuyệt đối không mua hàng ngoài đường, TS Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh cảnh báo: Đầu năm học, sinh viên có thể gặp một số tình huống như: Bị ai đó gọi điện yêu cầu chuyển khoản học phí hoặc lệ phí thi lại…

Người gọi điện thường tự xưng là cán bộ của trường, sau đó cho số tài khoản cá nhân để sinh viên chuyển khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản phí hay học phí, sinh viên chỉ chuyển đến số tài khoản chung của trường hoặc số tài khoản mà nhà trường thông báo công khai, tuyệt đối không chuyển khoản đến bất kỳ số tài khoản nào khác.

TS Lưu Hữu Đức – Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên (Học viện Tài chính) lưu ý: Bước vào cuộc sống tự lập, mỗi sinh viên phải làm chủ được bản thân và tự trang bị cho mình những kỹ năng sống để ứng phó với cám dỗ nơi phồn hoa, phố thị. Các em cũng cần sự đồng hành của gia đình, nhà trường để giám sát, hỗ trợ và đưa ra những định hướng về lối sống khi bước vào cuộc sống tự lập.

Để hạn chế tối đa những điều không hay có thể xảy ra với tân sinh viên, TS Lưu Hữu Đức lưu ý: Hội sinh viên, trung tâm hỗ trợ sinh viên của các trường cần đồng hành ngay từ những ngày đầu tân sinh viên bước chân vào giảng đường đại học. Đó có thể là hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ giá rẻ, an toàn về an ninh trật tự. Hoặc giới thiệu công việc bán thời gian cho những em thật sự có nhu cầu, nhằm bảo đảm độ an toàn và tin cậy cao. “Tin rằng, khi mỗi đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên sẽ luôn “kề vai, sát cánh” cùng tân sinh viên thì những rủi ro, cạm bẫy chốn thị thành sẽ không có cơ hội bủa vây các em” - TS Lưu Hữu Đức nói.

“Có rất nhiều tình huống tân sinh viên phải đề cao cảnh giác. Ví dụ, nếu các em bắt được tờ rơi có nội dung đại ý như: Tuyển sinh viên làm part-time. Nội dung công việc: Phát quà khuyến mãi trong X ngày cho công ty XYZ ở siêu thị ABC. Lương 150k/ca làm việc 2 tiếng. Nhân viên được phát áo đồng phục. Liên hệ trung tâm XXX. Có việc nào hấp dẫn vậy không? Gặp những tin trên, bảo đảm 99% các bạn mất tiền oan. Nếu muốn kiếm thêm việc làm hoặc làm gia sư, hãy thông qua tổ chức, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên của nhà trường” - Đoàn Thanh niên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ