Giúp tân sinh viên hoà nhập từ hoạt động câu lạc bộ

GD&TĐ - Tham gia câu lạc bộ là cơ hội để tân sinh viên nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới, làm quen, kết bạn và học hỏi những kỹ năng mềm cho công việc tương lai.

Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2017 do clb TEC, Trường ĐH Ngoại thương, tổ chức. Ảnh: INT.
Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2017 do clb TEC, Trường ĐH Ngoại thương, tổ chức. Ảnh: INT.

Từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục đại học, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên đã kịp thời hỗ trợ giúp tân sinh viên tìm hiểu CLB, hoạt động trong nhà trường.

Mong được “làm mới bản thân”

Là tân sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, Lê Khánh Vy bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của câu lạc bộ (CLB) Nhà Doanh nghiệp tương lai (TEC).

Vy cho biết, sẵn có niềm đam mê với hoạt động khởi nghiệp, từ những năm THPT, em đã theo dõi hoạt động của TEC trên fanpage Facebook. CLB này thường xuyên chia sẻ bài học kinh doanh bổ ích; mời chuyên gia, diễn giả giao lưu kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp theo hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Đặc biệt, hàng năm, CLB tổ chức Khởi nghiệp cùng Kawai, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên lớn nhất miền Bắc.

“Theo em, tân sinh viên cần chủ động kết bạn mới, làm quen với anh chị khoá trên để được hướng dẫn và va chạm nhiều hơn. Và cách nhanh nhất là đăng ký tham gia câu lạc bộ. Không chỉ xây dựng mối quan hệ, chúng em sẽ được học hỏi những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này”, Khánh Vy bày tỏ.

Trúng tuyển ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học FPT, Hà Nội, Nguyễn Gia Linh cho biết: “Chuyên ngành của em học bằng tiếng Anh nhưng vốn ngoại ngữ của em không được tốt, em lo mình không theo kịp bạn bè. Trường đang dạy trực tuyến nên em ngại, chưa làm quen với ai trong lớp”.

Qua tìm hiểu, nam sinh biết nhà trường có CLB Tiếng Anh mang tên English Funny Club. Dù lo lắng khả năng tiếng Anh chưa tốt, Linh vẫn muốn đăng ký tham gia để có môi trường cọ xát, sử dụng ngôn ngữ này.

“Hiện nay chỉ học trực tuyến nên em chưa tìm hiểu hết các CLB và mô hình hoạt động. Em mong khi học tập trung, các CLB sẽ tổ chức giao lưu để chúng em tìm hiểu thêm”, Linh cho hay.

Chị Nguyễn Hương Giang, 25 tuổi, chị gái của Linh, chia sẻ: Mới nhập học, tôi đã khuyến khích Linh tham gia CLB trong trường. Linh vốn là đứa nhút nhát nên tôi mong em có thể cởi mở, hoạt bát hơn khi tham gia phong trào, hoạt động của trường học.

Từng là thành viên hoạt động năng nổ trong Đoàn Thanh niên Học viện Tài chính, Hà Nội, chị Giang đánh giá tham gia CLB là một “điểm cộng” cho sinh viên khi xin việc. “CLB là mạng lưới trao đổi giữa sinh viên khoá trên, khoá dưới và cựu sinh viên. Đó cũng là nơi giới thiệu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm làm việc giữa các thành viên”, chị Giang chia sẻ.

Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Ngày hội câu lạc bộ sáng ngày 9/10.
Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Ngày hội câu lạc bộ sáng ngày 9/10.

Nuôi dưỡng bản lĩnh sinh viên

Hàng năm, khoảng thời gian nhập học cũng là giai đoạn Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên cùng CLB các trường đại học tổ chức sự kiện chào đón tân sinh viên và giới thiệu hoạt động nhà trường.

Đơn cử, trong ngày 4-10/10, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Ngày hội Câu lạc bộ (FTU’S CLUBS DAY) gồm hai hoạt động chính là giới thiệu về các tổ chức, CLB và giao lưu trực tuyến.

Thầy Hoàng Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn trường ĐH Ngoại Thương, cho biết: Các CLB là “cánh tay nối dài” của Đoàn Thanh niên để triển khai những mục tiêu cụ thể trong năm học và là môi trường sinh viên tham gia sinh hoạt. Tại Trường ĐH Ngoại thương, các CLB chia thành 5 mảng hoạt động chính gồm chuyên môn, ngôn ngữ, sở thích, truyền thông, tình nguyện và hỗ trợ phong trào.

“Hàng năm chúng tôi tổ chức ngày hội chào đón tân sinh viên, nơi các CLB giới thiệu về mình. Do dịch Covid-19, năm nay, sự kiện này phải tổ chức trực tuyến nhưng nhà trường dự kiến, khi sinh viên trở lại trường sẽ tổ chức buổi giao lưu phù hợp với tình hình để chào đón các em”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, sinh viên nên tham gia tối đa 2 CLB để đảm bảo chất lượng hoạt động. Mong muốn của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cùng ban giám hiệu Trường ĐH Ngoại thương gửi gắm đến sinh viên là hãy trải nghiệm và tìm kiếm bản thân.

"Bước vào đại học là các em đang bắt đầu giai đoạn học tập mới. Nếu không nỗ lực, không cố gắng ngay từ đầu, các em sẽ xuất phát chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa”, thầy Dũng khuyên nhủ.

Ngày hội Câu lạc bộ tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Ngày hội Câu lạc bộ tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, diễn ra theo hình thức trực tuyến.

TS Nguyễn Bích Ngọc, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, đánh giá quá trình chuyển đổi từ môi trường học tập phổ thông lên đại học là giai đoạn quan trọng và nhiều bỡ ngỡ đối với tân sinh viên. Do đó, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên nhà trường đã tổ chức các hoạt động định hướng tân sinh viên về phương pháp học tập và trang bị các kỹ năng cần thiết trong 4 năm học.

Cụ thể, nhà trường tổ chức Ngày hội Câu lạc bộ “NEU Clubs’ day” trong 4 ngày từ 1 -4/10 theo 3 cụm CLB về học thuật, sở thích, tình nguyện. Đến nay, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên có hơn 60 CLB trực thuộc. Trong đó có những CLB đã phát triển hơn 20 năm. Vì vậy, qua CLB, các tân sinh viên được rèn luyện kỹ năng, tăng khả năng kết nối và được thể hiện sự sáng tạo trong các chương trình hoạt động.

Theo TS Ngọc, mục đích chính của các chương trình, hoạt động này là giúp các bạn tân sinh viên chủ động hoà nhập vào môi trường mới, xây dựng được lộ trình phát triển bản thân và cân bằng giữa việc học tập và hoạt động rèn luyện kỹ năng.
“Tôi muốn dành cho các bạn tân sinh viên lời khuyên rằng hãy chủ động. Chủ động trong học tập từ những năm đầu tiên. Chủ động trải nghiệm những hoạt động mới và môi trường mới, chủ động thích ứng với những điều kiện học tập mới và những công cụ học tập hiện đại”, TS Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...