Tam nguyên ngũ kiệt - Kỳ 1: Cha dạy con đỗ Trạng nguyên

GD&TĐ - Trong khoa cử thời phong kiến, các sĩ tử phải trải qua 3 kỳ thi quan trọng để lập thân, lập nghiệp. Người đỗ đầu ở cả 3 kỳ: Thi hương, thi hội, thi đình được gọi là Tam nguyên.

Đền thờ Đào Sư Tích tại Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định).
Đền thờ Đào Sư Tích tại Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định).

Vậy ở nước ta, có bao nhiêu Tam nguyên, họ có gì đặc biệt?

Kỳ 1: Cha dạy con đỗ Trạng nguyên

Thời phong kiến, rất hiếm người đoạt danh vị Tam nguyên. Trong các vị Tam nguyên, không phải ai cũng kiêm tài mà đạt học vị Trạng nguyên. Thế nên mới thấy, Đào Sư Tích không chỉ xuất chúng mà còn là trường hợp hiếm có.

Đào Sư Tích sinh năm Canh Dần (1350), mất năm Bính Tý (1396), quê làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh - Nam Định). Ông là người thứ hai đỗ Trạng nguyên trong số 5 Trạng nguyên của vùng Nam Định.

Bài thi khuyên vua “chính Tâm”

Đào Sư Tích xuất thân trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời. Ông là con thứ của tiến sĩ Đào Toàn Bân làm quan chức tri Thẩm hình viện sự. Vốn có tư chất thông minh, ham học, được người cha nổi tiếng dạy dỗ, Đào Sư Tích sớm bộc lộ tài thơ phú, lực học hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, năm 7 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng.

Ở khoa thi hương, Đào Sư Tích đỗ danh sách thứ nhất. Vào thi hội, thi đình ông đều đỗ đầu, trở thành Trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh đời vua Trần Duệ Tông (1374).

Đề bài văn sách thi đình năm khoá này do vua Trần Duệ Tông ra rất hóc búa. Nội dung nói về việc tìm và dùng người tài. Cuối đề là lời lẽ thống thiết: “Sĩ đại phu hãy trình bày những điều trọng yếu của việc làm chắc chắn, xét đoán phân minh, ý chí thành thực để chỉ những chỗ Trẫm chưa làm được, để hưng khởi được hiệu quả trong việc dùng người. Đấy là điều mà Trẫm trông mong ở các bậc sĩ đại phu”.

Trong bài thi, Đào Sư Tích đã phân tích rất cặn kẽ và không ngại mất lòng vua. Bài thi có đoạn: “Thần nghe: Triều đình là gốc của thiên hạ, vị nhân quân là gốc của triều đình, nhưng cái “tâm” lại là gốc của nhân quân. Nhân quân có khả năng “chính Tâm” thì mới “chính” được triều đình. “Chính” được triều đình là để “chính” bách quan.

Trăm quan đã “chính” thì chẳng có ai mà dám chẳng xuất phát từ sự chính trực của lòng mình với quân thượng… Chỉ cần giữ nghiêm ngặt trong khi chọn con người mẫu mực, khắc phục những điều nhỏ mọn của họ và dùng họ không có chỗ nào mà không xứng đáng với tài năng, trọng bậc đại thần và thể lòng các quần thần mà đối xử với họ, thì không ai không hết lòng.

Cái mà trong lời thánh sách bảo hãy trình bày điều trọng yếu của hành đốc, thẩm minh, chí thành hẳn là ở đấy…”.

Hoặc: “Thần nghe, các bậc tiên Nho nói: Những điều trọng yếu trong việc tu nhân của vị nhân quân có ba điều: Nhân, Minh, Võ. Vị vả lấy cái thân của một người ở địa vị đứng trên trăm họ, há đâu chỉ có khả năng thuộc về trí lực? Cái mà được trăm họ trông cậy vào để làm kỷ cương then chốt là chỉ có sự vận dụng bản thân mà thôi…”.

Cha con cùng đỗ

Tranh vẽ chân dung Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Tranh vẽ chân dung Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Một hiện tượng kỳ lạ hiếm có trong lịch sử khoa cử nước ta là trong khoa thi Giáp Dần (1374), cả ba người học trò của Đào Toàn Bân đều đỗ cao: Con trai là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, hai học trò là Lê Hiến Giản (tức Lê Hiến Phủ) đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ (Thái học sinh). Cả bốn thày trò sau này đều làm quan đồng triều.

Trong buổi lễ đăng khoa, biết Đào Toàn Bân đã dạy con và hai học trò đều đỗ đại khoa, vua Trần Duệ Tông bèn khen Đào Toàn Bân là “Phụ giáo tử đăng khoa” kèm theo vế đối: “Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp”.

Nghĩa là: Cha đỗ, con đỗ, cha con nối nhau làm nên sự nghiệp học vấn đỗ đạt. Tân Trạng nguyên Đào Sư Tích bèn đối: “Tổ tích đức, tôn tích đức, tổ tôn bồi tích đức chi cơ”. Nghĩa là: Ông tích đức, cháu tích đức, ông cháu cùng vun trồng cơ nghiệp đức.

Ngày nay ở Nam Định, nhiều người vẫn truyền miệng về giai thoại Đào Sư Tích. Hồi còn đi học, một lần Đào Sư Tích phải qua sông Hồng sang Thái Bình cắt thuốc chữa bệnh cho cha. Cô lái đò tên là Đông thầm mến cậu học trò. Giữ mãi trong lòng không được bèn ra một vế đối: “Bến tịch mịch, thuyền tịch mịch, bé con nghe cổ tích”.

Biết ý trong câu đối của cô lái đò có chữ “Tích” là tên mình, Đào Sư Tích bèn đối: “Trời mênh mông nước mênh mông, quân tử đợi đò đông”. Từ cuối cùng của vế đối là tên cô gái.

Thương thầm, nhưng vì quan niệm môn đăng hộ đối, gia đình cô gái đã gả cô cho một gia đình dân chài ở Tiền Hải. Nhiều năm sau, khi đang buồn bực thì quan Nhập nội hành khiển Đào Sư Tích nhận được một bức thư không đề tên người gửi, vỏn vẹn chỉ có hai câu: “Chức trọng quyền cao nay đã thoả/Còn nhớ năm xưa đợi con đò?”.

Bức thư làm Đào Sư Tích trằn trọc không ngủ, ông ngồi dậy cầm bút viết hai câu thơ: “Mười mấy năm trời quyền cao chức trọng/Không bằng một khắc trên chuyến đò xưa”. Có lẽ sự kiện này không chỉ bộc lộ tài năng văn học của Đào Sư Tích mà còn là một tác động vào quyết định cáo quan của ông sau này.

Truyền thống khoa bảng nổi tiếng của dòng họ Đào đã ảnh hưởng sâu sắc tới Đào Sư Tích. Ông đi thi với quyết tâm đỗ đạt danh vị cao. Tương truyền, khi ông đi thi đình, vừa ra đầu ngõ thì gặp ngay một thiếu nữ. Ông xẵng giọng: “Ta đi thi mà gặp gái”.

Cô gái là người có chữ, bèn chiết tự: “Tử gặp nữ là hảo. Phen này anh đỗ Tiến sĩ”. Đào Sư Tích lại mắng: “Tiến sĩ thì thấm tháp gì”. Thiếu nữ tươi cười: “Vậy thì đỗ Trạng nguyên được chưa?”. Đào Sư Tích đáp: “Thế thì được”.

Con đường làm quan của Đào Sư Tích thời Trần ban đầu rất hanh thông. Ông được bổ chức Lễ bộ thượng thư. Đến tháng 5 năm Tân Dậu (1381) ông lại được thăng làm Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung.

Nhập nội hành khiển là chức quan cao cấp trong triều đình thời Trần, chỉ đứng sau Tể tướng, nắm giữ các việc cơ mật của đất nước. Cùng năm này cha ông là Đào Toàn Bân cũng được thăng làm Tri thẩm hình viện sự, nắm giữ các việc thực thi pháp luật “cầm cân nảy mực”.

Tử tiết nơi đất khách

Hình ảnh hiếm hoi về mũ áo Trạng nguyên Đào Sư Tích tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Hình ảnh hiếm hoi về mũ áo Trạng nguyên Đào Sư Tích tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Năm 1382, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho triệu các quan để làm bộ sách “Bảo Hòa điện dư bút” gồm tám quyển, ghi chép theo ngày tháng để dạy vua Phế Đế. Đào Sư Tích được Thượng hoàng sai viết bài tựa.

Tháng 12/1392, Phụ chính thái sư Hồ Quý Ly chuyên quyền. Nhiều cận thần trong triều dâng thư can Thượng hoàng không nên nghe theo Quý Ly. Trong số này có Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi bị Hồ Quý Ly giáng chức. Đào Sư Tích vì thường lui tới nhà Đoàn Xuân Lôi nên bị giáng chức làm Trung thư thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.

Ngao ngán cảnh quan trường, Đào Sư Tích cáo quan, không về quê Nam Định, mà về ẩn tại Vĩnh Phúc mở trường dạy học và hành nghề bốc thuốc. Tháng 6/1395, quân Minh tiến đánh phản loạn, yêu cầu Đại Việt phải cung cấp tăng nhân, sản vật, voi chiến…

Nhà Trần chỉ nộp lương thực, nhà Minh yêu cầu phải nộp tiếp tăng nhân. Các đại thần đùn đẩy nhau, và tiến cử Đào Sư Tích. Hồ Quý Ly bèn hạ lệnh “nếu không về triều đi sứ sẽ bị tru di tam tộc”. Đề phòng sự bất trắc, ông cho con cháu họ Đào đổi họ rồi về triều.

Đào Sư Tích đã thuyết phục được vua Minh xóa bỏ được các lệ cống nạp hàng năm giữa nước Việt với nhà Minh. Vào quãng thời gian cuối cùng của đoàn sứ bộ, vua Minh hỏi Đào Sư Tích: “Nếu Bắc (nhà Minh) đánh Nam (Đại Việt) thì ai thắng”. Đào Sư Tích trả lời: Bắc thắng Nam thua thua thua thắng/Nam thua Bắc thắng thắng thắng thua.

Biết ý ông nói chưa biết bên nào thắng, bên nào thua, vua Minh rất giận dữ nhưng ngoài mặt tỏ vẻ tươi cười, hỏi tiếp: “Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta lại không thắng?”. Đào Sư Tích đáp bằng hai câu thơ: Trần thực, Hồ hư, hư hư thực/Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư (nhà Trần là thực, nhà Hồ chỉ là hư, hư là hư thực. Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư).

Vua Minh hận vì thua đối đáp, muốn sát hại Đào Sư Tích. Lúc Đào Sư Tích về chỗ nghỉ, vua Minh sai viên quan đưa tiễn cầm theo phong thư để mở xem cùng Đào Sư Tích. Phong thư ghi: “Hậu họa. Nhất dược, nhị đao”. Viên quan nhà Minh kinh sợ. Đào Sư Tích nói: “Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta”.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, quê quán Trạng nguyên Đào Sư Tích là làng Song Khê, (Yên Dũng - Bắc Giang). Ông sinh ra ở làng Song Khê, thời gian đi học và trưởng thành được gắn với miền đất phủ Thiên Trường. Sau khi mất, đoàn xa kỵ của nhà Minh hộ tống thi hài Trạng nguyên Đào Sư Tích về Đại Việt. Ông được dân làng Cổ Lễ lập đền thờ, gọi là “Đào Sư Tích Từ”. Ngày nay, tại chùa Cổ Lễ vẫn còn tấm bia nói về công đức của hai cha con họ Đào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.