Trạng nguyên trẻ nhất khoa bảng Việt Nam - Kỳ cuối: Phương Bắc phục tài, triều đình mát mặt

GD&TĐ - “Trạng non” Nguyễn Hiền không chỉ nổi danh khắp phủ Thiên Trường, mà còn khiến triều đình phương Bắc phải phục tài và từ bỏ dã tâm xâm lược.

Sau khi Trạng Hiền qua đời, 32 nơi đã tôn ông làm thành hoàng.
Sau khi Trạng Hiền qua đời, 32 nơi đã tôn ông làm thành hoàng.

“Tay không bắt giặc” hay “đánh giặc bằng bút” là những mỹ từ mà dân gian dành tặng Nguyễn Hiền – Trạng nguyên khai quốc trẻ nhất lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Giải thơ chữ Điền

Ngày xưa, các triều đại phương Bắc thường hay lăm le xâm phạm phương Nam. Tuỳ tình thế thịnh – suy mà người phương đề ra phương án xâm lược khiến bờ cõi nước Nam ít khi được yên.

Theo một số sử gia, trước khi tiến hành tiến đánh một quốc gia nào đó, các triều đại phương Bắc thường sai sứ giả đi thăm dò mọi mặt, đặc biệt là tình hình nhân tài, hào kiệt của đối phương. Nếu đất nước đã suy cạn, không có nhân tài thì họ sẽ tiến đánh một cách mau chóng. Ngược lại, họ sẽ hoãn binh chờ thời cơ hành động.

Trong lịch sử nước ta, không ít lần các sứ giả phương Bắc đã sang thăm dò dưới chiêu bài ngoại giao. Các triều đại Đinh – Lý – Trần – Lê đều gặp phải các trường hợp “sứ giả thăm dò” và đều có các đối sách hợp lý bởi các bậc tôi hiền.

Không chỉ có vậy, mỗi lần sai sứ thần sang phương Bắc, triều đình cũng phải chọn lựa những người thông minh, lanh lợi và dũng cảm để tỏ rõ tinh thần của một đất nước dù nhỏ bé nhưng không nhược tiểu.

Như năm 1637, vua Lê cử Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ. Vua Minh có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong). Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: Cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong) như một lời nguyền nhân dân ta.

Nghe xong, Thám hoa Giang Văn Minh rất căm giận nhưng bình tĩnh đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ). Vế đối đanh thép, tỏ rõ khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc, nhắc cho vua Minh nhớ lại ba lần quân phương Bắc phải nhuộm máu sông Bạch Đằng: Chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938), chiến thắng quân Tống của Lê Đại Hành (năm 981) và chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo (năm 1288).

Vào đời nhà Trần, thời vua Trần Thánh Tông triều đình phương Bắc lại đưa sang một bài thơ ngụ ngôn để thăm do nhân tài nước Nam. Bài thơ gồm có bốn câu như sau: Lưỡng nhật bình đầu nhật/Tứ sơn điên đảo sơn/Lưỡng vương tranh nhất quốc/Tứ khẩu tung hoành gian.

Sử dụng cách triết tự chữ Hán, Nguyễn Hiền phá giải câu đố của phương Bắc.
Sử dụng cách triết tự chữ Hán, Nguyễn Hiền phá giải câu đố của phương Bắc.

Bài thơ được đọc lên, cả vua Trần lẫn quan lại trong triều đều không hiểu ra làm sao. Vua lúc này nhớ đến Trạng nguyên Nguyễn Hiền nên cho người mời Trạng về kinh. Cho đến khi vua Trần Thái Tông thực hiện đủ lễ, Trạng Hiền mới lên kiệu hồi kinh. Vừa lướt qua bài thơ, Nguyễn Hiền đã hiểu ngay nội dung. Toàn bộ 4 câu thơ của bài thơ chỉ miêu tả một chữ Điền, tức là ruộng.

Qua giải thích của ông Phạm Xuân Hinh, Phó ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Hiền thì ông “Trạng non” đã phân tích cả văn lẫn ý rất thấu đáo. Đó là: “Hai mặt trời bằng đầu nhau (hai chữ “Nhật” đặt cạnh nhau thì thành chữ “Điền”). Bốn hòn núi nghiêng ngả (bốn chữ “Sơn” quay đầu vào nhau thành chữ “Điền”). Hai vua tranh một nước (hai chữ “Vương” đặt ngang dọc và chồng lên nhau là chữ “Điền”).Bốn miệng ngang dọc trong khoảng đó (bốn chữ “Khẩu” xếp lại thành 2 hàng ngang dọc cũng là chữ “Điền”)”.

Lời giải của Nguyễn Hiền làm triều đình mát mặt, còn sứ giả phương Bắc phải bái phục sự thông minh của người nước Nam và cho rằng, chưa dễ gì đánh được. Sau đó ít lâu, triều đình phương Bắc phong vua Trần là An Nam Quốc Vương. Tiếng tăm Nguyễn Hiền cũng lừng lẫy ở cả hai nước và trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Sau chiến công “đánh giặc bằng bút” vang danh đó, vua Trần Thái Tông phong cho Trạng Hiền chức Ngự sử đài kiêm Đông các đại học sĩ Thượng thư bộ Công.

“Bộ Công coi việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thổ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược và sông ngòi. Có thể xem là tương đương với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải ngày nay”, ông Phạm Xuân Hinh cho biết.

5 chữ đẩy lui giặc

Tranh minh họa Trạng nguyên Nguyễn Hiền giải ý bài thơ của sứ thần phương Bắc.
Tranh minh họa Trạng nguyên Nguyễn Hiền giải ý bài thơ của sứ thần phương Bắc.

Sau thời gian hai năm kể từ ngày sứ giả phương Bắc mang thơ sang nước Việt và bị Nguyễn Hiền giải mã, phương Bắc lại gửi sang triều đình nhà Trần một bức thư chỉ có hai chữ “Thanh Thúy”.

Vua Trần xem xong không hiểu thế nào, đưa cho các quan xem xét, cũng không ai phân tích nổi hai chữ ấy có ngụ ý gì. Lúc đó, Nguyễn Hiền đang rất bận bịu với công việc đắp đê quai sông Hồng nhưng lệnh vua vời vẫn phải cấp tốc vào kinh.

Đọc xong, Nguyễn Hiền liền phê ngay vào thư 5 chữ là: “Thập nhị nguyệt xuất tốt”. Trạng tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ, vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Ngay lập tức, triều đình phái 3 vạn binh mã bố phòng nơi biên ải.

“Nguyên chữ “Thanh” gồm chữ thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới. Chữ “Thúy” gồm chữ xuất và chữ tốt ghép lại – có ý tháng 12 sẽ cho quân Nam tiến chinh phạt. Đến khi triều đình nhà Nguyên đến đầu biên giới đã thấy ta có chuẩn bị nên lại rút quân”, ông Hinh giải thích.

Theo đánh giá của các nhà sử học đương thời, hai lần “đánh giặc bằng bút” và nhờ trí tuệ của Nguyễn Hiền mà Đại Việt tránh được nạn binh đao khói lửa đương lúc quân địch đang mạnh.

Ghi chép của dòng họ Nguyễn ở làng Dương A cùng một số sử liệu còn ghi lại công lao của Trạng nguyên Nguyễn Hiền trong thời gian làm quan. Ngoài việc mở mang nông nghiệp, điều hành đắp đê, phát triển sản xuất mùa màng.

Nguyễn Hiền cũng rất chú trọng vấn đề quân sự, ông cho mở thêm các xưởng rèn vũ khí, võ đường để rèn quân luyện sĩ. Một trong các địa danh ấy chính là khu Giảng Võ (Hà Nội) bây giờ, là chứng tích một thời hào hùng luyện quân chống giặc.

Công đức Trạng Hiền nghìn năm vẫn tỏ.
Công đức Trạng Hiền nghìn năm vẫn tỏ. 

Nhân tài yểu mệnh

Là người đỗ đạt sớm nhất nền khoa bảng thời phong kiến nhưng Nguyễn Hiền cũng là vị Trạng nguyên yểu mệnh. Ngày 14/8 năm 1255, Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 21. Một cuộc đời ngắn ngủi, một đời quan cũng ngắn ngủi nhưng công lao của ông đối với đất nước được đánh giá khá sâu sắc. Nhà vua thương tiếc truy phong Nguyễn Hiền là “Đại vương thành hoàng”.

Nhân dân huyện Thượng Hiền tỏ lòng tôn kính, đã đổi tên huyện thành Thượng Nguyên để tránh phạm húy. Đồng thời, xây đền, cùng 31 địa phương ở khắp nước phụng thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Hiện nay, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở thôn Dương A (Nam Trực – Nam Định) được làm theo hướng tây nam với bình đồ kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xoè tán lá rộng che bóng mát.

Tảng đá chân cột dáng “thắt cổ bồng” từ thời Nguyễn tu sửa đền thờ Nguyễn Hiền.
Tảng đá chân cột dáng “thắt cổ bồng” từ thời Nguyễn tu sửa đền thờ Nguyễn Hiền.

Hệ thống nghi môn có 4 cột đồng trụ. Hai cột ở giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi hoạ tiết tứ linh với những đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền, hai cột bên thấp, nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành hai cột: Tả môn, hữu môn.

Theo ông Hinh và các cao niên trong làng, toà tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn, gồm có 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”, đặt trên 4 hàng cột.

Bên dưới là những chân tảng đá với dáng thắt cổ bồng. Mặt trước của tiền đường có hệ thống cửa gỗ lim chân quay. Cửa ở gian giữa được làm trên con song dưới bức bàn, các gian bên là cửa con bài.

Toà đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn. Cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Toà này có mái cong, với các đầu bẩy chạm hoạ tiết lá lật, trúc hoá long khá công phu, hoạ tiết chạm khắc trên các bộ vì tinh tế.

Hai gian cung cấm được làm giao mái với toà đệ nhị trên vị trí nhà tranh ba gian khi xưa. Tại chính cung có đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Hàng ngày, có nhiều khách là các đoàn học sinh cũng như thập phương đến thắp hương tưởng nhớ về một hiền tài.

Theo Ban quản lý di tích: Dương A vẫn truyền miệng khi Trạng về quê bị chức dịch địa phương coi thường vì chưa được ban mũ áo. Ngày hồi kinh, Trạng để lời nguyền “đất này không ai hơn ta” rồi dận chân xuống đất thành cái giếng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.