Thông minh nổi tiếng Thiên Trường
Không chỉ là Trạng nguyên khai hoa, Nguyễn Hiền còn được lịch sử công nhận là khai quốc Trạng nguyên, nhưng vì quá trẻ (13 tuổi) nên vua ái ngại lấy cớ “còn trẻ chưa biết lễ” và cho về quê. Không được ban mũ áo, xênh xang võng kiệu vinh quy bái tổ để tân khoa bỏ bày lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và thầy dạy theo đúng đạo lý.
Nguyễn Hiền không vì thế mà hậm hực, ngược lại đã tỏ rõ chí hướng việc lớn cùng trí thông tuệ thần đồng để nhà vua phải thực hành nghi lễ triều đình. Đó âu cũng là bản lĩnh vượt trội của một vị Trạng nguyên chính trực, dù tuổi còn rất trẻ.
Sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh có ghi rằng, năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi đầu tiên nhằm chọn hiền tài phục vụ đất nước.
Tuy nhiên, khoa thi đầu tiên do nhà Lý tổ chức chính là “Minh kinh bác học”, khoa thi này Lê Văn Thịnh người Kinh Bắc đỗ đầu gọi là “Đỗ đầu khai khoa”. Tuy nhiên, rất nhiều người, thậm chí trước đây ở gần đền thờ Lê Văn Thịnh còn ghi bảng chỉ đường là “Trạng nguyên”. Chi tiết không chính xác này đã dần được ngành lịch sử Bắc Ninh đính chính.
Các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, mãi đến năm 1247, nhà Trần mới đặt ra Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và quy định cứ 7 năm mở một khoa thi. Đến năm 1255, nhà Trần đặt lệ lấy 2 Trạng nguyên: 1 Kinh Trạng nguyên dành cho các lộ phía Bắc và 1 Trại Trạng nguyên dành cho Thanh Hóa, Nghệ An để khuyến khích việc học của phương Nam. Năm 1275 lệ này được bãi bỏ vì không cần thiết.
Trong khoa thi Tam khôi đầu tiên, thần đồng nhỏ tuổi Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên và được vua Trần Thái Tông phong là “Khai quốc Trạng nguyên”, điều này được nhà sử học Ngô Sĩ Liên khẳng định trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Theo các cụ cao niên ở làng Dương A, xã Nam Thắng (Nam Trực – Nam Định) thì Nguyễn Hiền sinh năm 1234 (một số tài liệu ghi là 1235). Ông mồ côi cha từ bé nhưng cũng sớm thể hiện tư chất vượt trội, tự học mà hiểu, nổi tiếng thần đồng, khắp phủ Thiên Trường không ai không biết.
Giai thoại “Trạng non”
Năm 1247, triều đình mở khoa thi. Nguyễn Hiền, lúc đó mới 13 tuổi, khăn gói lên kinh, dự thi lấy được giải nguyên, trở thành Trạng nguyên khai hoa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà sử học, vì vua thấy Trạng nguyên còn quá trẻ, khó lòng đảm đương việc nước nên đành lấy cớ “chưa hiểu hết lễ nghĩa” cho về quê tu dưỡng 3 năm sau bổ dụng.
Dù đỗ cao, tài học hơn người nhưng Nguyễn Hiền chưa được trao mũ áo, phong quan tước thì vẫn là trái với nghi thức quốc gia, ngược với quy định triều đình. Nguyễn Hiền về quê, tiếp tục đọc sách rèn luyện tri thức.
Ông Phạm Xuân Hinh, Phó ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Hiền cho biết: “Trên thực tế, sử sách viết về Nguyễn Hiền không nhiều, đa phần là những giai thoại truyền miệng, trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện ông nặn voi đất biết đi và câu trả lời về cách xâu chỉ qua ốc”.
Dù là giai thoại, nhưng người làng Dương A vẫn khẳng định đó là những câu chuyện có thật, chứ không phải hậu thế bịa ra để chứng minh cho trí tuệ của “Trạng non” Nguyễn Hiền.
Sau khi về quê, ngoài việc phụng dưỡng mẹ và đọc sách, cậu bé Nguyễn Hiền vẫn thường xuyên chơi đùa cùng các bạn. Có lần sứ giả nước khác sang thăm, thách đố vua quan nhà Trần xâu chỉ qua con ốc. Triều đình bó tay. Lúc đó, vua mới nhớ đến Trạng nguyên Nguyễn Hiền, liền sai người đến hỏi ý kiến.
Viên quan được giao việc đến quê Trạng gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu đang nghịch đất ngoài làng. Trong đó, một đứa bé mặt mũi khôi ngô chỉ huy nhóm bạn nặn voi từ đất. Kỳ lạ là con voi đó có thể đi, hỏi ra mới biết, họ dùng cua làm mình voi và lấy đỉa làm vòi nên con voi có thể di chuyển.
Viên quan đoán đây là “Trạng non” Nguyễn Hiền nhưng vẫn ra vế đố để thử tài xem có đúng thông minh như danh tiếng hay không: “Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy?”. Trạng nhanh chóng ứng đối: “Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này!”.
Biết chắc đây là người cần tìm, viên quan xuống ngựa, truyền lại ý chỉ vua muốn mời Nguyễn Hiền về kinh nhưng Nguyễn Hiền cáo lễ không về. Quan đành thuật lại câu đố của sứ giả nước ngoài, Nguyễn Hiền xui bọn trẻ hát: Tích tịch tình tang/ Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng/ Bên thì lấy giấy mà bưng/ Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang”. Quan nghe xong, biết đây là câu trả lời triều đình cần liền vội vã về kinh.
Còn một giai thoại nữa ở làng Dương A, đó là khi sứ giả phương Bắc đưa tối hậu thư sang cho triều Trần kèm một bài thơ ngũ ngôn: Lưỡng nhật mình đầu nhật/Tứ sơn điên đảo sơn/Lưỡng vương tranh nhất quốc/Tứ khẩu tung hoành gian”.
Vua tôi nhà Trần bối rối chưa hiểu ra làm sao. Đương lúc lo lắng, đêm ấy vua Trần mộng thần báo rằng: “Hữu Thượng Hiền chi tài khả năng y quốc”, nghĩa là đất Thượng Hiền có người tài đủ khả năng giúp nước.
Trách vua chưa giữ lễ
Vua cử ngay sứ giả đi tìm. Khi quan quân đến đầu làng Dương A, mọi người tránh xa, chỉ có đứa bé ngồi xem bắt cá. Sứ giả ngồi trên lưng ngựa, quát lớn: Bé kia ở đâu lại? Đứa trẻ điềm nhiên trả lời: Ta là người quân tử ngồi chờ thời. Sau vài câu đối đáp, sứ giả nhận ngay ra đó là Trạng nguyên Nguyễn Hiền, liền vội xuống ngựa vái chào.
Về nhà Trạng, sứ giả thấy ba gian nhà tre xơ xác, gian giữa là gian thờ và là nơi học tập, một gian lão mẫu ở, còn một gian đun bếp.
Sứ giả hỏi: Người quân tử sống nơi đài các, sao ngài lại ở gần bếp?. Trạng Hiền đáp rằng: Thân thế sự nghiệp ta là ở trên cao, bếp núc ở tạm đó.
Khi sứ giả trao chiếu chỉ của vua vời Trạng về triều, xem xong Trạng nói: Nhà vua trách ta chưa học lễ, nay thấy nhà vua chưa giữ lễ, ta chưa thể về triều.
Sứ giả hồi tấu, vua sai mang mũ áo bằng sắc, xe ngựa rước Trạng hồi kinh. Hai giai thoại này cho thấy sự thông minh, lanh lợi của Nguyễn Hiền. Đồng thời, cũng thể hiện khao khát trọng dụng người tài đúng như chân lý “hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà Phó đô Nguyên suý Tao đàn nhị thập bát tú Thân Nhân Trung đã nói.
Theo một số ghi chép của dòng họ Nguyễn thôn Dương A, Trạng nguyên Nguyễn Hiền hồi kinh và làm đến chức Thượng thư Bộ Công và từng cho đắp đê quai vạc sông Hồng đào kênh mương dẫn nước, giúp nông nghiệp phát triển.
Trong những năm làm quan triều đình, Nguyễn Hiền đã hiến nhiều kế sách phò vua, giúp nước, đối phó với quân phương Bắc, Chiêm Thành.
Năm 1255, Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng, qua đời ở tuổi 21. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi khác nhau.
Cuộc đời ngắn ngủi của vị Khai quốc Trạng nguyên được tóm gọn trong cuốn Ngọc phả được bảo tồn tại đền thờ quê hương ông: “Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc/ Vạn niên thiên tuế lập tam tài”.
Hai câu thơ trên phần nào khái quát được tài năng lỗi lạc của ông “Trạng non” - Trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử nước ta thời phong kiến.
Nói về thuyết phong thuỷ “địa linh sinh nhân kiệt” quê hương Nguyễn Hiền, có câu đối xưa, rằng: “Thất tinh ngũ mã sinh anh tuấn/Vạn cổ thiên thu thư miếu đình”. Ngôi nhà sinh ra Nguyễn Hiền là cuộc đất rất đẹp: Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án với “ngũ mã triều tiền”, hậu chẩm là “thất tinh ủng hậu” thuỷ tàng khí tụ sinh bậc anh tuấn cho đời. Nay, địa thế có thay đổi đôi chút nhưng về tổng thể vẫn giữ được cảnh quan xưa.