Năm 1936, một bác sĩ ở Mỹ có ý định cách mạng hóa việc điều trị bệnh tâm thần bằng phương pháp phẫu thuật thùy não khiến cộng đồng khoa học đặc biệt lưu tâm. Thế nhưng, thủ thuật gây tranh cãi này không mang lại thành công như mong đợi, khiến công trình đi vào quên lãng và tác giả bị mang tiếng là “sát thủ” trong y học.
Không ngừng học hỏi
Nhà thần kinh học người Mỹ Walter Jackson Freeman sinh tại Philadelphia vào năm 1895. Ông nội và cha của ông đều là những bác sĩ lỗi lạc. Lớn lên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Freeman muốn tiếp bước họ trên con đường y học.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1916, Walter Freeman tiếp tục theo học ngành thần kinh tại Trường Y, Đại học Pennsylvania. Sau đó, ông đến châu Âu để tiếp tục học nâng cao trong lĩnh vực này vào năm 1923. Về lại Hoa Kỳ vào năm sau, ông trở thành bác sĩ thần kinh đầu tiên hành nghề tại Washington, D.C.
Vào đầu những năm 1930, Walter Freeman lấy bằng Tiến sĩ về bệnh lý thần kinh và được bổ nhiệm vị trí trưởng khoa thần kinh tại Đại học George Washington, đồng thời làm trưởng phòng xét nghiệm tại Bệnh viện tâm thần St Elizabeth ở Washington, D.C.
Trong thời gian này, chứng kiến sự khổ đau cùng cực mà bệnh nhân phải chịu đựng, ông quyết tâm tìm kiếm một phương pháp điều trị có thể giúp họ vượt qua bệnh tật. Và công trình mang tính cách mạng của một bác sĩ ở châu Âu đã góp phần giúp ông thực hiện ước mơ của mình.
Vào năm 1935, nhà thần kinh học người Bồ Đào Nha, Egas Moniz, giới thiệu một phương pháp gọi là leucotomy (phẫu thuật thùy não). Quy trình này liên quan đến việc khoan lỗ trên hộp sọ của bệnh nhân và tiêm cồn vào thùy trán để phá hủy chất trắng, nhằm làm gián đoạn các đường dẫn thần kinh có vấn đề liên quan đến bệnh tâm thần. Moniz sau đó bắt đầu sử dụng dụng cụ phẫu thuật gọi là leucotome để cắt nhiều lõi tròn nhỏ trong chất não.
Walter Freeman được truyền cảm hứng từ quy trình của Moniz, nhưng thấy nó cần được cải tiến. Ông hợp tác với bác sĩ phẫu thuật thần kinh, James W. Watts, điều chỉnh quy trình để tách hoàn toàn các kết nối giữa thùy trán - đồi thị, thay vì cắt lõi và gọi phiên bản này là lobotomy (phẫu thuật cắt bỏ thùy não).
Ông cùng Watts thực hiện ca phẫu thuật theo phương pháp này đầu tiên ở Mỹ vào ngày 14/9/1936, trên một người phụ nữ 63 tuổi ở Kansas tên là Alice Hood Hammatt, vốn bị trầm cảm và mất ngủ.
Trường hợp nổi tiếng nhất của họ là Rosemary Kennedy, em gái của Tổng thống tương lai John F. Kennedy. Bà bắt đầu trải qua những cơn giận dữ mãnh liệt khi mới hai mươi và Walter Freeman, chẩn đoán bà bị “trầm cảm kích thích”.
Ông hứa rằng, một ca lobotomy sẽ làm bệnh nhân bình tĩnh lại. Rosemary đã trải qua phẫu thuật vào tháng 11/1941 khi 23 tuổi và kết quả phải sống với khả năng tâm thần của một đứa trẻ hai tuổi. Bà bị đưa vào bệnh viện suốt phần đời còn lại.
Phẫu thuật xuyên hốc mắt

Trong quá trình thực hiện, Freeman nghĩ rằng phải có một cách nhanh và dễ hơn. Thực tế, mục tiêu cuối cùng của ông là làm cho bác sĩ tâm thần có thể thực hiện quy trình này tại văn phòng của họ mà không cần phòng phẫu thuật hay chuyên gia phẫu thuật thần kinh.
Ông từng biết đến một bác sĩ người Ý tên là Amarro Fiamberti, người đã phẫu thuật não của bệnh nhân qua hốc mắt, không cần khoan vào hộp sọ. Freeman bắt đầu thử nghiệm với kỹ thuật này, và vào tháng 1/1946, ông thực hiện ca “lobotomy xuyên hốc mắt” đầu tiên.
Ông sử dụng công cụ giống như chiếc dùi đục đá nhỏ chọc vào hốc mắt của bệnh nhân cho đến khi đến não và di chuyển công cụ để phá hủy mô thùy trước mà ông cho là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần.
Ông tin rằng, ca phẫu thuật của mình đủ đơn giản để thực hiện bên ngoài phòng phẫu thuật, và bắt đầu một chuyến lưu diễn toàn quốc để trình diễn cho các chuyên gia y học khác, đồng thời lợi dụng truyền thông để thu hút sự chú ý cho quy trình này. Trong khi đó, Watts do quá sợ hãi về các ca phẫu thuật theo phương pháp này nên đã chấm dứt hợp tác với Freeman.
Trong suốt quá trình lưu diễn, Freeman thường thực hiện nhiều ca lobotomy mỗi ngày. Đáng chú ý, ông không sử dụng gây mê, mà dùng điện để gây ra cơn co giật và bất tỉnh ở bệnh nhân.
Vào tháng 2/1967, ông thực hiện ca lobotomy cuối cùng trên một phụ nữ tên Helen Mortensen và bà ta đã qua đời vì xuất huyết não. Sau vụ này, ông bị cấm thực hiện phẫu thuật theo phương pháp trên.
Lobotomy đã giảm dần sự phổ biến cùng với sự nghiệp của Freeman. Các loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1950, thay đổi vĩnh viễn cách điều trị bệnh tâm thần.
Walter Freeman qua đời vì những biến chứng phát sinh từ một ca phẫu thuật ung thư vào năm 1972.
Đến năm 1967, Walter Freeman đã giám sát hoặc đích thân thực hiện khoảng 3.500 ca phẫu thuật cắt thùy não. Gần 500 bệnh nhân trong số đó đã tử vong, và nhiều người khác bị tàn tật vĩnh viễn. Freeman cuối cùng đã bị cấm thực hiện quy trình này do tình trạng tử vong cao ở các bệnh nhân, nhưng câu chuyện của ông vẫn là lời nhắc nhở ám ảnh về một chương đen tối trong lịch sử y khoa.