Thảm kịch kinh hoàng
Sáng 9/1/2017, Anthony Montwheeler bắt cóc vợ cũ, Annita Harmon, gần nhà của cô tại thành phố Weiser, bang Idaho và lái xe đến bang Oregon cách đó 32km. Ông dừng tại trạm xăng Sinclair, thành phố Ontario vào nửa đêm trong tiết trời giá buốt.
Trong lúc Montwheeler vào tiệm tạp hóa mua nước, Michael McIntyre, nhân viên đổ xăng, nghe thấy tiếng kêu cứu của Harmon. Cô ngồi ở ghế phụ, hai tay bị trói bởi dây an toàn. “Giúp tôi”, Harmon hét lên trong tuyệt vọng. Cùng lúc đó, Montwheeler bước ra từ cửa hiệu.
McIntyre đã bảo nhân viên trạm xăng gọi cảnh sát đồng thời giữ chân Montwheeler trong khi chờ cứu viện. Khi Montwheeler nóng ruột rời đi, McIntyre yêu cầu hắn giữ nguyên vị trí vì cảnh sát sắp đến. Sau phút chần chừ, Montwheeler rút rao từ dưới ghế lái và đâm vào cổ Harmoon. McIntyre giật mình hét lên: “Hắn ta vừa cắt cổ cô ấy”.
Tiếng thét của McIntyre thu hút sự chú ý của một nam khách hàng tại tiệm tạp hóa. Khi chạy tới giúp, anh thấy McIntyre và nhân viên trạm xăng đang cố gắng hạ gục Montwheeler. Nhưng kẻ sát nhân dùng tay trái để chống trả trong khi tay phải liên tục đâm vào ngực của Harmon. Sau đó, hắn ta chui vào chiếc xe Dodge và bỏ trốn.
Khi cảnh sát đuổi theo, Montwheeler rẽ vào đường cao tốc và phóng bạt mạng với tốc độ 144km một giờ. Để cắt đuôi cảnh sát, Montwheeler lao sang làn đường đối diện và đâm trực diện vào chiếc ô tô do tài xế David Bates, 38 tuổi, điều khiển. Người này tử vong tại hiện trường trong khi vợ anh, ngồi ghế lái phụ, bị gãy 3 xương sườn, gãy tay và xẹp phổi. Chỉ bị thương nhẹ, Montwheeler bị bắt giam tại chỗ.
Cơ quan điều tra tìm thấy trong chiếc Dodge của Montwheeler một hộp găng tay cao su, dây rút, băng dính, dây thừng, ống nhóm và con dao dính máu. Qua kiểm tra hồ sơ, cảnh sát cũng phát hiện Montwheeler có nhiều tiền án như trộm cắp, cướp và có hành vi bạo lực.
Lật lại bản án 20 năm trước
Khoảng 20 năm về trước, vào tháng 3/1996, Montwheeler bị buộc tội bắt cóc vợ cũ, Carrasco và con trai. Trong phiên toà xét xử vụ bắt cóc vào năm 1997, Montwheeler khai nhận phạm tội vì nghe thấy lời xúi giục của người mẹ quá cố văng vẳng bên tai dù bà đã bị chồng sát hại khi Montwheeler còn nhỏ.
Hắn ta được tuyên bố vô tội vì mắc bệnh tâm thần nhưng buộc phải điều trị bệnh tại cơ sở y tế trong 70 năm. Đây là hình phạt nặng nhất có thể dành cho những kẻ phạm tội có vấn đề về tâm thần.
Sau 6 năm điều trị tại bệnh viện bang Oregon, Montwheeler được phép tái hoà nhập cộng đồng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Ông ta được cấp nhà trong khu nhà ở trợ cấp xã hội tại thành phố Ontario.
Tại đây, ông được điều trị y tế thường xuyên và thăm hỏi nhưng không bị kiểm soát. Montwheeler được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lưỡng cực nhưng không nảy sinh hành vi bạo lực từ khi được điều trị. Bác sĩ và y tá tại bệnh viện bang Oregon nhận xét bệnh tình của Montwheeler tiến triển tốt, nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, Montwheeler bị bắt vì tội trộm cắp và được đưa trở lại bệnh viện. Nhưng lần này, ông khẳng định mình không thuộc về nơi đây. Tới tháng 12/2016, Montwheeler gửi đơn lên chính quyền địa phương thừa nhận giả mắc bệnh để không phải ngồi tù.
Tháng 12/2016, một tháng trước cái chết của Annita Harmon và David Bates, cơ quan điều tra đã lật lại bản án của Montwheeler và giám định liệu Montwheeler có mắc bệnh tâm thần thật hay không.
Là bệnh nhân được điều trị tâm thần tại bệnh viện bang Oregon, Montwheeler thừa nhận với hội đồng xét xử rằng ngay từ đầu đã giả điên. Ông ta khai bắt chước hành vi của người mắc bệnh tâm thần trong sách Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần.
Về việc nghe thấy giọng nói của người đã khuất, Montwheeler trình bày: “Khi bị bắt, tôi đã nghĩ sẽ giả điên. Thực tế tôi không nghe thấy gì cả. Nhưng giữa hai lựa chọn hoặc vào tù, hoặc bị điên để vào bệnh viện, tôi buộc phải biến mình thành kẻ tâm thần. Từ trước đến nay tôi đã lừa dối cơ quan điều tra nhưng giờ không còn cần thiết”.
Trước phiên điều trần, chuyên gia về Tâm lý pháp y đã đánh giá khả năng kiểm soát của Montwheeler. Người này khẳng định Montwheeler tiềm ẩn hành vi bạo lực và rất có thể sẽ nhắm vào vợ cũ hoặc các thành viên trong gia đình.
Nhưng Mukesh Mittal, bác sĩ tâm thần tại bệnh viện bang Oregon đã đứng ra làm chứng Montwheeler không có dấu hiệu bệnh tâm thần trong gần 20 năm qua. Montwheeler đã ngừng sử dụng thuốc điều trị trong hơn 1 năm. Đây thường là hành động mạo hiểm đối với người mắc chứng rối loạn lưỡng cực nhưng Montwheeler không lên cơn loạn thần hoặc có hành vi bạo lực.
Phiên điều trần kéo dài hơn 2 tiếng nhưng Montwheeler chỉ đứng làm chứng trong khoảng 9 phút. Những câu hỏi của quan toà gồm: “Ông có bao giờ bị khó ngủ vào ban đêm không?”, “Ông có bao giờ bị trầm cảm hay cảm thấy cuộc sống này thật lãng phí không?”, “Ông có bao giờ không muốn rời giường để làm việc không?”. Giữa các nghi vấn, Montwheeler luôn khẳng định cảm thấy hạnh phúc, có ý chí làm việc và chưa từng bị trầm cảm.
Qua thảo luận, hội đồng xét xử nhận thấy Montwheeler không còn dấu hiệu của bệnh tâm thần hoặc có khiếm khuyết về mặt nhận thức. Toà án bang quyết định thả tự do cho Montwheeler vào cuối năm 2016.
Những tội phạm được rời bệnh viện bang trước thời hạn như Montwheeler đều không bị chuyển về trại tạm giam, được trả tự do, không phải khám sức khỏe tâm thần định kỳ.
Lỗ hổng khi xét xử bệnh nhân tâm thần
Tại bang Oregon, toà án chỉ được quyền xét xử bệnh nhân tâm thần nếu bị cáo mắc một số bệnh tâm thần nghiêm trọng như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và là mối nguy hiểm đối với xã hội.
Quyết định thả tự do cho Montwheeler khiến thành viên Ủy ban Toà án bang Oregon rất thất vọng. Kate Lieber, người đứng đầu Ủy ban bình luận: “Nhờ duy trì lời nói dối suốt 20 năm, Montwheeler đã tránh phải ngồi tù, được ở nhà hỗ trợ và nhận được dịch vụ y tế chất lượng cao từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu bang Oregon.
Điều này cho thấy hệ thống luật pháp còn nhiều lỗ hổng”. Bà Lieber hy vọng sau khi xuất viện, Montwheeler sẽ làm điều đúng đắn dù không dám chắc ông ta sẽ nghe theo. Chỉ một tháng sau, Montwheeler đã bắt cóc và giết hại vợ cũ, gây ra cảnh tang thương cho một gia đình vô tội như bà Lieber trăn trở.
Quy định xét xử bệnh nhân tâm thần tại Mỹ còn tồn tại nhiều trở ngại. Cơ quan điều tra phải chứng minh bị cáo mắc bệnh tâm thần và hành vi phạm tội bắt nguồn từ rối loạn trong nhận thức.
Nhưng việc hiểu chính xác các căn bệnh liên quan đến ý thức là rất khó. Vì vậy, thông thường theo hệ thống luật pháp, người bình thường phạm tội sẽ vào các cơ sở giam giữ còn người tâm thần phạm tội sẽ được điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, nhiều bang tại Mỹ đã đưa ra quy định rắn trước tình huống này. Bị cáo, nếu mắc bệnh tâm thần không phân biệt được đúng sai, không làm chủ hành vi cá nhân, vẫn có thể đưa ra xét xử.
Khi đó, toà án cần phân biệt rõ ràng giữa bệnh tâm thần và hành vi gần giống với bệnh tâm thần. Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, biến thái có các đặc điểm như thiếu đồng cảm, khó kiểm soát cảm xúc được coi là “tư duy phạm tội” và phải chịu án tù giam.
Sau vụ án, gia đình Harmon và David Bates đã kiện bang Oregon, cáo buộc cơ quan bang hành động sơ suất khi trả tự do cho Montwheeler. Quan chức tại toà án lại đổ lỗi cho chẩn đoán ban đầu của Montwheeler vào năm 1997.
Chấn thương trong quá khứ
Hành vi bạo lực của Montwheeler được cho là liên quan đến trải nghiệm khó khăn thời thơ ấu. Wayne, cha của ông, bị gọi là kẻ lừa đảo với tính cách hung dữ. Ông ta có hành vi bạo lực, tâm trí không được bình thường.
Sau 7 năm chung sống, mẹ của Montwheelerquyết định ly hôn với Wayne nhưng ông ta đã bắn chết vợ bằng một khẩu súng ngắn 22 ly. Wayne được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần nên toà phán quyết tội ngộ sát, chỉ phải ngồi tù thời gian ngắn và được điều trị tại bệnh viện tâm thần bang. Thời điểm đó, Montwheeler mới lên 6.
Sau khi mẹ chết, cha đi tù, Montwheeler chuyển đến sống cùng chị gái của mẹ, bà Theresa. Thời niên thiếu, ông ta là người lầm lì, ít nói nhưng chăm chỉ làm việc. Sau khi tốt nghiệp trung học, Montwheeler gia nhập thuỷ quân lục chiến Mỹ. Trong 3 năm đóng quân tại đảo Guam, ông ta được trao hai giải thưởng cống hiến.
Rời thủy quân vào năm 1989, Montwheeler chuyển về bang California và kết hôn với Carrasco. Cuộc hôn nhân dần rơi vào bế tắc nên năm 1996, cả hai quyết định ly hôn. Tuy nhiên đến phút chót, Montwheeler đã bắt cóc Carrasco và con trai Emilio, trói họ bằng dây an toàn của ô tô.
Anh trai Carrasco, Javier, đã kịp thời phát hiện sự việc và báo với cảnh sát địa phương. Họ đã giăng lưới tóm gọn Montwheeler trước khi ông định ra tay với vợ cũ.
Thời điểm đó, Montwheeler 29 tuổi và phải điều trị tại bệnh viện tiểu bang. Sau 6 năm giả điên để lừa dối chính quyền, ông được cho tái hoà nhập cộng đồng. Một thời gian sau, Montwheeler kết hôn với Harmon, kéo theo tấn bi kịch cho người phụ nữ xấu số này.
Tháng 4/2017, luật sư của Montwheeler tiếp tục bào chữa cho thân chủ mắc bệnh tâm thần nhưng toà án không chấp nhận. Tới tháng 2/2021, Montwheeler thừa nhận giết hại Harmon và David Bates, làm bị thương vợ của Bates. Ông được phán quyết tù chung thân.
Đến nay, câu hỏi đặt ra cho các cơ quan điều tra là liệu Montwheeler có mắc bệnh tâm thần thật hay không. Nếu những lời Montwheeler nói là thật, tại sao y bác sĩ, hội đồng xét xử lại dễ dàng bị lừa như vậy? Ngoài ra, một người bình thường sẽ không thể giết người một cách vụng về trước sự chứng kiến của đông đảo người dân như cách làm của Montwheeler.
Vụ án này còn nhiều điểm chưa đồng nhất đồng thời bộc lộ yếu kém trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần và hệ thống điều tra hình sự của bang Oregon.