Suy tính 'thiệt, hơn' khi chuyển đổi ngành học

GD&TĐ - Dù mới bước vào môi trường đại học chưa lâu nhưng nhiều tân sinh viên đã “nhấp nhổm” xin chuyển ngành.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thực tế cho thấy, sau khi Quy chế đào tạo trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) có hiệu lực từ ngày 3/5/2021, hầu như năm nào cũng có sinh viên xin chuyển đổi ngành học.

Vì thế, câu chuyện tân sinh viên muốn được chuyển sang ngành học khác không còn mới và cũng chẳng bất thường. Xét cho cùng, đó là nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi của người học nên chúng ta cần tôn trọng. Còn việc các em có đáp ứng được điều kiện cần và đủ để chuyển đổi ngành học hay không lại là chuyện khác.

Nhiều lý do dẫn đến sinh viên mong muốn được thay đổi nguyện vọng học tập, song chủ yếu xuất phát từ yếu tố chủ quan; trong đó có phần cảm tính. Có em trúng tuyển nhưng không phải nguyện vọng 1 nên ngành học chưa phải yêu thích nhất. Cũng có em “đặt nhầm” nguyện vọng, nghĩa là lựa chọn sai ngành học. Ngoài ra, có sinh viên chưa biết cách hoặc không có “chiến thuật” sắp xếp thứ tự các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển… Nói chung là “muôn hình vạn trạng” khi bàn đến chuyện sinh viên muốn chuyển ngành học.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này, vấn đề tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh cần được nhấn mạnh, nhất là với học trò lớp 12. Không sai khi có người nói rằng, “Lựa chọn nghề nghiệp là chọn cho mình tương lai”. Tương lai có tốt, xán lạn hay không phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn ngành học, trường học. Nghĩa là các em cần “chọn đâu, chắc đấy” và khi đã lựa chọn thì quyết tâm học tập, theo đuổi đến cùng.

Muốn vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh. Đây là “cánh cửa” các em cần mở để bước tới tương lai. Việc lựa chọn đúng ngành, trường học được xem như bước chân đầu tiên trên hành trình lập thân, lập nghiệp tiến tới thành công. Lựa chọn đúng giúp các em có động lực học tập, bồi đắp thêm ý chí và quyết tâm đi trên con đường ấy.

Vì thế, khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, nhất là với lớp 12, cần đặt trọng tâm vào những vấn đề như: Thấu hiểu bản thân; sở thích và niềm đam mê; xác định điều kiện bản thân phù hợp ngành nghề đó không; nhận định xu hướng nhân lực trong tương lai; tìm hiểu về ngành, nghề mình sẽ chọn; xây dựng hồ sơ học tập đáp ứng yêu cầu của trường đại học/ngành học; tự trải nghiệm ngành nghề yêu thích; chuẩn bị thêm phương án khác; vượt qua rào cản gia đình và cần trang bị các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, để tư vấn đạt hiệu quả, cần sự chia sẻ, định hướng của thầy, cô, gia đình và tham vấn của chuyên gia.

Vẫn biết, đại học không phải là con đường duy nhất nhưng lại ngắn nhất để các em đi đến thành công trong sự nghiệp. Vì thế, việc sinh viên tiếp tục học ngành đã xác nhận nhập học hay chuyển ngành khác cần đặt lên “bàn cân” để suy tính “thiệt, hơn” rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Lẽ tất nhiên, không phải ai muốn chuyển ngành cũng được đáp ứng. Việc này có nguyên tắc và phải tuân theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT cũng như cơ sở đào tạo. Hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng vì cảm tính mà thêm lần lỡ dở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ