Dừng học, chuyển ngành vì chọn sai nghề: Muộn còn hơn sai

GD&TĐ - Do chọn ngành và học theo sự sắp đặt của bố mẹ nên nhiều sinh viên đến năm hai buộc phải làm lại.

TS Đào Lê Hòa An trong một chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT.
TS Đào Lê Hòa An trong một chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Do chọn ngành và học theo sự sắp đặt của bố mẹ nên nhiều sinh viên đến năm hai buộc phải làm lại. Tình trạng sinh viên chuyển ngành, bị cảnh cáo học vụ, thậm chí bỏ học vì chọn sai ngành hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Tỷ lệ sinh viên học “trái vai” vẫn cao

Định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê, để từ đó theo đuổi ước mơ nhằm lập thân, lập nghiệp. Tuy vậy, có một thực tế là không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn chấp nhận đăng ký vào ngành học mà bố mẹ đã định hướng, để rồi sau hai năm theo đuổi ước mơ của người khác, các em phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát.

Từ thực tế có nhiều sinh viên chọn sai ngành học, chọn nghề không hợp với năng lực và sở thích, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Nguyên nhân chủ yếu do chọn theo định hướng của bố mẹ, hay chọn đại một ngành (theo bạn bè, theo phong trào).

“Hệ lụy của việc chọn đại, học đại đã khiến không ít sinh viên vất vả, chật vật theo đuổi việc học vì không cảm thấy hứng thú. Nhiều sinh viên thậm chí ngay cả trong quá trình bắt đầu học đã tỏ ra chán nản vì không thấy niềm vui trong học tập. Thực tế, tỷ lệ sinh viên “hụt hơi”, nghỉ bỏ học, chuyển ngành sau 2 năm từ 10 - 12%. Trong đó, số sinh viên chuyển ngành, bỏ học để thi lại ngành học mình yêu thích chiếm con số không nhỏ”, TS Lý cho biết.

Là sinh viên Khoa Quy hoạch của Trường ĐH Kiến trúc TPHCM năm học 2018 - 2019, Vũ Thị Quỳnh Thư (quê Đắk Nông) đã chính thức bỏ học để chuyển qua học ngành Sư phạm Anh sau khi trúng tuyển vào trường này năm 2021. Lý do, Thư quyết tâm chuyển ngành vì cảm thấy không hợp với ngành Quy hoạch mà mình đã chọn trước đó. “Sự lúng túng và chọn nghề khi chưa có định hướng rõ ràng khiến em đánh mất gần 3 năm”, Quỳnh Thư chia sẻ.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM năm 2019 cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Thừa nhận hiện tượng trên là không nhỏ trong các trường, ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Dự báo nguồn nhân lực Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế cho hay: Thống kê từ các nguồn cho thấy, mỗi năm có khoảng 30% sinh viên bỏ học tại trường đại học này sang học trường khác, hoặc chuyển xuống học cao đẳng, trung cấp.

“Đây là thực trạng vừa buồn vừa vui. Buồn vì sự lãng phí không nhỏ về thời gian, tiền bạc cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng vui vì các em đã biết dừng lại đúng lúc. Biết thay đổi và đi lại đúng con đường, đam mê ngành nghề phù hợp với bản thân mình, dù sai, dù chậm nhưng chưa là quá muộn”, ông Tuấn nói.

Thay vì áp đặt, phụ huynh hãy để con tự chọn nghề nghiệp cho mình. Ảnh minh họa
Thay vì áp đặt, phụ huynh hãy để con tự chọn nghề nghiệp cho mình. Ảnh minh họa

Chọn nghề và học cho mình

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế, cơ cấu việc làm theo trình độ hiện nay vẫn chưa có sự cung ứng tương đồng. Đơn cử, nhu cầu nhân lực trình độ ĐH chiếm 28%, CĐ chiếm 20%, trung cấp 35%. Tuy nhiên hiện tại, CĐ mới đáp ứng được 8%, trung cấp đạt 6%. Vì vậy, không ít sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp buộc phải làm việc trái ngành, trái nghề đã học, khiến năng suất lao động không cao, lãng phí lớn tài nguyên, thời gian và công sức...

Bất cập từ việc chọn sai ngành nghề càng được thể hiện rõ nếu soi chiếu vào tỷ lệ sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập hàng năm của các trường (từ 10 - 23%). Khảo sát sơ lược ở nhiều trường từ việc công khai việc làm của sinh viên sau ra trường cho thấy, tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề, chuyên môn chỉ ở mức 50 - 60%, còn lại là không đúng ngành nghề. Bất cập trên có thể xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, nhưng theo TS Trần Đình Lý, ít nhiều cho thấy sự “chông chênh” trong định hướng, chọn ngành, chọn nghề của người học.

“Thực tế có hơn 15% - 20% sinh viên ra trường mới nhận biết mình chọn sai nghề. Khi bản thân còn mơ hồ giữa chuyên ngành học và công việc thực tế sau này, họ sẽ phải trả cái giá đắt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp sai. Bởi lẽ khi quyết định theo học một ngành nào đó, các bạn trẻ thường không đánh giá đúng giá trị bản thân, không tự lượng được khả năng, tố chất của mình. Song song đó, họ cũng không hiểu rõ nguồn thông tin về ngành sẽ học cũng như khi ra trường sẽ làm công việc gì, đặc thù của nghề ra sao”, TS Lý chia sẻ.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), số sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học hằng năm khá nhiều. Trong số này có không ít sinh viên không thích ngành học. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo cho rằng: Sinh viên chọn sai ngành học do cha mẹ ép con chọn ngành theo ý mình vẫn còn rất nhiều và chiếm tỷ lệ cao. Điều này khiến xác suất thí sinh phải chọn ngành không theo sở trường và mong muốn của mình cũng tăng theo.

Chuyên gia Tư vấn hướng nghiệp, TS Tâm lý Đào Lê Hòa An thì cho rằng, hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, thanh xuân mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản.

“Điều này khiến các em tụt lại, chậm hơn người khác bởi bắt đầu mọi thứ ở thế chông chênh và không thuộc sở trường. Vì vậy, tôi cho rằng việc chọn ngành, nghề các bậc cha mẹ hãy để cho học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì, muốn gì và thích gì. Việc định hướng nghề nghiệp cho con chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con thay vì đó là sự ép buộc”, TS An chia sẻ.

“Chọn ngành, chọn nghề không đúng sở trường chắc chắn sẽ mang đến cho sinh viên nhiều vất vả trong việc học tập. Phần đông sinh viên phát hiện ra mình đã bước sai nghề thường rơi vào năm 2 hoặc năm 3, khi đó rơi vào trạng thái khá loay hoay. Người chán nản thì bỏ học hẳn hoặc chuyển ngành, thi lại. Em nào cố gắng và hoàn thành xong luôn chương trình học 4 năm thì sau khi ra trường cũng khó có thể trụ và phát huy tốt nhất thế mạnh bản thân ở vị trí công việc mình học, buộc phải làm việc trái với nghề đã học”, PGS.TS Thắng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ