Rộng cửa ở các trường đa ngành
Do công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp chưa tốt, không ít SV đến lúc nhập học rồi mới thấy mình… chọn sai ngành. Những năm qua, trong số SV bị đuổi học của các trường ĐH, tỷ lệ chán học, học không nổi do chọn sai ngành không hề nhỏ.
Để giúp SV tìm được ngành học phù hợp, tránh lãng phí, những năm gần đây, nhiều trường ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đã xem xét cho SV được chuyển ngành có điều kiện. Với cách làm này, SV không phải làm lại từ đầu, mà được miễn một số môn đã học.
Theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM từ mấy năm trước, SV có thể chuyển đổi ngành học nếu ngành chuyển sang còn chỉ tiêu đào tạo, số lượng SV chuyển sang không quá 10% tổng chỉ tiêu được giao của ngành. Việc chuyển ngành này cần phải có lý do chính đáng, kết quả học tập ít nhất 3 học kỳ đầu tiên (không tính học kỳ học ngoại ngữ) từ loại khá trở lên và đã tích lũy đủ số tín chỉ tối thiểu cho mỗi học kỳ theo quy định.
Ở Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng từ sớm, SV trường này sau khi học xong năm thứ nhất có thể xin chuyển ngành học nếu điểm trung bình học tập năm thứ nhất đạt tối thiểu 2,0 (trong thang điểm 4,0) và sự khác biệt về chương trình đào tạo giữa các ngành này không vượt quá 25%. Tính trung bình mỗi năm trường có từ 30-40 SV xin chuyển ngành.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, trường hợp chuyển ngành được áp dụng theo điều 14, Quy chế đào tạo tín chỉ. Theo đó, SV có nguyện vọng có thể được chuyển ngành trong cùng bậc học.
Điều kiện để được chuyển ngành nêu rõ: Không thuộc diện buộc thôi học, còn trong thời hạn học tập ở trường; được chuyển ngành một lần trong khóa học và thực hiện trong thời gian học của 4 học kỳ chính đầu tiên (không kể học kỳ phụ) và kể từ học kỳ 2 trở đi; có điểm trúng tuyển đầu vào theo khối của ngành đang học không thấp hơn điểm tuyển sinh đầu vào theo khối của ngành chuyển đến, trong cùng năm tuyển sinh, cùng nguyện vọng.
Ngoài ra, việc chuyển ngành của SV không gây ảnh hưởng xáo trộn việc tổ chức lớp ngành chuyển đi, chuyển đến; được sự chấp thuận của hai Chủ nhiệm chương trình-Cố vấn học tập ngành học xin chuyển đi và chuyển đến, sau khi được phỏng vấn hướng nghiệp.
Học văn bằng 2, học song song
Mặc dù đã cởi mở hơn nhưng không phải trường ĐH nào cũng rộng rãi trong việc cho SV chuyển ngành với lí do Quy chế thi và tuyển sinh của Bộ đã quy định: SV trúng tuyển ngành nào phải học tập ngành đó. Cho chuyển tự do rất khó cho khâu quản lý, cũng như làm mất cơ hội của các SV khác. Các trường linh động cho chuyển cũng phải có những điều kiện ràng buộc như đã nói trên.
Phần đông các trường không cho chuyển đổi hoặc do SV không đáp ứng điều kiện chuyển đổi thường tư vấn cho SV sửa sai bằng cách chọn học văn bằng 2 hoặc cho phép sinh viên học song ngành. Dĩ nhiên, để học được bằng hai hoặc song ngành, SV cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác.
Ở ĐH Tôn Đức Thắng, một SV năm thứ nhất ngành Công nghệ sinh học xin chuyển sang ngành Kỹ thuật hóa học, khi tham vấn đã được giới thiệu học chương trình thứ 2 ngành Kỹ thuật hóa học.
Điều kiện để học ngành thứ 2 là ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất; khối thi tuyển sinh đầu vào của SV phải đáp ứng yêu cầu khối tuyển sinh của ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai; SV đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầuu tiên của chương trình thứ nhất; SV không thuộc diện xếp học lực yếu ở chương trình thứ nhất; SV chỉ được xét học cùng lúc 2 chuyên ngành 1 lần trong suốt khóa học.
Ở Học viện Ngân hàng, điều kiện để học cùng lúc hai chương trình song song là SV đang học đại học hệ chính quy đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Học viện Ngân hàng; ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác với ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất; sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất; hoặc đạt được số tín chỉ tối thiểu quy định, trong đó xếp hạng năm đào tạo và học lực, điểm trung bình chung tính từ đầu khóa học đạt từ 2,0 trở lên. SV đang học chương trình thứ hai, nếu có điểm trung bình chung xếp hạng yếu, phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.
SV chỉ được quay trở lại học chương trình thứ hai nếu điểm trung bình chung tích lũy được cải thiện và đạt từ điểm 2,0 trở lên. Một điều kiện khác nữa là SV không đang trong thời gian bị kỷ luật từ cấp độ khoa và các tổ chức tương đương ở mức cảnh cáo trở lên.
Theo TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác SV ĐH Quốc gia TPHCM, chuyên gia hướng nghiệp, nếu phát hiện mình học ngành học không phù hợp với sở thích, năng lực, sinh viên nên gặp giáo viên chủ nhiệm, phòng đào tạo nhà trường trình bày nguyện vọng.
Trường hợp muốn học văn bằng 2 hay học chương trình song song thì điều kiện bắt buộc là SV phải học tốt ngành thứ nhất. Ngay năm học đầu tiên, SV cần phải tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo để xác định mình chọn ngành có phù hợp với năng lực, sở thích hay không để sớm đưa ra quyết định.