Tuyển sinh Đại học - xu hướng đa chiều

GD&TĐ - Đến nay hầu hết các trường ĐH đều xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2021. Về cơ bản, đa số trường vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy vậy, chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường có sự tăng giảm đáng kể với từng ngành, phương thức xét tuyển. 

Dựa trên kết quả khảo sát việc làm sinh viên cũng như nhu cầu xã hội, mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường tăng chỉ tiêu những ngành có nhu cầu việc làm cao và giảm mạnh chỉ tiêu các ngành có tỷ lệ việc làm thấp. Đáng chú ý, một số trường chủ trương giảm chỉ tiêu để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể kể: Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển 4.671 sinh viên của 55 ngành, giảm khoảng 1.000 chỉ tiêu so với năm 2020 dù số ngành tăng thêm 3; Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển 6.860 em, giảm hơn 2.000. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 5.500 lên 5.850 tại TPHCM và từ 300 lên 500 với cơ sở tại Vĩnh Long; Trường ĐH Mở TPHCM dự kiến tuyển 4.500 chỉ tiêu, tăng gần 400 chỉ tiêu so với năm ngoái…

Song song với việc tăng/giảm chỉ tiêu theo ngành, mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường ĐH còn có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, mở rộng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào phương thức tuyển sinh riêng. Trường ĐH Ngoại thương dự kiến có 45% chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và 55% chỉ tiêu dành cho phương thức tuyển sinh riêng của trường (năm 2020, tỷ lệ này là 50% - 50%). Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến giảm từ 60% xuống còn 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tại TPHCM, các thành viên của ĐH Quốc gia TP cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực. Trong đó riêng Trường ĐH Bách khoa dự kiến dành đến 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng tái khởi động kỳ thi riêng và các trường thành viên cũng dự kiến dành một tỷ lệ không nhỏ cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.  

Việc tăng/giảm chỉ tiêu tuyển sinh với từng nhóm ngành, trường và từng phương thức tuyển sinh trong năm 2021 cho thấy các cơ sở giáo dục đại học đã phát huy mạnh mẽ vai trò tự chủ trong tuyển sinh. Việc chủ động, linh động trong điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho thấy nhà trường đã bám sát cung cầu của thị trường, có chiến lược nghiên cứu, xây dựng, triển khai phương thức xét tuyển mới phù hợp với đặc thù và mục tiêu tuyển sinh của mình. Đây là một khâu quan trọng để nhà trường bảo đảm nguồn tuyển, tự chủ tài chính và có điều kiện nâng cao chất lượng. 

Tuy vậy, nhìn vào dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của một số cơ sở giáo dục đại học, cũng có vài trăn trở. Nếu các trường giảm quá mạnh chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh truyền thống (như xét điểm thi tốt nghiệp THPT) cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thí sinh (vốn đã có chiến lược học tập từ trước). Một số trường tăng chỉ tiêu ngành hot quá nóng nhưng các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương xứng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Việc đổ xô mở ngành và tăng chỉ tiêu ngành hot có thể dẫn đến nguy cơ thừa nhân lực khi nhu cầu bão hòa. Trong khi đó việc giảm mạnh cơ học chỉ tiêu một số ngành truyền thống khó tuyển nhưng xã hội cần cũng sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân sự trong tương lai. 

Tăng/giảm chỉ tiêu tuyển sinh là quyền của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, song song với đó, các trường phải bảo đảm chất lượng đào tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội, đồng thời cơ quan quản lý cũng phải tăng cường hậu kiểm. Bởi nếu việc tăng/giảm chỉ tiêu chỉ đơn thuần vì nguồn thu trước mắt, thì không chỉ người học bị thiệt thòi, nhà trường khó phát triển bền vững mà chất lượng nguồn nhân lực quốc gia cũng bị ảnh hưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.