Theo nhận xét của lãnh đạo các trường đại học, công tác tuyển sinh năm nay cơ bản thuận lợi, nền nếp, nguồn tuyển dồi dào và cơ hội rộng mở cho thí sinh.
Thuận lợi cho các trường
Nhiều trường có tỷ lệ thí sinh đến xác nhận nhập học đạt 100% và đã tuyển đủ chỉ tiêu như: Trường ĐH Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường ĐH Ngoại thương có tỷ lệ thí sinh nhập học bằng các phương thức xét tuyển của trường đạt khoảng 97%. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Tỷ lệ thí sinh đến nhập học đạt hơn 96%, tương đương năm 2019.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho hay: Kế hoạch tuyển sinh của nhà trường là 1.500 sinh viên. Theo đó, nhà trường tuyển được 90% chỉ tiêu và tiếp tục tuyển, vì thế thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung nếu có nguyện vọng học tập tại trường.
Theo cô Hường, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT và của nhóm xét tuyển miền Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội điều phối rất hiệu quả, độ chính xác cao. “Công tác tuyển sinh năm nay ổn định, nền nếp. Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp nên các trường chủ động trong khâu tư vấn và tuyển sinh” – cô Hường tâm đắc.
Lưu ý với các thí sinh, cô Hường chia sẻ: Nếu các em vẫn có nguyện vọng học đại học có thể nộp hồ sơ để được xét tuyển bổ sung của các trường. Theo đó, các em nên thường xuyên cập nhật trên website hoặc trực tiếp hỏi phòng đào tạo trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Về nguyên tắc, thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung có quyền bình đẳng như nhau cả về điều kiện học tập và quyền lợi khác (học bổng, học phí...). Tuy nhiên, các em cần lưu ý, điểm tuyển sinh đợt bổ sung không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển sinh đợt 1.
Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, Trường ĐH Tiền Giang đã khép lại mùa tuyển sinh 2020 với kết quả khả quan và tín hiệu tốt. Nhà trường đã tuyển sinh gần đủ 1.580 chỉ tiêu. Dù còn khoảng vài trăm chỉ tiêu nhưng nhà trường sẽ không tuyển bổ sung.
Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Vũ Ngọc Huyên thông tin: Năm học 2020 – 2021, học viện đón gần 5.000 tân sinh viên. Đến thời điểm này, học viện vẫn còn thiếu chỉ tiêu và tiếp tục xét tuyển bổ sung nên cơ hội vẫn rộng mở với các em không may trượt đợt đầu. Dự kiến ngày 16/10, nhà trường sẽ tổ chức khai giảng năm học mới.
Giúp tân sinh viên sẵn sàng nhập cuộc
Trao đổi với tân sinh viên, cô Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: Môi trường đại học rất khác với THPT. Học đại học, các em phải sống tự lập, tự quyết định nhiều vấn đề trong cuộc sống và học tập. Vì thế, các em cần phải làm quen và thích nghi với sự thay đổi này, nhất là trong học tập. Theo đó, các em cần chủ động, hình thành và phát triển kỹ năng tự học nhiều hơn, đặc biệt cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp cho mình để có thể bắt nhịp với môi trường học đại học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Ngọc Hà đưa ra lời khuyên: Ngay từ bây giờ, các em cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng bước vào môi trường học tập mới, với cuộc sống xa gia đình, người thân. Vì thế, các em phải chuẩn bị trước tinh thần để không bị bỡ ngỡ khi chính thức bước vào năm học mới ở bậc đại học.
“Trường ĐH Tiền Giang sẽ tập huấn cho tân sinh viên về phương pháp học tập, hỗ trợ cho một số kỹ năng để các em có thể hòa nhập trong môi trường mới. Lên đại học, các em sẽ học theo tín chỉ, khác hoàn toàn so với thời học phổ thông. Tuy nhiên, nhà trường sẽ trợ giúp các em trong việc lựa chọn các môn học và đăng ký học tín chỉ. Cùng với đó, tư vấn cho tân sinh viên về phương pháp học tập, xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả” - PGS.TS Võ Ngọc Hà cho hay.