Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Có thể kể đến: Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”;
Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 phê duyệt Đề án “Xây dựng Văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”;
Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 ban hành Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021;
Chỉ thị số 993/ CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên…
Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Nhận thức về tầm quan trọng của phòng chống bạo lực học đường nâng lên rõ rệt và trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghệ, Internet, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên diễn biến phức tạp hơn với hình thức ngày càng đa dạng.
Bạo lực học đường hiện nay không giới hạn về không gian và vị trí địa lý, đặc biệt với bạo lực trên không gian mạng. Điều này không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là nỗi lo mang tính toàn cầu.
Một điều khiến chúng ta trăn trở là dường như ngành Giáo dục, nhà trường còn khá đơn độc trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường - vấn đề vốn có nguyên nhân phức tạp, liên quan nhiều chiều. Vẫn còn quan điểm, suy nghĩ cho rằng đây là trách nhiệm của ngành Giáo dục, nhà trường.
Trên thực tế, khi có sự việc xảy ra, dù trong hay ngoài trường học, trong năm học hay nghỉ hè, dư luận vẫn quy trách nhiệm cho nhà trường. Quy chế phối hợp, trách nhiệm các bên liên quan trong phòng chống bạo lực học đường vẫn là “nút thắt” khó tháo gỡ.
Có lẽ, đây cũng là lý do dù có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng ngày 26/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên”. Điểm nhấn, khác biệt của văn bản này chính là Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, bộ, ngành liên quan, không chỉ Bộ GD&ĐT.
Những đơn vị được “điểm danh”, ngoài Bộ GD&ĐT, còn có: Bộ Công an; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Chỉ thị đề nghị công tác phối hợp từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Khuyến học Việt Nam.
Chỉ thị cũng nêu rõ “tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh cả trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương… liên quan để có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn.
Chỉ thị này chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi mỗi địa phương, bộ, ngành có kế hoạch triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể, thậm chí ký kết liên tịch để chặt chẽ hơn công tác phối hợp. Phòng chống bạo lực học đường sẽ có hiệu quả khi chúng ta thực sự tập hợp được mọi lực lượng trong xã hội, cùng gánh vác trách nhiệm, có giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ được giao.