Trăn trở bạo lực học đường

GD&TĐ - Bạo lực học đường, bắt nạt học đường là vấn nạn toàn cầu, nhức nhối ở cả nước có nền giáo dục phát triển.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo một báo cáo do UNICEF công bố năm 2018, có đến một nửa số học sinh từ 13 đến 15 tuổi trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu - cho biết từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở khu vực xung quanh trường học. Trên toàn cầu, cứ 3 học sinh trong độ tuổi 13 - 15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt. Gần 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia nơi mà trừng phạt thân thể trong nhà trường không bị cấm. Số liệu cho thấy bắt nạt là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong nhà trường. Tại Việt Nam cũng có không ít câu chuyện thương tâm xảy ra do vấn nạn này. Trong đó mới đây nhất là vụ việc một học sinh lớp 10 tại Nghệ An tự tử tại nhà riêng, nghi do là nạn nhân của bắt nạt học đường.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đến từ các chủ thể: Học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội. Học sinh tuổi vị thành niên với những thay đổi về tâm sinh lý, hiếu thắng, bốc đồng, thích thể hiện cá tính, muốn chứng tỏ bản thân… Nhà trường chưa đủ quan tâm, thiếu biện pháp phòng ngừa. Có ý kiến cho rằng, các hoạt động học tập, phong trào chiếm phần lớn thời lượng ở trường nên giáo viên không bao quát hết diễn biến tâm lý của học sinh. Một bộ phận thầy cô chưa làm hết trách nhiệm, chưa thực sự vì học trò. Bởi vậy, học sinh bị bắt nạt không được hỗ trợ kịp thời, phải chịu đựng hoặc tự chật vật xoay xở với vấn đề của mình. Học sinh có ý đồ bắt nạt dễ dẫn đến hành vi vi phạm và khi vi phạm cũng không sợ vì cùng lắm bị phê bình, hạ hạnh kiểm.

Nguyên nhân quan trọng khác đến từ gia đình, khi cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến con cái. Không nhiều cha mẹ lưu ý giáo dục cho con em về vấn đề bạo lực học đường để có thể chủ động tránh, biết cách xử lý khi có xung đột… Điều này có minh chứng bằng con số khi năm 2022, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam công bố “Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019”. Theo báo cáo khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, trong số 6 - 7 trẻ thì có 1 trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử. Trong khi đó, tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%.

Để phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, về phía quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong thời gian qua. Bộ GD&ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học. Bộ GD&ĐT cũng xây dựng “Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục” dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học, Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác…

Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ hiệu quả khi chủ thể có liên quan thực sự ý thức được tính nghiêm trọng của bạo lực học đường, từ đó quan tâm một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Giáo dục đạo đức, xây dựng mô hình tư vấn tâm lý và nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh trong trường học phải được chú trọng hơn nữa. Nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm để học trò có người đồng hành, hỗ trợ kịp thời, đặc biệt trong những giai đoạn nhiều áp lực như kỳ thi cuối cấp. Khuyến khích học sinh thành lập các “nhóm bảo vệ” để đứng về phía người bị bắt nạt như tại Nhật Bản cũng là cách làm hiệu quả. Cùng với đó, gia đình, cha mẹ phải là người sát sao nhất trong giáo dục và đồng hành cùng con. Chỉ khi nào cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay mới có thể mong đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ