Tăng cường công tác phối hợp phòng chống bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thủ tướng Chỉ thị tăng cường công tác phối hợp phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.
Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.

Ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số: 02/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên”.

Chỉ thị có nêu, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng.

Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.

Học sinh quận Đống Đa (Hà Nội) thực hiện hoạt cảnh về phòng, chống bạo lực học đường.

Học sinh quận Đống Đa (Hà Nội) thực hiện hoạt cảnh về phòng, chống bạo lực học đường.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Đồng thời, phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; đồng thời tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên;

Mặt khác, tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách.

Giáo viên Trường tiểu học Văn Phương (Nho Quan, Ninh Bình) hướng dẫn học sinh về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: NTCC.

Giáo viên Trường tiểu học Văn Phương (Nho Quan, Ninh Bình) hướng dẫn học sinh về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: NTCC.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, ban ngành của địa phương xây dựng và đồng bộ hoá hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học trên địa bàn để theo dõi; kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá và xây dựng cơ chế báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, quyền hạn của mình thực hiện tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ