Sửa luật là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu theo dự kiến thì phải đến năm 2025, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) mới được báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Vậy nhưng đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi bởi đã xuất hiện nhiều bất cập.

Kể từ khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2009, số thu thuế thu nhập cá nhân năm sau luôn cao hơn năm trước, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, nếu năm 2011 thuế thu nhập cá nhân chỉ ở mức gần 38.500 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt tới 109,4 nghìn tỷ đồng. Trong các năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thu thuế thu nhập cá nhân vẫn đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập, bảo đảm động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; Khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có tính đến các bước đi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế đã động viên kịp thời các nguồn lực cho ngân sách Nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chính sách thuế thu nhập cá nhân cũng đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập, nhất là những quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc - cần nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cụ thể, thời điểm Luật có hiệu lực, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Đến ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ của thuế thu nhập cá nhân, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 đã nâng lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng do Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là chỉ tiêu hợp lý và tổng hòa các yếu tố về mặt vĩ mô nên cũng chưa hợp lý do trên thực tế mức giảm trừ này chưa theo kịp với mức độ tăng của giá hàng hóa, dịch vụ.

Liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, có ý kiến cho rằng còn thấp nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân.

Rằng nhiều lao động đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn...

Những mặt tích cực của Luật Thuế thu nhập cá nhân là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi chính sách đã không còn phù hợp với thực tiễn bắt buộc thì phải sửa đổi và sửa đổi càng nhanh càng tốt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế cũng như bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.