Nhiều cá nhân thu nhập khủng từ YouTube: Ngành thuế thất thu?

Tại VN, theo ước tính từ SocialBlade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ YouTube.

J97 - Kênh YouTube thu nhập khủng nhất Việt Nam năm 2020
J97 - Kênh YouTube thu nhập khủng nhất Việt Nam năm 2020

Năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, các YouTuber càng hoạt động tốt, thu nhập khủng. Song ngành Thuế mới thu được rất ít tiền thuế từ nguồn này.

Ðiểm mặt những YouTuber kiếm tiền “khủng” nhất năm 2020

YouTube hiện đang là mạng xã hội được nhiều người dùng thứ 2 trên thế giới (sau Facebook). Số tài khoản trên mạng xã hội này lên đến con số hơn 2 tỷ người (năm 2019). Đó cũng là lý do đây là kênh thu hút, quảng bá sản phẩm và kiếm tiền cực kỳ hiệu quả được nhiều người quan tâm.

Theo anh Quang Hiếu, một người am hiểu lĩnh vực thương mại điện tử, nghe thì “màu mỡ” nhưng không phải ai cũng biết cách để kiếm được tiền từ mạng xã hội YouTube. “Có nhiều yếu tố quyết định đến việc được nhận tiền từ mạng xã hội thứ 2 thế giới này. Trước hết, nếu kênh của bạn chưa được bật kiếm tiền, dù bạn có video với hàng triệu lượt view (xem), bạn cũng không được nhận tiền từ kênh này”, anh Quang Hiếu nhấn mạnh.

Một số quan điểm cho rằng, lượt người xem càng tăng, YouTube trả tiền cho người làm video (YouTuber) càng nhiều. Song điều này chưa chính xác. Bởi theo anh Hiếu, việc tăng lượt xem trên mạng xã hội này sẽ thu hút quảng cáo, nhờ đó YouTube sẽ trả tiền cho YouTuber nhiều hơn. Ngoài ra, nếu người xem click chuột vào những nội dung quảng cáo này, số tiền YouTuber được nhận từ YouTube sẽ lớn hơn nữa.

Tại Việt Nam, mỗi cú click chuột vào quảng cáo, YouTuber được trả khoảng 600 đồng. Ở thị trường Mỹ và châu Âu, mức giá cao hơn, khoảng 0,3 USD - 1 USD.

Theo anh Hiếu, 1 triệu view là con số cực kỳ ấn tượng với các YouTuber tại Việt Nam. Tuy nhiên tỷ lệ click chuột vào quảng cáo tại Việt Nam chỉ khoảng 5-6% trên tổng số lượt xem. Như vậy, với 1 triệu lượt xem, số tiền YouTuber thu được khoảng 30 triệu đồng. Nghe có vẻ nhiều nhưng để đạt được 1 triệu lượt theo dõi không hề đơn giản. Các YouTuber phải bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết và chi phí để thu được khoản tiền này. Tiếp theo, thời lượng của video cũng quyết định số tiền quảng cáo mà YouTuber nhận được. Ví dụ, một video dài 3 phút với một video dài 30 phút cùng có 1.000 view thì video ngắn hơn sẽ chèn được ít quảng cáo hơn, do vậy số tiền nhận được sẽ thấp hơn so với video có thời lượng 30 phút.

Tại Việt Nam, theo ước tính từ SocialBlade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ YouTube.

Đứng đầu Top 10 YouTuber kiếm tiền khủng 2020 theo thống kê của SocialBlade là kênh TONY TV của Võ Phúc Vinh (quê Đồng Tháp), thu nhập 21 tỷ đồng. Là một kênh giải trí cho trẻ em, nhưng TONY TV khá khác biệt khi tập trung vào các trò chơi dân gian.  TONY TV thường tổ chức các cuộc thi cho trẻ em như vẽ tranh, điêu khắc trái cây, kéo co... Ngoài ra, các bé tham gia còn được thử sức với nhiều hoạt động như ra đồng bẻ ngô, sinh tồn bàn lưới, sống trong trên nhà cây...Với nội dung lành mạnh, thiên về hoạt động ngoài trời nên kênh của TONY TV được các bé và các bậc phụ huynh yêu thích, giúp kênh này tăng view liên tục.

Trong năm 2020, video khủng nhất của TONY TV thuộc về cuộc thi “Vua đầu bếp - Tìm ra Vua Tôm” với hơn 30 triệu lượt xem, thu về hơn 270 triệu đồng. Tính cả năm 2020, TONY TV sở hữu hơn 2,3 tỷ lượt xem, tương đương mức doanh thu hơn 920.000USD, tức khoảng hơn 21 tỷ đồng (1,7 tỷ đồng/tháng).

Một gương mặt nổi bật khác là Thơ Nguyễn với thu nhập khoảng 16 tỷ đồng trong năm 2020. Nhờ liên tục sáng tạo nội dung, Thơ Nguyễn đã thu về hơn 1,7 tỷ view trong năm 2020, trung bình đạt 144 triệu view/tháng. Và thành quả của lượng View khổng lồ này chính là mức doanh thu gần 700.000USD năm 2020, tương đương 16 tỷ đồng (mỗi tháng hơn 1,3 tỷ đồng), ngang ngửa nhiều đại gia hiện nay.

Nhiều cá nhân thu nhập khủng từ YouTube: Ngành thuế thất thu? - ảnh 1YouTuber Thơ Nguyễn – một trong những người có thu nhập khủng nhất Việt Nam từ YouTube
Nhiều cá nhân thu nhập khủng từ YouTube: Ngành thuế thất thu? - ảnh 2Độ Mixi - chủ nhân của kênh YouTube MixiGaming

Ngành Thuế thu được 1.000 tỷ đồng/năm

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong năm 2019 số thu từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2020 mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng số thu cũng khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong số tiền thuế thu được, có trường hợp cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế, nhưng cũng có trường hợp khi thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện và truy thu theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, con số 1.000 tỷ đồng mỗi năm này quá nhỏ bé. Bởi theo báo cáo Kinh Tế số Đông Nam Á 2020 cách đây ít lâu được Google, Temasek và Bain & Company công bố, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng 46% trong năm 2020 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo này, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 16% năm qua, đạt giá trị 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ USD năm 2025.

Với những quy định mới siết chặt tại Nghị định 126, hiệu lực từ 5/12/2020, các Youtuber cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kiếm tiền tỷ sẽ phải tự giác khai, nộp thuế. Cụ thể, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh (chứ không phải cá nhân nhận tiền lương). Người có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Mức thuế phải đóng là 7% trên thu nhập, trong đó gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Theo Nghị định 126, các cá nhân trên sẽ bị phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp nếu không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

Trước đề nghị của Tiền Phong về việc cung cấp thông tin các cá nhân có doanh thu lớn nhất, đóng thuế nhiều nhất năm 2020 từ YouTube ở Việt Nam, Tổng cục Thuế và 2 cục thuế lớn nhất nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đối với các cá nhân kinh doanh online như YouTube và nhận thu nhập từ nước ngoài, hiện đơn vị vẫn đang tập hợp số liệu từ các đơn vị nên chưa thể cung cấp. Theo lý giải của Tổng cục Thuế, luật quy định không được tiết lộ thông tin của doanh nghiệp/cá nhân nộp thuế, nếu không sẽ bị kiện.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, theo nghị định 126, từ 5/12/2020, các ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế để chống thất thu thuế. Vì thế, người dân cần rõ ràng trong các giao dịch tài chính, tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định để tránh bị phạt.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.