CPI 7 tháng vượt ngưỡng 20%
Tổng cục Thuế vừa phát đi thông cáo xoay quanh việc xem xét, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động trên 20%. Tổng cục Thuế cho rằng, Mục 4 (Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN) nêu rõ: “Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Theo Tổng cục Thuế, chỉ số CPI 7 tháng năm 2019 tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013. Và nếu cộng cả chỉ số CPI tháng 7/2019 thì tổng CPI đã tăng 20,39% so với thời điểm 1/7/2013. Như vậy, mức tăng chỉ số CPI cho đến thời điểm hiện tại đã tăng vượt quá 20% so với kỳ cơ sở được đưa ra vào tháng 7/2013.
Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 ngày 27/8, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, chỉ số CPI hiện đã vượt trên 20%, theo luật cần phải sửa đổi Luật Thuế TNCN.
Tín hiệu ấn tượng
Chỉ số CPI 7 tháng năm 2019 đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Một số chuyên gia cho rằng chỉ số trên là rất ấn tượng trong 3 năm gần đây.
Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2019 có những con số ấn tượng (theo Tổng cục Thống kê). Theo đó, cán cân thương mại xuất siêu 3,4 tỷ USD; CPI bình quân tăng thấp nhất 3 năm qua.
CPI là chỉ số đo lường sự thay đổi trong chi phí sinh hoạt được biết đến nhiều nhất. CPI được sử dụng để điều chỉnh tiền lương, phúc lợi xã hội, lương hưu, thuế và các chỉ số kinh tế khác nữa. Mới đây, mức thu nhập của người lao động đã được cải thiện khi từ 1/7/2019 lương cơ bản tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng 7,19%.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát cơ bản năm 2019 giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2018 (1,95/1,90). Như vậy có thể thấy, đây rõ ràng là một con số ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Cụ thể, chỉ số lạm phát giảm, chỉ số CPI bình quân tăng thấp, đời sống an sinh xã hội được cải thiện.
Chưa cấp thiết giảm trừ thuế TNCN
Gần đây, nhiều người trông chờ vào việc điều chỉnh giảm TNCN (tăng mức giảm trừ TNCN) khi biến động chỉ số CPI tính đến tháng 7/2019 vượt mức 20% so với kỳ cơ sở 1/7/2013. Rất nhiều ý kiến dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN (Luật số: 26/2012/QH13), cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ thuế TNCN là cấp thiết. ThS Lê Đức Hoàng - chuyên gia kinh tế, cho rằng việc điều chỉnh mức giảm trừ thuế TNCN là cần thiết nhưng chưa cấp thiết. “Cần thiết và cấp thiết không chỉ khác nhau về mặt ý nghĩa mà quan trọng hơn là tác động lên cộng đồng”, ThS Hoàng lý giải.
Về vấn đề này, ThS Hoàng phân tích thêm rằng, việc “điều chỉnh” cần phù hợp chứ không nhất thiết là tăng hay giảm. Việc điều chỉnh giảm trừ thuế TNCN cần được xem xét kỹ và cần nhìn trên tổng thể nền kinh tế. Điều chỉnh một chỉ số, một chính sách có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế chứ không bó hẹp trong một nhóm đối tượng hoặc trường hợp cụ thể. “CPI là một chỉ số quan trọng trong việc quyết định điều chỉnh các chính sách về lương, phúc lợi xã hội, thuế... Việc nghiên cứu và tiến hành điều chỉnh các chính sách không nhất thiết cần điều chỉnh toàn bộ các chính sách, tuỳ vào biến động cụ thể thực tế của nền kinh tế việc tăng hay giảm và lựa chọn thời điểm sẽ khác nhau”, ThS Hoàng nói.
Việc lựa chọn phương án điều chỉnh xét đến cuối cùng là nhắm tới nền kinh tế ổn định và phát triển. Thực tế và các kết quả đo lường gần đây cho thấy chính sách tiền tệ đang giúp nền kinh tế ổn định, lạm phát trong mức cho phép (dưới 3,9%), chỉ số CPI bình quân tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các chính sách về lương cơ bản, lương hưu, bảo hiểm xã hội đều được điều chỉnh tăng từ tháng 7/2019. Bởi vậy, việc điều chỉnh giảm trừ thuế TNCN là cần thiết nhưng chưa cấp thiết. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng cũng cần sớm có giải đáp về vấn đề này với người dân để tránh những hiểu biết sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.