Sức mạnh tổng hợp từ xây dựng văn hóa học đường
PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng: Trong thời đại ngày nay vấn đề văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm gìn giữ và phát triển.
Bên cạnh những xu hướng lớn như: các quốc gia đón nhận giao lưu giữa các nền văn hóa, sẵn sàng tiếp thu những giá trị tinh hoa có tính nhân loại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... văn hóa ngày càng phân mảng nhỏ hơn và đi sâu vào tững lĩnh vực của đời sống xã hội vốn rất phong phú, đa dạng như: Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông, trong giáo dục có văn hóa học đường...
Trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, trường học hiện nay không chỉ là trường học trí tuệ mà còn phải là trường học văn hóa. Trường học không được phép nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa trong sứ mệnh giáo dục và đào tạo của mình.
Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa học đường sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và yêu cầu của xã hội.
Văn hóa học đường, theo PGS Trần Văn Thức, được xem là một môi trường hoạt động đặc biệt của con người, mang tính xã hội và lịch sử. Tùy theo triết lý giáo dục của từng thời đại hoặc từng quốc gia mà người ta có thể xây dựng cấu trúc hay mối quan hệ khác nhau của văn hóa học đường.
Ở nước ta hiện nay, với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, văn hóa học đường được thể hiện theo cấu trúc: Tập hợp những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể hoặc cá nhân với thiết chế xã hội; Không gian văn hóa học đường là một môi trường diễn ra quá trình tương tác giữa người thầy với học trò hoặc giữa những người học trò với nhau ở một cơ sở đào tạo nào đó nhằm thực hiện quá trình truyền thụ và tiếp thu kiến thức khoa học.
Những mối quan hệ ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa học đường
Một số mối quan hệ trong nhà trường được xem là cốt lõi, quan trọng nhất, bao chứa và có ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng văn hóa học đường trong mỗi nhà trường được PGS Trần Văn Thức chỉ ra, bao gồm: quan hệ giữa thầy và trò; quan hệ giữa trò với trò và quan hệ giữa nhà trường với học trò. Nếu giải quyết tốt các mối quan hệ trong cấu trúc này, các cấu trúc khác làm nên văn hóa học đường sẽ được đạt được kết quả.
Quan hệ giữa thầy và trò theo nhận định của PGS Trần Văn Thức là mối quan hệ quan trọng nhất trong văn hóa học đường; bởi vì thầy giáo là người người dạy, người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên.
Với mối quan hệ giữa trò với trò, biểu hiện chính là thế ứng xử của học sinh, sinh viên với bạn bè. Đây là một khía cạnh quan trọng trong văn hóa ứng xử, giao tiếp ở môi trường học đường.
Chia sẻ về quan hệ giữa nhà trường với trò, PGS Trần Văn Thức đặc biệt nhấn mạnh đến các quy định, quy chế được mỗi nhà trường thiết lập. Các quy định, quy chế này cần phải được thực hiện thường xuyên, chỉ cần lơ là không gian văn hóa học đường dễ dàng bị xâm phạm.
“Quy trình ban hành nội quy ở các trường hiện nay thường là áp đặt từ trên xuống, học sinh, sinh viên phải chấp hành, thừa nhận. Đó là cách ra văn bản chưa mở rộng dân chủ, một chiều, nhưng hiệu quả sẽ cao hơn nếu nhà trường đưa ra định hướng, gợi ý để học sinh, sinh viên tham gia bàn luận, nêu lên những suy nghĩ của họ, từ đó các nhà lãnh đạo, quản lý, giáo viên tổng kết, biên soạn, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hàng năm.
Quá trình xây dựng quy định, quy chế nhà trường nên chú trọng vào nội dung sao cho đảm bảo tính toàn diện, tỷ mỉ, bảo vệ được quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong việc học hành, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; vừa nhắc nhở, cảnh báo và định hướng điều chỉnh hành vi ứng xử; vừa chuyển hóa các điều khoản trong quy định, quy chế, nội quy trở nên gần gũi, cần thiết, được học sinh, sinh viên coi như cẩm nang trong suốt quá trình học tập tại trường, tự giác chấp hành và quyết tâm phấn đấu làm theo những tiêu chí đó” - PGS Trần Văn Thức trao đổi.
Có thể nhận thấy các mối quan hệ chính là cơ sở để hình thành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, nên mục tiêu xây dựng văn hóa học đường chính là xây dựng môi trường: Môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, an toàn; môi trường xã hội nhân văn với các mối quan hệ thân thiện, lành mạnh.
Nhấn mạnh điều này, PGS Trần Văn Thức cho rằng, bản chất của xây dựng văn hóa học đường là hoạt động. Hoạt động của người dạy (nhà trường, nhà giáo dục); trong đó người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa, vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử, văn hóa môi trường, văn hóa chất lượng… mà nhà trường đã lựa chọn xây dựng;
Hoạt động của người học (học sinh, sinh viên) - tự mình kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận, các chỉ dẫn văn hóa đã lĩnh hội tiến đến có hành vi văn hóa chuẩn mực.
Từ đó, để đạt được mục tiêu cũng như đi vào đúng bản chất của văn hóa học đường, mỗi nhà trường cần xây dựng các tiêu chuẩn, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có cách thức suy nghĩ, tình cảm và hành động đẹp.