Sử dụng cây dương xỉ để xử lý môi trường nước

GD&TĐ -Ít ai nghĩ rằng, đề tài NCKH “Sử dụng cây dương xỉ để xử lý môi trường nước ở một số hồ Hà Nội” lại là những học sinh phổ thông trung học.

Sử dụng cây dương xỉ để xử lý môi trường nước
Thầy Trần Mạnh Cường cùng nhóm tác giả (Hùng, Sơn, Huyền - theo thứ tự từ trái qua phải) đang thảo luận chuẩn bị cho giải quốc gia
 Thầy Trần Mạnh Cường cùng nhóm tác giả (Hùng, Sơn, Huyền - theo thứ tự từ trái qua phải) đang thảo luận chuẩn bị cho giải quốc gia

Đề tài đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật (Intel Isef) lần thứ 3 cấp thành phố Hà Nội và được chọn để tham dự cấp quốc gia vào tháng Hai tới.

Đây được coi là đề tài khó và đòi hỏi nghiên cứu công phu và có phần tốn kém.

Tác giả của đề tài này là nhóm học sinh lớp 11A2 Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) gồm các em: Nguyễn Thanh Sơn, Phạm Minh Hùng và Tạ Bích Huyền.

"Khó nhưng vẫn làm..."

Mặc dù là những học sinh vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng cách tiếp cận đề tài khá chuyên nghiệp, bài bản như những nhà nghiên cứu khoa học thực thụ, có cả cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn.

Lý giải cho việc lựa chọn đề tài này, Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Trong những lần đi chơi, chúng em nhận thấy môi trường nước ở Hà Nội đang rất ô nhiễm, đặc biệt là các hồ công cộng. Biết là khó nhưng chúng em vẫn quyết tâm làm".

Còn Tạ Thị Bích Huyền bộc bạch: " Việc bảo vệ nguồn nước sạch là cần thiết, điều đó sẽ hạn chế được nhiều dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ suy nghĩ đó, cả nhóm nhận thấy đây là một vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết và chúng em đã quyết định lựa chọn đề tài “Sử dụng cây dương xỉ để xử lý môi trường nước ở một số hồ Hà Nội” để tham dự” cuộc thi Intel Isef".

Theo đó, nhóm đã tiến hành tìm hiểu thông tin về các phương pháp xử lý nước ô nhiễm, đặc biệt là các cách xử lý sử dụng các loại thực vật và nhận thấy cây dương xỉ thường có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, dễ trồng, dễ sống, dễ phát triển và đặc biệt có khả năng xử lý nước tốt. 

Vì thế chúng em quyết định nghiên cứu loài cây này để xử lý môi trường nước ở một số hồ Hà Nội. Kết quả thu được khá tốt, các chỉ số cho thấy cây dương xỉ có tiềm năng lớn trong xử lí ô nhiễm nước…”.

Còn Phạm Minh Hùng - cho hay: "Nhóm đã tìm hiểu về một số đề tài sử dụng các loại cây để xử lý ô nhiễm nước như: cây bèo tây, cây bèo Nhật Bản, cây thủy trúc... 

Tuy cũng có hiệu quả rất cao nhưng các loại thực vật này có nhiều khuyết điểm khó khắc phục: khi chết làm ô nhiễm nước (bèo tây), cây phát triển quá nhanh (bèo), cây phải chăm sóc định kì nhiều lần (thủy trúc). Nên mô hình sử dụng cây dương xỉ này có thể khắc phục được nhũng vấn đề thiếu sót trên".

Có khả năng áp dụng vào thực tiễn cao

Được biết, để làm được đề tài này, nhóm đã tiến hành phân tích hàm lượng kim loại nặng và đánh giá mức độ ô nhiễm của kim loại nặng trong nước của một số hồ ở Hà Nội. Trong đó, tập trung nghiên cứu đối với 3 hồ: Trúc Bạch, Thiền Quang, Ba Mẫu.

Sau đó nhóm đã tiến hành Nghiên cứu hiệu quả xử lí nước của cây dương xỉ đối với nước từng hồ và khảo sát khả năng chống chịu của dương xỉ trong môi trường nước hồ.

Kết quả cho thấy loại cây này có hiệu quả rõ rệt đối với việc xử lý ô nhiễm hữu cơ và kim loại nặng trong môi trường nước.

Thạc sỹ Trần Mạnh Cường - Giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài - cho hay: “Mô hình này hoàn toàn có khả năng áp dụng trong thực tiễn. Song điều mà tôi thấy hài lòng và phấn khởi nhất đó là khả năng làm việc nhóm của các em. 

Tham gia cuộc thi này, mục tiêu của chúng tôi không phải là giải thưởng, mà cái chính là muốn hình thành cho các em tinh thần làm việc nhóm và cách làm việc khoa học, biện chứng. Từ đó khơi dậy cho các em niềm đam mê khoa học ngay từ bây giờ”.

Hiện nay, nhóm đang gấp rút hoàn thành các công việc còn lại để tham gia Intel Isef cấp quốc gia. Mong muốn lớn nhất của nhóm là: Dù được giải hay không, đề tài của nhóm sẽ góp phần tích cực vào cải thiện môi trường nước, nhất là đối với các hồ của Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ