(GD&TĐ) - Năm học mới đã bắt đầu, ở tỉnh Sóc Trăng, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo
Tại thị xã ven biển Vĩnh Châu có nhiều thuận lợi khi được Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND thị xã quan tâm đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học. Toàn thị xã hiện có 10 trường mầm non, 45 trường tiểu học, 10 trường THCS, 2 trường tiểu học - trung học cơ sở và 1 trường trung học cơ sở-trung học phổ thông DTNT (phân hiệu Huỳnh Cương), 3 trường trung học phổ thông. Theo ông Trịnh Văn Lộc, Phó trưởng phòng GD-ĐT thị xã Vĩnh Châu, đến thời điểm này, về cơ sở vật chất trường lớp, Vĩnh Châu không còn phòng học trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, kể cả các điểm lẻ. Bởi ngay từ cuối năm học 2011-2012, ngành đã rà soát, ghi nhận tình trạng tất cả các điểm trường; nếu đơn vị nào hư hỏng nhẹ đề nghị xuất kinh phí của trường hoặc vận động xã hội hóa để sửa chữa. Bên cạnh đó, ngành cũng đề nghị UBND thị xã cấp hơn 2,1 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp trên 40 điểm trường trong toàn thị xã. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để trang bị bàn ghế cho giáo viên, học sinh.
Trường mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer |
Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, thì thì việc huy động học sinh ra lớp cũng là vấn đề nan giải cho đơn vị. Theo chỉ tiêu đề ra, năm học 2012-2013, Vĩnh Châu sẽ huy động 400 cháu ra nhà trẻ, 4.550 cháu mẫu giáo, 17.300 học sinh tiểu học, 7.500 học sinh trung học cơ sở. Tuy chưa có con số chính thức, nhưng tình hình chung là không huy động được như mong muốn, bởi năm nay, do tình trạng mất mùa, tôm chết nên người dân Vĩnh Châu bỏ địa phương mang theo con cái đi làm ăn xa khá đông, từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuyện học hành của con em mình. Thực trạng đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với ngành Giáo dục Vĩnh Châu. Theo thống kê sơ bộ của ngành, thì bậc mầm non còn thiếu khoảng 70 giáo viên, tiểu học 50 giáo viên và trung học cơ sở khoảng 20 giáo viên. Giải pháp tạm thời là hợp đồng số giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đã đủ chuẩn để giảng dạy. Trong đó, còn "vướng" nhất vẫn là số giáo viên mầm non, bởi ngành phải hợp đồng với những học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 vào đứng lớp, hoặc số sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng.
Với giáo dục dân tộc, năm học 2012-2013, hệ thống trường lớp được đầu tư, các ứng dụng tin học được đưa vào giảng dạy, giáo viên được tăng cường... Năm học này, tỉnh đưa vào sử dụng thêm 2 trường THCSDTNT Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) và THCSDTNT huyện Châu Thành, nâng tồng số trường DTNT lên 10 trường là DTNT Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú, Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) và Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Các trường sẽ tiếp nhận hơn 1.000 học sinh các cấp. Bên cạnh trường lớp mới và các trang thiết bị mới, các trường dân tộc nội trú cũng được đầu tư các phòng chức năng, nội trú, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng - thư viện. Riêng các em học sinh khó khăn cũng được hỗ trợ kinh phí học tập theo Quyết định số 112 và 101 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, so với một số địa phương trong tỉnh, công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới ở huyện Ngã Năm ít sôi động hơn, bởi trên địa bàn huyện không có công trình đầu tư xây dựng trường, lớp mới để đưa vào sử dụng đầu năm học.
Hầu hết các điểm trường chỉ tập trung vào các hoạt động nâng cấp, sửa chữa nhỏ, cũng như chỉnh trang một số cơ sở vật chất, bàn ghế đã bị hư hỏng. Cụ thể như Trường Tiểu học Vĩnh Biên 1, trong những ngày này đang gấp rút làm hàng rào, khu hiệu bộ, kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trường cố gắng hoàn thành cơ sở vật chất để hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trong khuôn viên trường còn lại 4 ngôi mộ của dân chưa di dời, nên gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng xây dựng. Ông Nguyễn Hoàng Hai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Biên 1, huyện Ngã Năm cho biết: “Cơ sở vật chất của trường đang xây dựng và đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để kịp cho khai giảng; bàn ghế đảm bảo đủ cho học sinh. Năm nay, trường dự kiến có 12 lớp, học sinh ra được 11 lớp, còn 1 lớp 1 học sinh ra lớp ngày đầu tiên khoảng 70 %, còn các điểm lẻ phụ huynh chưa đưa con em ra lớp”.
Ở cụm Trường Trung học cơ sở Long Bình cũng xây dựng hàng rào gần 1 tỷ đồng; Trường Tiểu học Mỹ Qưới 1 trang bị thêm về bàn ghế, trị giá 197 triệu đồng; Trường Mẫu giáo Ngã Năm, đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nền lớp học, kinh phí trên 365 triệu đồng và Trường Mẫu giáo Mỹ Quới, đang dự toán sửa chữa thêm khoảng 300 triệu đồng. Về mạng lưới trường, lớp, Ngã Năm cơ bản vẫn giữ ổn định các điểm trường như năm học cũ, gồm có 35 điểm trường, từ mẫu giáo đến trung học cơ sở. Tuy nhiên, cái khó của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện là nhiều điểm trường cũ, bị xuống cấp đã nhiều năm, dù đề án xây dựng đã được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí đầu tư xây dựng mới.
Tại trường THCS Long Tân, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng và bàn ghế được trang bị từ những năm 2003, nên đến nay gần như phòng học, bàn ghế đều bị hư hỏng. Đáng ngại là khu phòng học tiền chế, được xây dựng tạm từ năm học 2010- 2011, 4 phòng học này đều tận dụng vật liệu cây, tol, từ các điểm trường lẻ bị xóa, để che chắn đỡ cho học sinh có nơi học tập. Trong năm học 2012-2013 này, nhà trường vẫn phải tiếp tục tận dụng sử dụng cho học sinh học, dù đã xuống cấp nặng. Học ở những phòng học này, học sinh vào học sẽ rất khổ bởi tiếng ồn khi trời mưa, và phải chịu cái nóng khi trời nắng, bởi mái lợp tol, vách lớp tất cả đều cho bằng tol. Ông Huỳnh Công Tất, Hiệu trưởng Trường THCS Long Tân, cho biết: “Năm học này trường dự kiến có 800 học sinh, nhưng chỉ có 11 phòng, trong đó 7 phòng học kiên cố, 4 phòng tiền chế, bàn ghế học sinh tiếp nhận từ năm 2003, đến nay đã gần 10 năm, mặt bàn hư hỏng nặng nên thiếu rất nhiều bàn ghế cho học sinh ngồi”.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Ngã Năm cho biết: “Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư còn rất khó khăn. Phòng đã tham mưu đầu tư nâng cấp và sửa chữa các trường tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa khắc phục hết các trường xuống cấp. Vì vậy, trong năm học mới này huyện gặp nhiều khó khăn”. Để đáp ứng yêu cầu huy động học sinh mầm non, mẫu giáo ra lớp, theo chương trình giáo dục mầm non mới đại trà và các lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Huyện Ngã Năm cần phải xây dựng thêm 53 phòng học cho các điểm lẻ. Vì vậy, trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở năm học mới, tất cả các điểm lẻ của mẫu giáo, đều phải mượn tạm phòng học của các trường tiểu học, để giảng dạy. Và có thể có những điểm phải ngăn phòng học làm đôi, hoặc sử dụng cả phòng làm việc của ban giám hiệu trường, để thực hiện tốt chủ trương phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi.
Cao Nguyên