Sinh viên trường y nghĩ về nghề thầy thuốc

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, cùng lắng nghe những chia sẻ của các sinh viên y về ngành mình đã chọn.

Sinh viên trường y nghĩ về nghề thầy thuốc

Nghề y là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người nên được đào tạo rất kỹ lưỡng. Sinh viên y thường phải học 6 năm Đại học, sau đó mất thêm một khoảng thời gian dài nữa để rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức mới có thể hành nghề.

Bạn Phạm Phú Quý

Bạn Phạm Phú Quý, sinh viên năm thứ 4, khoa Bác sỹ Đa khoa, Đại học Y dược Hải Phòng cho biết: “Ngành y phải học rất nhiều môn với số đơn vị học trình nhiều hơn hẳn các trường khác, kiến thức y khoa còn rất nhiều và nặng nên khá áp lực. 

Song song với việc học trên lớp, mình còn phải thực tập ở bệnh viện hoặc phòng thí nghiệm, sáng thực tập thì chiều về học lý thuyết hoặc ngược lại, buổi tối còn phải đi trực. Bên cạnh đó, kinh phí khi đi thực tế tại các viện cũng cao hơn các ngành khác”.

Hiện nay, nghề y còn tồn tại nhiều mặt trái, đặc biệt phải kể đến hiện tượng “phong bì” diễn ra phổ biến tại các bệnh viện. Điều này không những khiến cho dư luận bức xúc mà còn làm giảm uy tín của đội ngũ thầy thuốc, bác sỹ tại nước ta.

Bạn Phạm Thanh Huyền

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bạn Phạm Thanh Huyền, sinh viên năm thứ 2, khoa Cử nhân điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Thiết bị y tế tại các bệnh viện ở nước ta tương đối phong phú, hiện đại nhưng so với lượng bệnh nhân thì còn thiếu rất nhiều. Thái độ phục vụ của các y, bác sỹ còn tùy theo chất lượng dịch vụ. 

Đa phần các bệnh nhân nghèo hay người thuộc diện có bảo hiểm y tế thường phải chờ đợi lâu mới được khám chữa bệnh và chưa nhận được thái độ phục vụ nhiệt tình. Nạn “phong bì” thì không chỉ phổ biến trong riêng nghề y mà bất cứ ngành nghề nào cũng có”.

Bạn Nguyễn Trung Đức, sinh viên năm thứ 4, khoa Bác sỹ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội bày tỏ: “Tuy giá thuốc được Bộ Y tế niêm yết và công khai hàng năm nhưng một số nơi vẫn bán giá cao hơn hoặc kê thừa những loại thuốc không cần thiết cho bệnh nhân. Tình trạng này tuy không phổ biến nhưng ít nhiều đã làm giảm uy tín của đội ngũ y, bác sỹ”.

Sinh viên y – những vị bác sỹ tương lai.

Nghề y không những đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao mà đạo đức nghề nghiệp cũng được vô cùng coi trọng. Người bác sỹ giỏi mà không có tâm với nghề, với người bệnh thì cũng không thể giúp ích cho xã hội. Do đó, tại các trường y, nhà trường đều đã chú trọng giảng dạy một số môn liên quan đến y đức như: Tâm lý y học, Đạo đức y học. 

Ngoài ra, các thầy cô còn tổ chức các cuộc trao đổi với sinh viên về vấn đề đạo đức, thái độ của bác sỹ với bệnh nhân nói riêng và của nghề y nói chung. Nhờ được trang bị đầy đủ kiến thức về mọi mặt, sinh viên sẽ không bị những mặt trái của nền kinh tế thị trường cám dỗ và đi lạc hướng khi hành nghề.

Còn bạn Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên năm thứ 4, khoa Bác sỹ Đa khoa, Đại học Y dược Hải Phòng cho hay: “Mình đi viện tuyến tỉnh ở Hải Phòng thì thấy các bác sỹ khá tận tình, thái độ nhân viên y tế cũng tương đối ổn. Việc nhận phong bì phần lớn xảy ra ở bệnh viện công còn ở các bệnh viện tư thì gần như không xảy ra vì lương ở đây cao hơn rất nhiều trong khi chất lượng tại các viện là như nhau. Vì vậy, mình nghĩ việc tiêu cực ở viện công cũng chỉ là điều bất khả kháng”.

Theo đuổi nghề y, mỗi bạn sinh viên đều có những ước mơ rất khác cho bản thân mình cũng như những mong mỏi riêng để ngành y tế Việt Nam có thể ngày một trở nên tốt hơn.

Bạn Phạm Thanh Huyền chia sẻ: “Khi ra trường, mình mong muốn sẽ nắm vững mọi kiến thức về y học, về các loại bệnh để có các cách phòng tránh và chữa bệnh cho bản thân và mọi người”. Còn bạn Phú Quý mong có thể trở thành vị bác sỹ tài giỏi, cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân.

Bạn Nguyễn Trung Đức

Bạn Nguyễn Trung Đức bày tỏ: “Sau này, nếu được công tác tại 1 bệnh viện, với cương vị là một bác sỹ, mình nghĩ ngành y tế Việt Nam nên thay đổi ở một số điểm để có chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh tốt hơn như: Phát triển cơ sở, đội ngũ nhân viên, hệ thống y tế tuyến cơ sở; tăng mức lương cho nhân viên y tế; tăng cường rèn luyện y đức cho đội ngũ y, bác sỹ”.

“Thời gian làm việc của nghề y dài hơn, áp lực hơn các ngành nghề khác nhưng lương còn thấp. Trong khi đó, việc học và cập nhật kiến thức là liên tục, cả đời. Vì vậy, mình nghĩ cần tăng lương và tiền phụ cấp cho đội ngũ y bác sỹ; tăng chỉ tiêu trong bệnh viện để giảm áp lực công việc”, bạn Nguyễn Hoàng Anh nói.

Sinh viên ngành y chính là đội ngũ kế cận, nối tiếp và phát triển y học của đất nước. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi chuyên môn cũng như rèn luyện phẩm chất, đạo đức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm cần thiết để định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho sinh viên. Có như vậy, nghề y mới ngày một phát triển và thực sự đúng với câu nói “Lương y như từ mẫu”.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ