Sinh viên Đà Nẵng “chọn nghệ thuật để sống hạnh phúc”

GD&TĐ - Với mục đích hỗ trợ sinh viên phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống, vừa qua, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc”. 

Sinh viên Đà Nẵng “chọn nghệ thuật để sống hạnh phúc”

Chương trình thu hút hàng trăm sinh viên, bạn trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng và các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Lấy cảm hứng từ toa tàu hạnh phúc của trẻ em Nhật Bản trong tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” (Kuroyanagi Tetsuko), Tổ hợp học tập sáng tạo có tên gọi Toa Tàu đã được ra đời vào cuối năm 2014, từ đó bắt đầu hành trình chuyển tải thông điệp sống tích cực thông qua nhiều lớp học nghệ thuật, mà nổi bật nhất là các lớp vẽ kể chuyện.

Chương trình “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” được bắt đầu buổi seminar bằng câu chuyện của chính diễn giả Đỗ Hữu Chí (nghệ danh Bút Chì) từ thuở còn là sinh viên kiến trúc loay hoay tìm kiếm định hướng tương lai, đến khi sang Mỹ học Thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh với học bổng Fulbright danh giá, và sau cùng là trở về Việt Nam mở các lớp vẽ kể chuyện - nơi mà học viên không cần phải có năng khiếu, không cần biết vẽ, bởi vẽ chỉ đơn giản là để kể chuyện.

Đúc rút từ những trải nghiệp và quá trình sáng tác của mình, diễn giả Đỗ Hữu Chí chia sẻ: “Nếu một ngày nào đó bạn có ý nghĩ rằng cuộc sống này buồn quá thì đừng nghĩ là cuộc sống có lỗi khi làm cho bạn buồn. Chính bạn là người có lỗi vì cuộc sống ngoài kia còn đầy những chuyện vui, quan trọng là bạn có muốn nắm bắt và cảm nhận những niềm vui ấy hay không”.

Để minh họa cho thông điệp tích cực này, anh Đỗ Hữu Chí đã chia sẻ với khán giả những thước ảnh sống động đang được trưng bày trong buổi triển lãm “Không buồn được” của nhiếp ảnh gia Maika, đang diễn ra tại Viện Goeth (Hà Nội).

Qua những câu chuyện này, rất nhiều các bạn sinh viên nhận ra rằng :“Nghệ thuật chính là cái khoảnh khắc bạn nắm bắt và diễn tả được cảm xúc của mình qua nét vẽ”.

Thanh Thảo (sinh viên khoa Điều dưỡng, Trường ĐH Đông Á) bày tỏ: “Tuy vẽ không đẹp nhưng từ nay em sẽ vẽ lại mọi thứ để phục vụ những mục đích khác nhau, chẳng hạn như khi học bài, vì đây cũng là cách giúp nhớ bài nhanh hơn”.

Còn sinh viên Chiến Hữu (khoa Kinh tế Du lịch, Trường ĐH Đông Á) cho biết: “Buổi nói chuyện của anh Bút Chì đã giúp em chắc chắn hơn với quan điểm nghệ thuật của mình. Nghệ thuật có thể là bất cứ điều gì đó trong cuộc sống, từ một chiếc lá, một đôi bàn chân hay một thông điệp sâu sắc… Để có một cuộc sống màu sắc hơn, cần phải luôn để ý quan sát và cố gắng giữ cho mình sự nhạy cảm trước nghệ thuật”.

Có cùng cảm nhận với nhiều bạn sinh viên khác, sinh viên Văn Minh – ngành Báo chí, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Đây là một buổi seminar khá thú vị và phù hợp với định hướng cho sinh viên. Lâu nay cứ tưởng nghệ thuật là những điều cao siêu lớn lao, nhưng hoàn toàn không phải vậy.

Có thể khi tâm hồn xao động thì chúng ta muốn hát, khi thấy cảnh đẹp thì ta phác họa và khi thấy khoảnh khắc đẹp thì chụp lại một tấm hình để lưu niệm.

Và sau cùng, nếu cảm nhận được nghệ thuật, tâm hồn ta sẽ được trẻ ra và ta sẽ hạnh phúc hơn. Hi vọng sẽ có nhiều buổi seminar chuyên đề như thế này, để sinh viên Đà Nẵng có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau những câu chuyện nghề thú vị cuộc sống, nghệ thuật và sáng tạo tác phẩm nghệ thuật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.