Sinh hoạt CLB bạn gái chống “trộm vợ” và “tảo hôn”

GD&TĐ - Những ngày đầu xuân Mậu Tuất, sự việc một nữ sinh vùng cao Nghệ An2 lần kiên quyết chống lại tục trộm vợ để tiếp tục đến trường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Và tâm điểm của sự chú ý không đâu khác chính là ở trường THPT Quỳ Hợp 3, nơi nữ sinh này đang theo học.

Sinh hoạt CLB bạn gái tại trường THPT Quỳ Hợp 3, Nghệ An về chủ đề tục trộm vợ và tảo hôn
Sinh hoạt CLB bạn gái tại trường THPT Quỳ Hợp 3, Nghệ An về chủ đề tục trộm vợ và tảo hôn

Kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ, và cũng nhân sự việc đang “nóng”, nhà trường đã tổ chức sinh hoạt CLB bạn gái với chủ đề tục trộm vợ và hệ lụy của nạn tảo hôn.

Những câu chuyện có thật

Buổi sinh hoạt CLB bạn gái chiều ngày 7/3 hết sức sôi nổi với sự tham gia của gần 500 nữ sinh trường THPT Quỳ Hợp 3. Đây là ngôi trường có 92% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái và Thổ.

Bắt đầu bằng việc chiếu các đoạn clip, phóng sự ngắn về nội dung tảo hôn, đời sống vất vả, học hành dang dở vì sớm lo toan việc gia đình chồng con của những cô gái lấy chồng từ thủa 14, 15… không khí trong hội trường nóng dần lên. Bởi đó là những câu chuyện không hề xa lạ mà các em đã từng bắt gặp đâu đó trong bản làng mình.

Đặc biệt, khi chiếu lại đoạn clip một thanh niên cướp vợ mặc dù cô gái khóc lóc, chống đối thì tất cả ồ lên. Các em nhận ra sự việc này xảy ra cách đây 1 năm, ngay tại huyện Quỳ Hợp, và không ít học sinh cũng quen biết với nhân vật nam và nữ trong đó.

Cứ mỗi một tình huống có thật và hết sức gần gũi được đưa ra, cô giáo lại đặt ra các câu hỏi cho học sinh: Các em hiểu như thế nào là tảo hôn? Hậu quả của kết hôn sớm? Có em nào từng chứng kiến cảnh trộm vợ? Trộm vợ là tốt hay xấu? Các hành vi nào là biến tướng của tục trộm vợ... Đồng thời khuyến khích các em chia sẻ suy nghĩ và câu chuyện của chính bản thân mình.

Em Lữ Thị Kim Dung (học sinh lớp 12A1) mạnh dạn chia sẻ: Em đã gặp nhiều trường hợp lấy chồng lấy vợ sớm. Trong đó có một người bạn học cùng lớp với em năm lớp 9. Bạn ấy quen một người con trai và quyết định lấy người này. Dù có nhiều người khuyên can, kể cả em cũng nói với bạn khoan hãy lấy chồng vì mình chưa đủ tuổi, sau này vất vả lắm. Nhưng bạn vẫn đồng ý để nhà trai trộm về và làm đám cưới. Bây giờ, bạn đã có 1 đứa con. Người chồng thì cũng đang còn trẻ, ham chơi, nhà thì nghèo nên cuộc sống của bạn rất khó khăn, vất vả.

Từ việc kể ra câu chuyện của bản thân, các em mạnh dạn, tự tin hơn khi thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình. Không đồng tình với những hành vi biến tướng của tục trộm vợ. Cũng là một nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, để lại nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống gia đình của các cặp vợ chồng “chưa lớn”.

Phong tục là do con người tạo ra

Năm nay, một câu chuyện trộm vợ khác cũng được biết đến với nạn nhân là em Hà Thị H. T. hiện đang học lớp 12C2. Lần thứ nhất bị trộm đi là vào đêm mùng 1 tết, lần thứ 2 là vào mùng 4 tết. Cả 2 lần, Thu đều kiên quyết không đồng ý, kháng cự, không ăn xôi, uống rượu chéo cần, vì theo phong tục người Thái, nếu đã ăn uống trong nhà người con trai, thì đã trở thành ma nhà đó. Đồng thời, gọi điện báo, tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người để được trở về nhà. Hiện giờ em đã đi học trở lại bình thường. Thu cũng là học sinh có thành tích học tập tốt nhiều năm liền.

Trong buổi sinh hoạt, khi cô Võ Thị Đồng nhắc lại câu chuyện, tất cả học sinh đều thể hiện sự ủng hộ, đồng tình và khâm phục sự dũng cảm của bạn. Những năm trước, Trường THPT Quỳ Hợp 3 vẫn thường có tình trạng học sinh nghỉ học sau tết do bị “trộm vợ” đối với nữ và đi “bắt được vợ” đối với nam. Một số em sau đó, mặc dù được gia đình động viên tiếp tục đi học và nhà trường cũng tạo điều kiện để các em đến lớp, nhưng hầu hết đều không thể theo hết lớp 12. vất vả, mệt mỏi do phải chăm lo gia đình, và làm lụng kiếm sống.

Trộm vợ vốn là một phong tục đẹp trong truyền thống của người Thái, giúp cho các đôi trai gái tiến đến tự do hôn nhân thoát khỏi những cản trở từ tục thách cưới cao, môn đăng hộ đối... Nhưng hiện nay, tục trộm vợ có nguy cơ biến tướng bởi các hành vi vi phạm pháp luật.

Từ đó, chỉ ra cho học sinh thấy, phong tục là do con người tạo ra, thì thay đổi phong tục cũng là do con người. Mà con người ở đây không phải ai khác mà chính là chúng ta. Em T. chính là một minh chứng sinh động cho việc dám chống lại hành vi biến tướng của tục trộm vợ.

Các cô cũng nhắc nhở học sinh hãy biết lên tiếng và hành động để bảo vệ mình. Khi đang tuổi đi học mà bị trộm vợ, thì phải báo ngay cho gia đình, cô giáo, và chính quyền địa phương để mọi người giúp đỡ, can thiệp kịp thời.

Vẽ đúng đường cho hươu chạy

Vì là sinh hoạt của CLB bạn gái, nên tất cả mọi chuyện “tế nhị”, khó nói đều được các cô khuyến khích học sinh mạnh dạn, thẳn thắn, thành thật chia sẻ. “Ngoài những trường hợp trộm vợ là ép buộc, cũng có nhiều đôi bạn có tình cảm với nhau.

Dù yêu sớm là không nên, nhưng nếu đã trót yêu, thì hãy yêu trong sáng và chờ đủ tuổi mới kết hôn. Nếu không trong sáng được thì hãy biết các biện pháp phòng tránh thai. Thậm chí nếu xảy ra trường hợp có thai ngoài mong muốn, thì hãy tìm đến gia đình, bạn bè, thầy cô để nhận được sự giúp đỡ. Không tự ý giải quyết một mình”! Cô Đồng – phụ trách buổi trò chuyện “vẽ” ra những tình huống có thể xảy ra và hướng xử lý.

Tại buổi sinh hoạt, cô giáo cũng công bố số điện thoại của thầy cô trong trường, coi như là “đường dây nóng”, để các em có thể tìm đến mọi lúc, mọi nơi khi cần. Đồng thời giới thiệu, phổ biến luật hôn nhân gia đình, những hành vi cụ thể nào sẽ bị coi là vi phạm pháp luật để học sinh nhận thức đầy đủ hơn.

Thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 bày tỏ: Quan điểm của nhà trường về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe giới tính, kỹ năng sống là rất quan trọng, nghiêm túc và cần phải dạy cho học sinh một cách nghiêm túc. Việc thành lập CLB bạn gái chính là một nơi để các em học sinh được chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình và đã được nhà trường duy trì hơn 10 năm nay. Những buổi sinh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực sẽ là những bài học để các em sử dụng ngay trong cuộc sống.

Theo dõi các đoạn clip, phóng sự
Theo dõi các đoạn clip, phóng sự
Các bạn học sinh bày tỏ ý kiến của mình
 Các bạn học sinh bày tỏ ý kiến của mình
Tham gia trò chơi trong buổi sinh hoạt
Tham gia trò chơi trong buổi sinh hoạt
Em H.T 2 lần chống lại hành vi “trộm vợ” cũng tham gia sinh hoạt CLB
Em H.T 2 lần chống lại hành vi “trộm vợ” cũng tham gia sinh hoạt CLB

Clip sinh hoạt CLB

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.