Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đáp ứng thực hiện chương trình GDPT mới

Quyền Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học - Thái Văn Tài
Quyền Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học - Thái Văn Tài

Để thực hiện chương trình GDPT mới thì việc thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường cấp TH cần tuân thủ theo đúng quy định của chương trình GDPT mới.

Theo Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học: Với qui mô trường và điểm trường như trên, việc thực hiện sáp nhập các trường Tiểu học có qui mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập trường Tiểu học với trường THCS có qui mô nhỏ, hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau là điều cần thiết và đúng với chủ trương chỉ đạo hiện nay theo Nghị quyết 18,19 của Đảng.

Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp cần đảm bảo quyền lợi học tập cho HS. Ảnh: Đức Trí
Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp cần đảm bảo quyền lợi học tập cho HS. Ảnh: Đức Trí 

Tuy nhiên khi thực hiện phải dựa trên Nguyên tắc “tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp với quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Một số giải pháp để các địa phương thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đáp ứng chương trình GDPT mới được ông Thái Văn Tài chỉ ra đó là: Thực hiện dồn dịch các điểm trường, trường TH có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo, thành những điểm trường, trường TH có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố, đủ các hạng mục đảm bảo để thực hiện đầy đủ các hoạt động dạy học (sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, phòng học, phòng bộ môn,…) để đảm bảo công bằng giữa điểm trường và cơ sở trường chính.

Cần tổ chức bán trú cho HS nhà xa. Ảnh: Đức Trí
Cần tổ chức bán trú cho HS nhà xa. Ảnh: Đức Trí

Khi sáp nhập các trường, điểm trường nhỏ thành các trường, điểm trường lớn nếu cách xa nhà HS không thể đi về cần tính toán đến phương án tổ chức ăn bán trú, đầu tư các hạng mục phụ trợ để đảm bảo tổ chức ăn trưa cho HS, đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình GDPT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình GDPT mới).

Các điểm trường không bố trí đủ phòng chức năng dạy học các môn tin học và ngoại ngữ, chỉ tổ chức dạy học cho học sinh lớp 1, 2. Học sinh lớp 3, 4, 5 được đưa về trường chính để được học đầy đủ các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình.

Đối với vấn đề sáp nhập các trường tiểu học liên cấp, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường TH có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có 2 đến 3 trường TH, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV và các điều kiện cụ thể như:

Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định; đồng thời có giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa; Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQL các trường sau sáp nhập;

Việc sáp nhập để hình thành các trường tiểu học với trường trung học cơ sở phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học;

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tới các điểm trường. Ảnh: Đức Trí
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tới các điểm trường. Ảnh: Đức Trí

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, cơ sở vật chất tại những trường, điểm trường được chuyển đi đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hiệu quả, tránh lãng phí.

Đặc biệt, khi các địa phương thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đáp ứng chương trình GDPT cần thực hiện chế độ cho người học. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và chế độ hỗ trợ cho HS để tổ chức thực hiện bán trú tại các điểm trường, các trường có HS ở xa để đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình GDPT mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.