“Có gì mới đâu, bởi từ xưa cũng thế!”
- Một số người trưởng thành nói việc mình từng bị bạo lực khi còn nhỏ không gây tổn hại gì và giờ vẫn “rất ổn”, vẫn trưởng thành? Có lẽ nào giáo dục bằng bạo lực vẫn có tác dụng nhất định?
- Nhiều thầy cô giáo từng bị thế hệ trước (cha mẹ, thầy cô) cho nếm trải bạo lực, thì nay họ cũng thấy bình thường khi dùng bạo lực đối với học sinh. Nhưng quan điểm của tôi, đó chỉ là cách nói mà không biết hệ quả của việc kỷ luật bạo lực, khi học sinh ra trường sẽ trở nên như thế nào.
Trước hết, những học sinh tiến bộ, thành đạt không phải vì họ nhớ “công” do mình bị bạo lực thuở thiếu thời mà có. Hay nói cách khác, giờ tôi thành “ông nọ, bà kia” là do thời đi học tôi luôn bị bạo lực đấy - tuyệt nhiên không phải! Trải nghiệm không vui ấy chỉ để lại nỗi buồn, thoang thoảng trong suy nghĩ: Giá không còn có bạo lực, thì tuổi học trò sẽ rất đẹp và trọn vẹn hơn!
Còn đa phần những học sinh từng bị bạo lực sẽ tổn thương cả “bên ngoài” và “bên trong”, cảm thấy nhục nhã trong suốt cuộc sống của họ, trở thành vết thương đời rất khó quên. Khi lớn lên ra trường, những học sinh này do nhiễm cách bạo lực từ nhỏ và sẽ tiếp tục thực hành, ứng xử thói xấu ấy trong gia đình và ngoài xã hội.
- Nhưng thầy cô cho rằng “Thương cho roi, cho vọt”, dùng bạo lực chỉ vì muốn học sinh tiến bộ nhanh?
- Cách lập luận này là nhằm muốn phân biệt: “Thương cho roi cho vọt”, hay “đánh yêu” là biện pháp giáo dục tốt, là không phải bạo lực với học sinh.
Giải thích cho hành động kiểu này thực sự gây khó hiểu, chỉ là sự biện minh để một hành động sai nghe có vẻ hợp lý hơn. Bởi vì đã “roi vọt” với học sinh là đánh người hay chính là bạo lực với các em rồi. Đây không thể nói là hành động “yêu” hay “thương” học sinh được, mà đều là xâm phạm quyền con người của trẻ em.
Thật nguy hại khi đồng nhất giữa yêu thương và làm tổn thương học sinh. Điều này tưởng như vô hại nhưng thực chất có thể ẩn giấu sau đó là sự xúc phạm nhân phẩm học sinh.
Thật vô ích và không đúng khi chúng ta đổ lỗi cho các thế hệ đi trước, hay vì thói quen kỷ luật bạo lực với học sinh trước đây. Đó chỉ là cách nghĩ, cách làm phù hợp với nền giáo dục phổ biến của thời đại cũ.
Giáo dục ngày nay đã thay đổi theo xu hướng hiện đại. Nhà trường hướng tới dạy chữ và phải dạy cả làm người cho học sinh; đòi hỏi người thầy không chỉ được “đào tạo”, mà còn là phải được “giáo dục” để đáp ứng với nhu cầu cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục.
|
“Bạo lực” hay “bất lực”
- Cũng có thầy cô biện minh cho hành động bạo lực với học sinh là bởi nghề giáo hiện nay có quá nhiều áp lực. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng! Nghề giáo hiện nay có quá nhiều áp lực: Học sinh đông; học sinh hiếu động, không ngoan như ngày xưa; cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng; một số cha mẹ học sinh bàng quan, số còn lại lo bươn chải đi làm xa kiếm sống; lương giáo viên chưa đủ sống trong khi xã hội có quá nhiều mặt trái của cơ chế thị trường; chương trình dạy học quá tải; giáo dục đang thay đổi, cái cũ chưa mất đi hẳn còn cái mới lại chưa định hình và ổn định...
Chúng ta không thể thừa nhận: Bạo lực học sinh là một lối thoát cho những cảm giác bị dồn nén, áp lực với thầy cô. Nhưng rõ ràng bạo lực học sinh không thể thay đổi hay cải thiện cuộc sống thực tế người thầy. Đôi khi, người thầy lại tăng thêm sức ép không đáng có. Dù gì đi chăng nữa, thầy cô cũng không thể hết kiên nhẫn, trút tức giận lên đầu học sinh khi thấy mình bị quá nhiều sức ép. Đó là điều vô lý và thật không công bằng với học sinh.
Tất cả thầy cô sau khi đã dùng hình thức bạo lực với học sinh đều thấy lỗi, hối hận. Thực tế chỉ ra rằng, ở những cơ sở giáo dục cấm được bạo lực học sinh, tăng cường kỷ luật tích cực, thì ở đó thầy trò đều dễ chịu, thân thiện và dạy - học thân ái với nhau.
- Mới đây, cô giáo Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nôi) đã kỷ luật học sinh bằng cách bắt học sinh quỳ trước bục giảng. Cô giải thích mình làm vậy vì hết cách giáo dục và bất lực với học sinh. Ông nghĩ thế nào về cách giải thích này của cô?
- Chúng tôi thì nghĩ, chính cô bất lực với cô, còn phương pháp giáo dục và tình thương yêu trẻ chưa bất lực, chưa đến lúc cô giáo phải dùng biện pháp hạ sách như vậy. Chúng tôi muốn đánh giá sự việc đau lòng trên thông qua kết quả trả lời mấy nhóm câu hỏi sau:
Các phương pháp kỷ luật tích cực học sinh cũng như các kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt cô đã có và đã hiểu biết đến đâu? (Giáo dục phải có phương pháp và chuyên nghiệp);
Cô đã cùng tập thể lớp thảo luận để tìm biện pháp và cô lập học sinh khó bảo ấy chưa? Cô đã trao đổi điều khó khăn mình đang gặp và xin “viện trợ” biện pháp xử lý của đồng nghiệp hay tập thể giáo viên chủ nhiệm trong trường chưa? Cô đã trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ Ban Giám hiệu với những khó khăn mà mình đang gặp phải chưa? (Giáo dục phải có sự hỗ trợ và đồng cảm của tập thể nhà trường);
Cô đã quá bộ tới gia đình tìm hiểu gia cảnh và phối hợp cách giáo dục học sinh chưa? Hay chỉ dùng quyền uy của người thầy mà yêu cầu cha mẹ học sinh phải tới gặp cô? (Giáo dục kết hợp với gia đình);
Cô đã thực sự hối hận về cách hành xử không đúng của mình với học sinh chưa? (Giáo dục là tình thương, tôn trọng trẻ).
|
Đừng dùng tới “giáo án” cuối cùng
- Vậy theo ông, chúng ta nên làm thế nào để hạn chế và tiến tới chấm dứt vấn nạn bạo lực học sinh?
- Đã đến lúc chúng ta cần khẩn trương tìm ra giải pháp và không thể chủ quan trước hiện tượng bạo lực học sinh có nguy cơ trở thành vấn nạn trong các nhà trường. Theo chúng tôi ở mỗi cơ sở giáo dục cần làm:
Thứ nhất: Tiến hành rà soát, tự đánh giá tình hình bạo lực học sinh trong trường. Thảo luận những giải pháp kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt được cho là phù hợp trong trường.
Thứ 2: Đổi mới hoạt động quản lý nhà trường. Phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý, giáo dục học sinh hiệu quả. Ngăn ngừa và không bị bất ngờ xảy ra bạo lực học sinh trong trường;
Thứ 3: Thi đua có thực chất. Không cho bệnh thành tích gây áp lực lên giáo viên.
Thứ 4: Phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường nguồn lực dạy học và giáo dục nhà trường. Thấu hiểu, chăm lo và hỗ trợ thực tế, thường nhật cho cán bộ và giáo viên trong trường.
Thứ 5: Kiên quyết và có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những giáo viên có hành động bạo lực với học sinh. Sẵn sàng đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm luật pháp.
Bạo lực học sinh là tàn nhẫn, cần nghiêm cấm. Có nhiều cách giáo dục tích cực hơn mà không phải dùng tới “giáo án cuối cùng” là hạ nhục học sinh. Thời đại ngày nay đã thay đổi. Bạo lực học sinh còn tồn tại trong các nhà trường là giáo dục đã thất bại.
Bạo lực “là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em” (Điều 4 Luật Trẻ em 2016). Trong Điều lệ nhà trường và Luật Giáo dục cũng quy định, giáo viên không được có bất cứ hành động bạo lực nào trong quá trình dạy học và giáo dục học sinh. Như vậy, bạo lực học sinh là hành động vi phạm pháp luật, là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Vì thế, chúng ta không có gì phải bàn cãi về mặt pháp lý, nặng lý trí về chuyện bạo lực học sinh.
Tuy nhiên, bạo lực với học sinh nhưng dưới góc nhìn sư phạm hay quan niệm của xã hội lại là điều chúng ta cần bàn, nên trao đổi để có nhận thức chung trong trường, trong cộng đồng để cùng nhau chống lại bạo lực học đường. Bởi giáo dục của chúng ta chịu ảnh hưởng của giáo dục phong kiến phương Bắc hàng ngàn năm và của thực dân, đế quốc hàng trăm năm. Nhiều thói quen, tật xấu cứ thế tồn tại và ngự trị trong các nhà trường một thời gian dài.
Ông Đặng Tự Ân