Việt Nam là một quốc gia có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, người xưa thường nói “Không thầy đố mày làm nên”. Trong xã hội hiện đại, lứa tuổi của những người sinh vào thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 20 trở về trước, hẳn có nhiều người nhờ những cái véo tai do nghịch ngợm, vết hằn trên tay vì thước kẻ thầy vụt do làm mực dây ra vở…
Chính sự nghiêm khắc của các thầy cô đã giúp họ trưởng thành trong cuộc sống nuôi dạy con cái nên người. Giờ đây, nếu có dịp kể lại thì chắc chắn không ai trách cứ vì những lỗi phạt của thầy cô với mình. Ngày hôm nay, xã hội phát triển, mọi ứng xử trong cuộc sống, gia đình và nhà trường đều văn minh hơn. Các hình thức đòn roi trong nhà trường là điều không được và đều phải có những uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời.
Một số ít vụ việc liên quan đến ứng xử của giáo viên đối với học sinh mới đây là điều hết sức đáng buồn. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, với cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nếu không may trong lớp học mình dạy có em học trò ngỗ ngược nào đó quả thật là hết sức mệt mỏi cho các thầy cô. Với những học sinh đó, ở nhà phụ huynh dễ gì uốn nắn con em, nhưng khi đến trường các thầy cô có nhỡ tay phạt học trò quá mức là thưa kiện, là đưa nên mạng xã hội để phán xét và lên án. Không biết khi làm vậy, những phụ huynh này có hiểu là bản thân các thầy cô có nghiêm khắc với học trò cũng là mong các em nên người. Có thể trong một lúc nóng giận, thiếu kiềm chế dẫn đến làm điều không phải.
Áp lực của nghề giáo trong một xã hội mở mà mạng xã hội đang bùng nổ là rất lớn. Chỉ một sơ suất nhỏ, nếu không có sự đồng cảm, sẻ chia, lại được một phụ huynh hay học sinh có điện thoại di động quay được đưa lên mạng xã hội là coi như “tội” của nhà giáo đó được mạng xã hội phán xét ngay, hoàn toàn không cho “đương sự” ý kiến gì. Thực tế đã chứng minh không phải là các ý kiến quy kết trách nhiệm cho các thầy cô là đúng. Đã có nhưng phụ huynh sau like, view để phán xét một thầy cô nào đó rồi nghĩ lại đã ân hận với việc mình làm. Mới đây giải thích vì phạt học sinh quỳ, cô giáo cho biết bố mẹ các em yêu cầu thế. Hỏi lại thì phụ huynh lại trả lời là nói thế chứ không nghĩ là cô giáo làm(!?).
Người xưa nói “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!”. Xin những người đã và đang hay sẽ là phụ huynh hãy bình tâm lại, bớt ồn ào hơn. Khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” hay “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là những đích đến, những mong muốn hết sức tốt đẹp của nhà trường và ngành Giáo dục trong một xã hội văn minh.
Xảy ra chuyện này, chuyện kia là điều hoàn toàn không mong muốn của các nhà trường, ai sai sẽ phải sửa. Nhưng mọi người cũng đừng nên làm “quan toà mạng” phán xử theo phong trào, số đông, thổi phồng những việc không đáng; quy kết theo kiểu trừng phạt người có lỗi theo đám đông mà chưa hiểu hết nguồn cơn. Điều này làm đau lòng không chỉ những người trong cuộc mà cả những thầy cô giáo đang hết lòng gắn bó với nghề trên khắp nẻo đường đất nước. Đừng để những áp lực xã hội quá lớn, khiến những lo lắng của một nghề hết sức cao quý trở thành “nghề nguy hiểm”!