Sáp nhập sao cho hiệu quả?

Sáp nhập sao cho hiệu quả?

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt Nghị quyết 19), các trường thuộc Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH đang đẩy mạnh việc sắp xếp, sáp nhập. 

Đặc biệt, theo quy định nâng chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục 2019, các trường CĐ sư phạm không còn có chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và THCS như trước, chỉ còn chức năng đào tạo giáo viên mầm non, thì yêu cầu sáp nhập với nhóm trường này càng được các địa phương khẩn thiết đặt ra. Đến nay có khoảng 13/29 trường CĐ sư phạm thuộc UBND tỉnh/thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, đề án sáp nhập.

Nghị quyết 19 là hướng đi đúng để giải quyết những trường yếu, kém và cả trường do "hoàn cảnh lịch sử" để lại. Thông qua việc sáp nhập, cho phép các trường bổ sung và hoàn thiện điều kiện cho nhau, mà quan trọng nhất là nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính. Cho đến nay, việc sáp nhập các trường có 3 xu hướng: Sáp nhập trường CĐ sư phạm vào trường ĐH (thực tế sáp nhập vào phân hiệu trường ĐH); thành lập trường ĐH trên cơ sở sáp nhập các trường CĐ; sáp nhập trường trung cấp (TC), CĐ trong tỉnh thành trường CĐ đào tạo đa ngành.

Thực tế cho thấy đa số trường sau sáp nhập đều gọn đầu mối, giảm chi phí, có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành/nghề trọng điểm, nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể kể, tại phía Nam có Trường CĐ Tài chính Hải quan sáp nhập với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM; Trường ĐH An Giang trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM; Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long thành phân hiệu của Trường ĐH Kinh tế TPHCM; Trường CĐ Sư phạm, Trường CĐ Y tế vào Trường CĐ Nghề Bình Phước... 

Khu vực phía Bắc, sáp nhập Trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn vào Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn và đổi tên thành Trường Cao đẳng Bắc Kạn; Trường Cao đẳng Lào Cai được sáp nhập thêm các trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai, Trung học Y tế Lào Cai, Trung tâm Đào tạo Hán ngữ, Trung tâm Thực nghiệm - Biểu diễn và một phần của Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai…

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng trên tổng quan việc sáp nhập các trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài chủ trương và thủ tục pháp lý, hàng loạt vấn đề như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất, thậm chí cả tính đặc thù của mỗi đơn vị… không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai có thể giải quyết được. 

Càng phức tạp hơn nếu hai trường thuộc hai cơ quan hành chính khác nhau, bởi liên quan đến con người, bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, đất đai. Như việc hợp nhất Trường CĐ CNTT Hữu Nghị Việt Hàn (Bộ Thông tin Truyền thông), Trường CĐ CNTT, Khoa CNTT và Truyền thông và một số đơn vị của ĐH Đà Nẵng để lập Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt Hàn, đề án chạy ròng rã 10 năm, có những nội dung phải trình đến Thường vụ Quốc hội. Vướng mắc nhất là chưa có văn bản nào hướng dẫn, nên việc sáp nhập hiện cơ bản phụ thuộc vào sự tự nguyện, đồng thuận từ các phía.

Trong bối cảnh còn thiếu hành lang pháp lý đủ rộng, chặt chẽ cho việc sáp nhập, quan trọng nhất trong triển khai công tác này là phải bảo đảm tính khoa học và hiệu quả, không thể nóng vội với các chỉ tiêu. Mạng lưới các trường giảm là mục tiêu của việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý theo Nghị quyết 19, nhưng không nên giảm một cách cơ học. 

Như hệ thống các trường CĐ sư phạm, sáp nhập theo hướng đào tạo đa ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo CĐ mầm non, hay tập trung nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ là những quyết định cần hết sức cân nhắc. Bởi việc sáp nhập chỉ thực sự hiệu quả khi gắn liền với mục tiêu cải thiện điều kiện và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ