Doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học:

Sản phẩm nghiên cứu… tự tin bước ra thị trường

GD&TĐ - Việc cho phép các trường đại học được thành lập doanh nghiệp KH&CN mở ra nhiều kỳ vọng trong chuyển giao công nghệ...

Sinh viên Trường ĐH Việt Đức trong một hoạt động khoa học. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường ĐH Việt Đức trong một hoạt động khoa học. Ảnh: ITN

Kể từ ngày 1/3, Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cơ sở giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Việc cho phép các trường đại học được thành lập doanh nghiệp KH&CN mở ra nhiều kỳ vọng trong chuyển giao công nghệ.

Tiềm năng lớn chưa được khai thác

Trước khi Nghị định 109/2022/NĐ-CP có hiệu lực, Nghị định 115/2010/NĐ-CP và Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng nhắc đến vấn đề này nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao thành tựu KH&CN hiệu quả. Tuy vậy, do thiếu các quy định rõ ràng khi sử dụng tài sản công vào hoạt động kinh doanh, cũng như việc thành lập công ty còn khó khăn nên số doanh nghiệp KH&CN trực thuộc cơ sở giáo dục đại học còn khiêm tốn.

Để thành lập được công ty trực thuộc, đa phần trường phải nhờ hoặc phân công giảng viên đứng tên (có tên, thương hiệu liên quan tới trường) để hoạt động. Các công ty này hoạt động dưới sự quản lý của khoa và được hỗ trợ từ trường.

Tiên phong trong việc thành lập công ty là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, với Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực vào năm 2000. Trường ĐH Xây dựng cũng có công ty trực thuộc vào năm 2000 với tên gọi Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng. Kế đến là Trường ĐH Dược Hà Nội có Công ty TNHH MTV Dược khoa ra đời vào năm 2002.

Trường ÐH Khoa học Tự nhiên (ÐHQG Hà Nội) có Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (thành lập 2004) hoạt động trên 4 lĩnh vực Dịch vụ khoa học kỹ thuật; Tư vấn; Kinh doanh các sản phẩm, đề tài đã có kết quả ứng dụng; Kinh doanh vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Ở phía Nam, Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TPHCM là đơn vị đầu tiên có công ty trực thuộc là Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM (năm 2018). Công ty hoạt động trên lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, bao gồm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sửa chữa máy móc và thiết bị, sản xuất ô tô và xe có động cơ, xây dựng nhà và công trình kỹ thuật dân dụng...

Trường ĐH Y Dược TPHCM có mô hình Bệnh viện ĐH Y Dược vô cùng thành công. Mới đây, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) lập Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa (2019), bắt đầu có doanh thu với nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ trực tiếp sinh viên và giảng viên.

Một hội thảo chuyên sâu của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM nhằm nâng cao năng lực hoạt động chuyển giao. Ảnh: ITN

Một hội thảo chuyên sâu của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM nhằm nâng cao năng lực hoạt động chuyển giao. Ảnh: ITN

Không chỉ thành lập công ty với vai trò thúc đẩy các hoạt động chuyển giao thành tựu KH&CN của giảng viên, nhiều trường đại học còn mạnh dạn thành lập công ty với vai trò và nhiệm vụ được phân tách rõ ràng dưới sự điều hành của từng khoa.

Đơn cử, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) hiện có 4 công ty gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Công nghiệp thực phẩm (FOODTECH), Công ty dịch vụ Kế toán - Kiểm toán, Công ty Du lịch HUFI travel, Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Huấn luyện an toàn HUFI. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có tới 10 công ty thuộc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp với các vai trò khác nhau.

Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khuyến khích, nhà trường cũng nhanh chóng thích ứng và triển khai. Tuy nhiên, theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (HUFI), công ty trực thuộc trường vẫn đặt nặng mục tiêu khai thác lợi thế từ ngành học, phát triển sản phẩm và dịch vụ thuộc về thế mạnh, đồng thời giúp sinh viên khởi nghiệp chứ giá trị kinh tế tạo ra chưa lớn. Đặc biệt, vai trò lớn nhất của các công ty là tạo ra môi trường trải nghiệm và thực hành, thực tập cho đội ngũ giảng viên, sinh viên.

Hoạt động của Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM chủ yếu cung cấp các dịch vụ khoa học chất lượng cao (tư vấn và dự báo xã hội, nghiên cứu thị trường, dự án phát triển xã hội, dịch thuật); Tổ chức và cung cấp dịch vụ liên quan đến thực tập, khảo sát thực tế, kiến tập, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng gắn với chương trình đào tạo cho giảng viên, sinh viên. Công ty còn xây dựng và tổ chức chương trình du lịch học thuật đặc thù theo chủ đề (văn hóa, lịch sử, tôn giáo, bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, doanh thu hàng năm cũng không đáng kể.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM giai đoạn 2017 - 2022, số đề tài nghiên cứu tăng trưởng rất ấn tượng, từ 163 đề tài các cấp năm 2017 lên 342 vào năm 2022. Đặc biệt, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế danh tiếng tăng mạnh. Tuy vậy, giá trị doanh thu chưa có bước nhảy vọt.

Tỷ trọng kinh tế thấp của hoạt động chuyển giao KH&CN (từ tài chính đến bằng sáng chế) được TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN nhìn nhận là vấn đề cần cải thiện, nhất là với các trường đại học.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: ITN

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: ITN

“Tỷ lệ số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam thấp, cao nhất là năm 2018 chỉ chiếm 9,2% tổng số đơn được cấp. Đối với các giải pháp hữu ích, số lượng đơn đăng ký của người Việt Nam có cao hơn nhưng sự gia tăng qua từng năm không đáng kể. Đáng chú ý tỷ lệ đóng góp của khối viện nghiên cứu, trường đại học còn thấp trong tổng số đơn và bằng sáng chế. Hoạt động khai thác chuyển giao tốt chỉ ở một vài đơn vị nhưng chưa tương xứng tiềm năng và năng lực khoa học đang có”, TS Hạnh nói.

Theo TS Hoàng Hạnh, thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ đến tháng 12/2021 cho thấy, trong tổng số 8.535 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Việt Nam có 1.066 đơn của người Việt Nam (chiếm 12,5%). Trong 10 năm gần đây, số đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam so với của nước ngoài có tăng nhưng không đáng kể, duy trì ở mức 10%.

Kết quả bước đầu

Trong số doanh nghiệp thuộc trường đại học, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM và ĐH Bách khoa Hà Nội có doanh thu hoạt động chuyển giao cán mốc 100 tỷ đồng.

Được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực chuyển giao thành tựu KH&CN, sáng chế của các giảng viên, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM trong giai đoạn 2012 - 2021 đã thực hiện 5.594 hợp đồng, doanh thu chuyển giao công nghệ (thông qua Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM) đạt bình quân 80 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 bắt đầu tăng trưởng mạnh khi chạm ngưỡng 70 - 80 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 tới nay, hoạt động chuyển giao công nghệ của đơn vị luôn dẫn đầu cả nước, với khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội có hoạt động doanh thu chuyển giao KH&CN ấn tượng (thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội) với 262 tỷ đồng năm 2021. Trước đó, năm 2020 là 180 tỷ đồng. Doanh thu trong năm 2022 tạm tính trên 210 tỷ đồng.

Là đơn vị đi trước, vấp phải khó khăn trong hoạt động chuyển giao, kém hiệu quả về kinh tế trong giai đoạn đầu, Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2020 tới nay đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ (BK TTO) để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này (hiện đề án đã hoàn thành). Song song đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa (BK - Fund). Quỹ này đồng hành với nhà nghiên cứu ngay từ giai đoạn ban đầu để hỗ trợ khi cần.

“Tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư đã nâng quy mô quỹ lên 35 tỷ đồng (năm 2020 khởi động ở mức 17 tỷ đồng) và dự kiến đầu tư cho các dự án từ 1 đến 3 tỷ đồng. BK - Fund đã quyết định đầu tư 5 startups (trong đó đã giải ngân 3/5 dự án). Bên cạnh đó, BK - Fund đồng tổ chức chương trình ươm tạo Lab2market, đang thực hiện ươm tạo 12 nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN. Nhờ những thay đổi trên, doanh thu từ hoạt động KH&CN của đơn vị đạt 262 tỷ đồng”, báo cáo của đơn vị nêu.

Theo đại diện Ban Giám hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội, BK TTO sẽ hoạt động khác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK - Holdings) khi được thừa ủy quyền của ban giám hiệu để thực hiện việc quản lý khai thác tài sản trí tuệ, từ hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đến ký kết hợp đồng chuyển giao. Ưu điểm của mô hình này là hỗ trợ từ đầu đến cuối, thuận tiện hơn cho nhà nghiên cứu. Do đó với quy định mới từ Nghị định 109 của Chính phủ, hoạt động chuyển giao hứa hẹn con số ấn tượng hơn.

Thống kê công bố khoa học và doanh thu từ hoạt động KHCN của Đại học Bách khoa Hà Nội trong 7 năm. Ảnh: ITN

Thống kê công bố khoa học và doanh thu từ hoạt động KHCN của Đại học Bách khoa Hà Nội trong 7 năm. Ảnh: ITN

Vướng mắc được tháo gỡ, doanh thu sẽ nhảy vọt?

Hạn chế của hoạt động chuyển giao thành tựu KH&CN phần lớn được trường nhận thấy. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung quy ngoài việc trường công lập chưa chuyển hoàn toàn sang cơ chế tự chủ tài chính toàn diện thì vấn đề thay đổi trong quản trị, định hướng nghiên cứu và chuyển giao cũng là rào cản.

Trong nhiều vướng mắc khiến hoạt động chuyển giao thành tựu KH&CN không hiệu quả thời gian qua, PGS.TS Hoàng Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế) cho rằng, các trường vẫn chú trọng sản phẩm khoa học là bài báo thay vì thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu sản phẩm khoa học (sáng chế và giải pháp hữu ích) ứng dụng vào thực tiễn.

“Giảng viên vẫn phải chịu áp lực về giờ dạy theo quy định; vướng mắc bởi các quy định của luật trong công nhận, chuyển giao đề tài nghiên cứu từ trường đại học ra ngoài, cho đến việc các sản phẩm nghiên cứu có bản quyền… cũng khiến hoạt động chuyển giao chưa phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/3, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc trên còn cho phép cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp KH&CN sẽ giúp đơn vị chủ động hơn trong nhận đặt hàng, đặt hàng và chuyển giao thành tựu nghiên cứu ra ngoài xã hội. Doanh thu chuyển giao vì thế chắc chắn sẽ tăng theo”, PGS.TS Hoàng Đức Lương nói.

Phát triển doanh nghiệp trong trường đại học vừa là yêu cầu về phương thức, nhưng cũng là mục tiêu của sự thay đổi về tổ chức, quản lý và điều hành nhà trường theo hướng phù hợp với giáo dục đại học 4.0. Khẳng định vai trò doanh nghiệp KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Đinh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng thời nhấn mạnh:

Về mặt tổ chức, các trường cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động; gỡ bỏ các rào cản, chủ động tìm kiếm nguồn lực, mở rộng hoạt động đầu tư, liên danh, liên kết về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển doanh nghiệp. Về mặt điều hành, người đứng đầu nhà trường cần có phong cách lãnh đạo kiểu “doanh nghiệp”, khuyến khích ý tưởng mới, đổi mới sáng tạo trong tư duy, dám mạo hiểm…

“Thực tế, nhiều trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng hoạt động thương mại hóa công nghệ, bởi một số nhà khoa học giữ quyền tác giả, quyền bảo hộ, tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép. Chưa kể, đa số đề tài được nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng để chuyển giao vào thực tiễn cần phải ươm tạo ở quy mô công nghiệp và đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được.

Trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, điều đó tạo ra những khoảng trống giữa cung và cầu. Bởi vậy, chỉ khi các trường xây dựng được quỹ hỗ trợ khoa học, có giải pháp bao trọn gói cho một dự án nghiên cứu mới khắc phục được hạn chế trên, hoạt động chuyển giao mới tốt được”, PGS.TS Đinh Văn Toàn nhấn mạnh.

Khó khăn lớn nhất mà các trường đại học vướng phải trong việc thành lập doanh nghiệp trước khi Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực là sử dụng tài sản công và nguồn vốn thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu Nghị định 109 cùng các văn bản dưới luật quy định (hướng dẫn) cụ thể về việc doanh nghiệp trong trường đại học được khai thác cơ sở vật chất, mặt bằng cũng như trang thiết bị là tài sản công sẽ giúp các trường thúc đẩy hoạt động tiếp sức, làm cầu nối chuyển giao thành tựu nghiên cứu của giảng viên ra ngoài thị trường. Giá trị chuyển giao vì thế tất yếu sẽ tăng thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ