Doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học: Ai hưởng lợi?

GD&TĐ - Các trường đại học đang chuyển dần từ nghiên cứu theo năng lực sẵn có của giảng viên sang nghiên cứu để chuyển giao, tăng nguồn thu từ KHCN.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trình bày đề tài “Khả năng tái chế của Si-PET được dùng trong ngành công nghiệp điện tử” tại Hội thảo khởi động Chương trình 21CS. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trình bày đề tài “Khả năng tái chế của Si-PET được dùng trong ngành công nghiệp điện tử” tại Hội thảo khởi động Chương trình 21CS. Ảnh: ITN

Sinh viên nhờ đó được thay đổi tư duy, thói quen học tập để “nhúng” mình vào thực tế nghiên cứu; đảm nhiệm một vài phần việc hỗ trợ người dạy.

Học trong môi trường nghề nghiệp

Đề tài “Đề xuất các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý trên các nhánh dẫn tới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn trên địa bàn Đà Nẵng” của nhóm sinh viên Phạm Thành Hưng, Huỳnh Văn Tài (Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng) vừa đoạt giải Nhì, Giải thưởng Loa Thành lần thứ 34. Đề tài đưa ra một số giải pháp thiết kế, tổ chức giao thông từ kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tế trên địa bàn Đà Nẵng, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút vào giờ cao điểm, giải quyết bài toán xung đột giữa nhánh đường giao thông ra, vào.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), đã gợi ý cho nhóm sinh viên ứng dụng công nghệ 3D trong mô phỏng các nút giao thông thực tế (nút giao thông phía Tây cầu Rồng và nút Xô Viết Nghệ Tĩnh – Nguyễn Hữu Thọ) nhằm có các tham số tính toán, thiết kế điều tiết lưu lượng xe sát với thực tế. Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả, phù hợp với đặc điểm đường hẹp như ở Đà Nẵng và một số đô thị khác của Việt Nam.

Trong năm 2022, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã đoạt nhiều giải thưởng cao với 4 giải cấp quốc gia, 3 giải cấp thành phố và 2 giải cấp ĐH Đà Nẵng. Cùng với việc chuyển hướng nghiên cứu khoa học để chuyển giao công nghệ của các giảng viên, những đề tài khoa học của sinh viên ngày càng sát hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy - học.

Có được điều này do các trường xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Cùng với việc thay đổi tiêu chí đánh giá công trình nghiên cứu của sinh viên, mức hỗ trợ kinh phí của nhà trường, nhất là khối kỹ thuật - công nghệ căn cứ trên tính ứng dụng của đề tài. Như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng, đề tài mang tính ứng dụng cao được hỗ trợ nhiều hơn.

Tháng 11/2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng đã ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia với Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, nhà trường thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số”. Đây là nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc chương trình trọng điểm KC.01/21-30 do PGS.TS Phan Cao Thọ làm chủ nhiệm đề tài. Kinh phí thực hiện là 8,1 tỷ đồng.

Đa dạng hóa nguồn thu là nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học đã và đang hướng đến trong quá trình thực hiện tự chủ. Ngoài học phí, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giúp giảm gánh nặng học phí, rộng cơ hội cho sinh viên khó khăn có thể bước chân vào giảng đường đại học. Giảng viên, người lao động cũng tăng thu nhập, cải thiện đời sống từ quỹ phúc lợi.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia với Bộ KH&CN. Ảnh: ITN

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia với Bộ KH&CN. Ảnh: ITN

Chuyển giao cách nào?

Thực hiện tự chủ từ sớm, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng xác định hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học là hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổng nguồn thu của trường từ các đề tài khoa học ở địa phương là gần 4 tỷ đồng. Trong đó, công tác tư vấn chính sách, trường không thu phí.

Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hiện 72 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp Bộ, 10 đề tài của Quỹ đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup và doanh nghiệp, 3 đề tài với các địa phương, 55 đề tài cấp cơ sở. Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của trường trong năm 2021 là 13 tỷ, chưa tính nguồn từ chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. Trường ĐH Bách khoa đã sáp nhập các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ của trường để thành lập Viện Khoa học công nghệ với nhiệm vụ hàng đầu là đầu mối để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, mô hình viện trong trường đại học mang tính chất chuyển giao công nghệ nhiều hơn. Doanh nghiệp trong trường đại học thì ngoài nhiệm vụ chuyển giao công nghệ còn có hoạt động khác. Doanh nghiệp thường có yếu tố lợi nhuận nên đây cũng là kênh để tăng thêm nguồn thu cho nhà trường và giảng viên.

Doanh nghiệp trực thuộc nhà trường sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học, người học với thị trường và nhu cầu xã hội; tạo môi trường mở để các nhà khoa học, sinh viên thực hiện hoạt động liên quan đến khảo sát thị trường và thử nghiệm sản phẩm. Đây là xu hướng của các trường đại học trong tiến trình đổi mới theo hướng quản trị đại học tiên tiến. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, vẫn còn nhiều rào cản trong cơ chế để các trường đại học thành lập doanh nghiệp trong nhà trường.

Có cùng quan điểm, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng - phân tích: “Về lý thuyết, bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào cũng có thể thành lập doanh nghiệp. Thế nhưng mới chỉ một vài đơn vị triển khai mô hình này do khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, cơ chế hoạt động. Hơn nữa, thành lập doanh nghiệp trong nhà trường phải phân cấp quyền tự chủ giữa trường và doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động độc lập nhưng vẫn phục vụ một số nhiệm vụ của trường. Luật có quy định điều này, nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật lại chưa rõ ràng nên các trường rất vướng”.

Ngoài ra, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, để doanh nghiệp trực thuộc hoạt động hiệu quả trong chuyển giao kết quả nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải mạnh cả về nghiên cứu hàn lâm lẫn ứng dụng thực tiễn. Trong khi đó, hầu như giảng viên khối kinh tế, dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài vẫn nặng về nghiên cứu hàn lâm nhiều hơn. “Nếu chỉ dừng lại ở mô hình viện nghiên cứu, giảng viên vẫn có điều kiện kết hợp cả nghiên cứu hàn lâm lẫn ứng dụng thực tiễn nhưng không quá áp lực về doanh số” – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phân tích.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Nghiên cứu trong các trường đại học, trước hết tác động trở lại để nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp, nội dung kiến thức được truyền thụ đến người học, bảo đảm đó là kiến thức luôn luôn mới, không lạc hậu với bối cảnh phát triển nhanh chóng của thời đại. Tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên được huấn luyện các kỹ năng của môi trường lao động hiện đại bên cạnh tích lũy kiến thức nghề nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.