Doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học: Người chỉ đường, dẫn lối

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực.

Chuyển giao các thế hệ làm nên nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: TG
Chuyển giao các thế hệ làm nên nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: TG

Đây là đội ngũ triển khai nghiên cứu gắn với đào tạo, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới…

Nòng cốt cho phát triển

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Vì vậy, sự hình thành nhóm nghiên cứu trong trường đại học như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Danh tiếng của trường đại học lớn trên thế giới thường gắn với tầm vóc công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn.

“Các nhóm nghiên cứu làm nên trường phái khoa học của trường đại học. Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm cụ thể, mang tính đặc thù”, GS Nguyễn Đình Đức đặc biệt nhấn mạnh.

Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng, xây dựng trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu. Thế nên, nhóm nghiên cứu là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghiên cứu sinh.

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến ở Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhiều năm qua cho thấy, nhóm còn thu hút các nhà khoa học có chuyên môn gần để phát triển môi trường học thuật chuyên sâu. Nhóm cũng thu hút nhà khoa học của nhiều ngành, cơ quan, quốc gia khác nhau để tập trung trí tuệ và sức lực giải quyết một vấn đề có tính liên ngành, từ đó có thể tiếp cận trình độ và chuẩn mực quốc tế. Thông qua nhóm nghiên cứu tăng cường công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ.

Nhiều hình thức hỗ trợ

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hiệu cho biết, đơn vị cấp kinh phí cho nhóm nghiên cứu mạnh 500 triệu đồng/năm, sau 3 năm thì hậu kiểm. Các nhóm nghiên cứu mạnh chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 định hướng: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; hoặc nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa, khởi nghiệp.

Trường ĐH Giao thông Vận tải có nhiều đóng góp trong các hoạt động nghiên cứu. Ảnh: TG

Trường ĐH Giao thông Vận tải có nhiều đóng góp trong các hoạt động nghiên cứu. Ảnh: TG

Điển hình, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với 7 nhóm nghiên cứu mạnh đều tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đạt được kết quả khả quan về số lượng và chất lượng so với đăng ký ban đầu. Trong đó, 3 nhóm nghiên cứu mạnh được đánh giá ở mức “Xuất sắc” với kết quả nổi bật về số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI nhóm Q1, Q2.

Tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (Ðại học Thái Nguyên), PGS.TS Vũ Ngọc Pi, Phó Hiệu trưởng cho biết: Ðể tạo động lực, sức mạnh tập thể, nhóm nghiên cứu mạnh có chế độ riêng nhằm động viên các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh. Theo đó, học viên cao học không phải đóng tiền làm thí nghiệm, được sử dụng máy móc miễn phí; nghiên cứu sinh tham gia làm thí nghiệm được hỗ trợ tiền công bồi dưỡng nên mọi người tham gia phấn khởi, tích cực. Động lực này đã giúp nhóm thực hiện thành công một số đề tài cấp bộ, tỉnh … Các đề tài đều phục vụ cho khoa học, sản xuất.

Nói về việc này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin: Trường xây dựng chính sách hỗ trợ giảng viên, có thể có kết quả ngay hoặc chuyển giao cho công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế. Ngoài ra, thông qua quỹ khác nhau, nhà trường hỗ trợ giảng viên, nhà khoa học có ý tưởng, đề tài xuất sắc theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình.

Trường cũng có cơ chế giúp giảng viên phát huy tốt nhất những ý tưởng, nghiên cứu, có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu hiệu quả hơn; khuyến khích giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu ở các bộ, ban, ngành, thành phố; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đặc thù, hữu ích.

Chủ động tìm nguồn lực từ bên ngoài là hướng đi của TS Chử Mạnh Hưng, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, Viện Ðào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội). Theo đó, bên cạnh chính sách khoa học, công nghệ của trường, nhóm chủ động tìm kiếm đề tài, dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp. Việc này giúp giảng viên năng động hơn.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có những đề tài đột xuất, các giảng viên đã tìm hiểu, xem có phù hợp với nhóm, từ đó chủ động, phối hợp thực hiện. “Chúng tôi cho rằng đây là cách đem lại hiệu quả thiết thực khi chưa có quy định khuyến khích nhóm nghiên cứu mạnh phát triển”, TS Chử Mạnh Hưng bộc bạch.

Nhóm nghiên cứu vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường đại học. Nhiều trường đại học đã nhận thức đầy đủ vai trò của nhóm này và chủ động có chính sách để đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên đầu tư cho nhóm nghiên cứu, đặc biệt là nhóm nghiên cứu mạnh chưa như mong muốn, chính sách chưa thông thoáng để hoạt động nghiên cứu đi sát với thực tế cuộc sống. Nhưng trong cái khó, nhiều trường cũng tạo điều kiện hết sức để các nhóm nghiên cứu có những đóng góp đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.