Doanh nghiệp KHCN trong trường đại học: Đừng để 'đầu voi, đuôi chuột'

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng việc cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ là phù hợp...

Sinh viên Đại học Bách Khoa hào hứng tìm hiểu các sản phẩm sáng tạo.
Sinh viên Đại học Bách Khoa hào hứng tìm hiểu các sản phẩm sáng tạo.

Theo các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, việc cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vấn đề đặt ra là, cơ chế vận hành như thế nào để tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” và “trên nóng, dưới lạnh”.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng: Cần tham chiếu các chính sách liên quan

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

Hoạt động khoa học và công nghệ cùng đào tạo được xem là nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Vì thế, Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Điều 6 - Chương 2 của Nghị định này, Chính phủ đã cho phép “Cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học”.

Quy định này mở ra cơ hội mới cho các cơ sở giáo dục, giảng viên và nhà nghiên cứu tiếp cận thị trường, tăng cường khả năng hội nhập, thúc đẩy hợp tác quốc tế và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bao trùm là, tạo cơ hội để chuyển từ tư duy nghiên cứu thuần túy sang “kinh tế khoa học công nghệ”. Thực hiện tốt quy định này, cơ sở giáo dục đại học sẽ có điều kiện thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; thêm cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cả trong và ngoài nước. Đồng thời, tập hợp và lôi cuốn nhân tài cùng tham gia giải quyết vấn đề khoa học công nghệ ở Việt Nam… Các kết quả thu được giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm nguồn lực phát triển; trong đó gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng thực tiễn thành thạo và khả năng cập nhật thông tin trong hoạt động giáo dục, đào tạo đáp ứng đòi hỏi mới của đất nước.

Như vậy, quy định thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại hoc đã có, vấn đề đặt ra là cơ chế vận hành như thế nào để tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, “trên nóng, dưới lạnh”. Tôi cho rằng, để thành lập và vận hành doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học theo quy định Nghị định 109/2022/NĐ-CP vẫn cần tham chiếu các chính sách liên quan từ hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Luật Doanh nghiệp. Đồng thời phải thỏa mãn tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể tùy thuộc vào cơ sở giáo dục đại học vốn rất khác nhau về tiềm lực và nhận thức về doanh nghiệp, thị trường khoa học công nghệ và giáo dục...

Cho nên, nếu việc tổ chức và khả năng phối hợp thực hiện của các bộ, ban, ngành và địa phương không tốt, không chung tay hoàn thiện văn bản đi kèm để bảo đảm tính đồng bộ lại rơi vào tình trạng “có chính sách nhưng không thể triển khai được”. Trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp đang “chậm lại” để nhìn nhận hiệu quả đầu tư lâu dài, thì trong các cơ sở giáo dục đại học liệu có nhiều “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận này hay không, chắc cũng không nhiều hy vọng.

Dù là doanh nghiệp được thành lập phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhưng về bản chất doanh nghiệp này cũng ít nhiều có điểm khác. Cho nên dù quyết tâm thành lập thì người khởi xướng còn phải vượt qua các rào cản về thủ tục hành chính không ít “chông gai” như hiện nay. Bởi vậy, khi triển khai cần tham khảo và cân nhắc để một chính sách tốt, hợp lòng dân sớm đi vào cuộc sống.

GS.TS Nguyễn Thị Lan – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Quan tâm, tạo điều kiện thích đáng

GS.TS Nguyễn Thị Lan.

GS.TS Nguyễn Thị Lan.

Sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ liên quan chặt chẽ với việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại… và trường đại học, viện nghiên cứu. Thị trường khoa học công nghệ được xem có tính quyết định trong đổi mới mô hình tăng trưởng của nhiều nước phát triển như: Hoa kỳ, CHLB Đức, Hàn Quốc… Đối với Việt Nam, thị trường khoa học công nghệ mặc dù đã hình thành nhưng phát triển còn chậm so với các thị trường khác. Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa bên cung và cầu gặp khó khăn, thậm chí ách tắc.

Để thị trường khoa học công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả bên cung và cầu cần được quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng. Với góc nhìn từ một cơ sở đào đạo và nghiên cứu, tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa. Từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường khoa học công nghệ.

Chính phủ, Quốc hội cần sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, rào cản pháp lý được các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... góp ý trong chuỗi hội nghị, hội thảo như: Các nghị định để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư công và văn bản quy định chưa phù hợp khác.

Đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Thí điểm mô hình doanh nghiêp trong trường đại học như: Mô hình spin-off, hợp tác xã... và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.

Đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo - nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ cho thị trường khoa học công nghệ. Chính phủ cần rà soát, quy hoạch các tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu để có chiến lược đầu tư trọng tâm trọng điểm, đúng địa chỉ.

Mặt khác, cần tăng kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học nơi có đông đảo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ. Coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo nên chân dung, hình ảnh của một quốc gia, dân tộc. Đây chính là cái nôi cho sáng tạo và đổi mới công nghệ.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT: Tránh rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”

TS Lê Trường Tùng.

TS Lê Trường Tùng.

Thực tế, các trường ngoài công lập đã thành lập doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với khối trường công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù Nghị định 109/2022/NĐ-CP cho phép cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Thứ nữa, trong kinh doanh sẽ có lãi và lỗ. Nếu thua lỗ thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Các trường được phép thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó phải được hoạt động, vận hành theo cơ chế của Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, với loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng cần có những ưu đãi riêng. Đặc biệt, cán bộ tham gia vào bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp phải có kiến thức về doanh nghiệp. Tức là cần những người vận hành theo tư duy doanh nghiệp, mà đã là tư duy doanh nghiệp thì không thể theo hành chính, bao cấp.

Một vấn đề nữa cần được tường minh là nguồn vốn. Theo đó, vốn cấp cho doanh nghiệp quy định như thế nào. Giả sử có lợi nhuận thì đưa lại cho trường và trường có được phép sử dụng hay không. Điều này nằm trong những quy định về kết nối giữa doanh nghiệp với trường. Do đó, quy định và hướng dẫn rõ ràng, minh bạch bao nhiêu, sau này càng dễ vận hành và hoạt động bấy nhiêu; đặc biệt là hạn chế rơi vào tình cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

Bên cạnh đó cần làm rõ là, giám đốc có được phép đi thuê hay không, hay các trường cử cán bộ. Nếu là công chức, viên chức thì liệu có được tham gia quản lý doanh nghiệp hay không. Tức là liên quan đến quản lý Nhà nước, con người và nguồn tiền. Tất cả cần phải có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể để các đơn vị vận hành cho đúng.

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Chờ hướng dẫn cụ thể

TS Hoàng Xuân Hiệp.

TS Hoàng Xuân Hiệp.

Việc các trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ là cần thiết nhưng cũng cần có cơ chế để được phép thành lập doanh nghiệp theo hướng sản xuất. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ngoài doanh nghiệp khoa học công nghệ cần thành lập doanh nghiệp sản xuất. Việc này sẽ đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong nghiên cứu, học tập và thực hành học tập. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhà trường vẫn gặp khó khăn.

Điều chúng tôi quan tâm nhất là doanh nghiệp kết hợp với đào tạo, nghiên cứu sản xuất. Trường đang triển khai nghiên cứu về nhà máy thông minh. Nhưng khó là chưa có hướng dẫn để thành lập doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, khi đã hình thành doanh nghiệp thì phải áp dụng cơ chế hoạt động như là doanh nghiệp thực thụ và được quyền xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, cần làm rõ một số vấn đề như: Nguồn vốn để thành lập doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp có thể tách bạch giữa vốn riêng của nhà trường và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hay không? Bởi thực tế hiện nay, hoạt động nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học đều ít nhiều sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước như: Mặt bằng, trang thiết bị, kết quả của các đề tài, dự án... Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể về việc doanh nghiệp trong trường đại học khai thác cơ sở vật chất, mặt bằng cũng như trang thiết bị là tài sản công…

“Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – GS.TS Nguyễn Thị Lan nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ