Doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học: Đánh thức tri thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức là mục tiêu trọng tâm của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ giúp các trường đại học chuyển giao tri thức. Ảnh: INT
Doanh nghiệp khoa học công nghệ giúp các trường đại học chuyển giao tri thức. Ảnh: INT

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ đã ra đời.

Kinh nghiệm từ phương Tây

Mô hình Doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học (còn gọi là doanh nghiệp spin-off) có nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Theo định nghĩa của tổ chức pháp lý Law Insider, doanh nghiệp spin-off là đơn vị tư nhân do trường đại học thành lập hoặc đồng sáng lập nhằm mục đích thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và sáng chế được thực hiện tại trường đại học.

Còn Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, định nghĩa doanh nghiệp spin-off được thành lập để khai thác các sản phẩm hoặc dịch vụ do giảng viên, viện nghiên cứu của trường đại học tạo ra thông qua nghiên cứu học thuật.

Nhìn chung, doanh nghiệp spin-off là mô hình hoạt động vì lợi nhuận và độc lập với trường đại học. Mô hình này được hình thành dựa trên việc khai thác kết quả nghiên cứu từ giảng viên, viện nghiên cứu thuộc trường đại học... Mô hình khởi nguồn từ các nước phát triển như Mỹ, Anh... rồi dần mở rộng ở châu Âu, châu Á...

Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp spin-off và cơ sở giáo dục đại học là đôi bên cùng có lợi. Đối với doanh nghiệp spin-off, trường đại học là cánh cửa tiếp cận các nguồn lực công nghệ và kiến thức bền chắc; đồng thời, nâng cao vị thế của doanh nghiệp và thu hút nhà đầu tư.

Ví dụ, Viện Công nghệ Massachusetts, một trong những cơ sở giáo dục tốt nhất nước Mỹ và thế giới, luôn nhận được sự đầu tư lớn cho doanh nghiệp spin-off từ công ty đầu tư mạo hiểm.

Về phía các trường đại học, việc hỗ trợ doanh nghiệp spin-off củng cố và tái khẳng định một trong những mục tiêu chính là thúc đẩy chuyển giao tri thức. Nó góp phần mang lại thu nhập có giá trị cho nhà nghiên cứu hoặc được tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Sự phát triển của mô hình spin-off tại Mỹ bắt nguồn từ năm 1980, khi Chính phủ ban hành Đạo luật Bayh-Dole. Đạo luật này quy định trong trường hợp sáng chế được tạo ra với tài trợ từ ngân sách nhà nước, các trường đại học có quyền đăng ký sáng chế, quản lý và khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ như tài sản của nhà trường.

Nhà trường có thể liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm sở hữu trí tuệ của trường, từ đó giúp chuyển hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn và sản sinh ra khái niệm “doanh nghiệp spin-off”. Đến nay, các doanh nghiệp spin-off trải rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm điều chế thuốc, thiết bị y tế, dữ liệu đám mây, thử nghiệm Covid-19, vật liệu sinh học, pin, trí tuệ nhân tạo...

Đơn cử, Asalyxa Bio là doanh nghiệp spin-off được thành lập từ Đại học Michigan, Mỹ, vào năm 2020. Công ty điều chế thuốc điều trị bệnh giảm bạch cầu trung tính dựa trên nghiên cứu độc quyền của các giảng viên Đại học Michigan về hiệu quả của việc đưa trực tiếp các vi hạt vào bạch cầu trung tính.

Theo sau Mỹ là Anh với khoảng 2.800 doanh nghiệp spin-off đăng ký thành lập và đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong 10 năm qua, tổng giá trị của các giao dịch đầu tư vốn cổ phần vào doanh nghiệp spin-off tại Vương quốc Anh tăng 527%, với tổng số vốn tài trợ là 11 tỷ bảng Anh. Các trường “vàng” sản sinh ra doanh nghiệp spin-off gồm Đại học Oxford, Đại học Cambridge, Đại học Hoàng gia London, Đại học Cao đẳng London.

Phần lớn đại học Anh thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), chịu trách nhiệm thương mại hóa nghiên cứu khoa học, quyền sở hữu trí tuệ... TTO là cầu nối giữa các doanh nghiệp spin-off, trường đại học và nhà đầu tư; đồng thời là một “tấm vé” đảm bảo cho các nghiên cứu ra mắt thị trường.

Đại học Tokyo, Nhật Bản sở hữu nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ nhất cả nước.

Đại học Tokyo, Nhật Bản sở hữu nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ nhất cả nước.

Chuyển giao công nghệ có hiệu quả

Các trường đại học và viện nghiên cứu tại Trung Quốc cho ra đời số lượng lớn phát minh khoa học công nghệ hàng năm. Theo dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, 4 trường đại học của Trung Quốc đã lọt vào danh sách 10 cơ sở giáo dục xin cấp bằng sáng chế nhiều nhất năm 2021. Một trong những trọng tâm của ngành Giáo dục nước này là chuyển giao công nghệ trong nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học một cách hiệu quả.

Từ năm 1990, nhiều trường đại học đã tự thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc (university run enterprise – URE). Đây là mô hình doanh nghiệp tập hợp các quá trình từ nghiên cứu, triển khai cho đến thương mại hóa tất cả kết quả nghiên cứu khoa học.

Đến năm 2000, Trung Quốc tiếp tục cho phép trường đại học thành lập doanh nghiệp spin-off bằng nhiều hình thức khác nhau. Cách tiếp cận phổ biến là trường đại học khuyến khích các khoa, viện nghiên cứu thành lập doanh nghiệp riêng và hợp tác trở lại với trường đại học.

Đơn cử, Công ty TNHH Sinh học Keqian do một nhóm giảng viên Đại học Nông nghiệp Huazhong (HZAU) thành lập. Công ty điều chế vắc-xin dành cho động vật, trong đó, HZAU phụ trách nghiên cứu sơ bộ còn Keqian triển khai những công đoạn tiếp theo.

Các bằng sáng chế và uỷ quyền tiếp thị đều thuộc sở hữu chung của hai bên. Sự hợp tác này kéo dài trong nhiều năm. Keqian được niêm yết trên Uỷ ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào năm 2020.

Với hy vọng đánh thức những công xưởng tri thức thầm lặng trong giới hàn lâm, từ năm 2015, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách, gọi là Đạo luật Bayh-Dole của Trung Quốc. Tinh thần cốt lõi đằng sau đạo luật này là khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu hàn lâm bằng cách trao quyền cho trường đại học đưa ra quyết định độc lập về chuyển giao công nghệ và chia sẻ lợi nhuận với các nhà nghiên cứu.

Cụ thể, năm 2015, Trung Quốc ban hành Luật thúc đẩy chuyển đổi thành tựu khoa học và công nghệ (PTSTA). Sau đó là một số chính sách và biện pháp hỗ trợ luật yêu cầu sự phối hợp giữa cơ quan chính phủ như Hội đồng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục... để đưa ra các hướng dẫn hoạt động về chuyển giao công nghệ học thuật.

Điểm nổi bật của những cải cách trên nằm ở việc trao quyền cho trường đại học thực hiện bằng sáng chế của họ, trừ những vấn đề liên quan đến bí mật hoặc lợi ích quốc gia. Các trường đại học được phép tự quyết định về chiến lược chuyển giao công nghệ, chẳng hạn có nên thương mại hóa thông qua chuyển nhượng, cấp phép hay đầu tư công nghệ, định giá bằng sáng chế, cách thức giao dịch...

Đến năm 2016, Hội đồng Nhà nước ban hành Quy tắc thực hiện PTSTA, miễn trừ trách nhiệm ra quyết định của các quan chức trường đại học trong giao dịch công nghệ. Điều này được quy định rõ hơn trong Luật Tiến bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi. Quy định này giải toả lo ngại của các trường đại học về khả năng thất thoát tài sản thuộc sở hữu nhà nước, từ đó giải quyết mối lo ngại về chuyển giao công nghệ trong trường đại học.

Chuyển giao công nghệ góp phần tăng thu nhập cho các nhà nghiên cứu trong trường đại học.

Chuyển giao công nghệ góp phần tăng thu nhập cho các nhà nghiên cứu trong trường đại học.

Trung gian giữa nhà trường và xã hội

Trong những năm gần đây, các trường đại học Trung Quốc không trực tiếp quản lý doanh nghiệp spin-off. Thay vào đó, họ xây dựng chính sách chuyển giao công nghệ nội bộ; xây dựng đội môi giới cho giao dịch công nghệ... Đây được coi là trung gian giữa nhà trường, doanh nghiệp trong nhà trường với giới đầu tư và xã hội.

Đơn cử, Đại học Thanh Hoa đã xây dựng Chính sách đánh giá, xử lý và phân phối lợi nhuận liên quan đến thành tựu khoa học và công nghệ. Theo đó, trước khi giao dịch, công nghệ phải được định giá bởi một viện nghiên cứu chuyên nghiệp và giao dịch phải được uỷ ban đại học có liên quan phê duyệt. Lợi nhuận từ giao dịch này được phân phối cho trường đại học (15%), hội đồng các nhà phát minh (15%) và các nhà phát minh (70%).

Trường cũng thành lập Văn phòng Cấp phép Công nghệ (OTL), được giám sát bởi một uỷ ban quản lý chuyên biệt. Chức năng của OTL bao gồm định giá công nghệ, quản lý bằng sáng chế, sàng lọc và kết nối mạng doanh nghiệp, đàm phán kinh doanh, thực hiện hợp đồng...

Tuy nhiên, việc thương mại hóa nghiên cứu của trường đại học ở Trung Quốc chưa tỷ lệ thuận với số lượng lớn bằng sáng chế hiện nay, vì chưa đến 5% bằng sáng chế của cơ sở GD đại học được chuyển đổi.

Tại Trung Quốc, vì hầu hết trường đại học và viện nghiên cứu đều được chính phủ tài trợ nên tài sản trí tuệ do trường đại học phát minh được coi là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Vấn đề lo ngại nhất khi chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn là xử lý không đúng cách, thậm chí làm thất thoát tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, các trường đại học và doanh nghiệp nghiên cứu khoa học đều phải thận trọng khi tiếp cận hợp tác công nghiệp – học thuật.

Khai thác tối đa sức mạnh tri thức

Trong những năm gần đây, Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng đáng kể các doanh nghiệp xuất phát từ trường đại học, gồm cả doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, sở hữu đông doanh nghiệp nhất là Đại học Tokyo – trường đại học hàng đầu Nhật Bản.

Để thành lập các doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu và đóng góp cho xã hội, Đại học Tokyo đã và đang tăng cường xây dựng hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm hợp tác với các ngành liên quan, huy động vốn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Nhiệm vụ này do Công ty TNHH Edge Capital của Đại học Tokyo (UTEC) thực hiện. Đây là công ty hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp trong nhà trường.

Ông Tomotaka Goji, đại diện UTEC cho biết: “Sức mạnh của các trường đại học Nhật Bản là sự tích luỹ sâu rộng các nghiên cứu khoa học cơ bản. Vai trò của chúng tôi là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc liên kết các kết quả nghiên cứu với ngành công nghiệp để nó không bị mai một trong trường đại học”.

UTEC không chỉ “đỡ đầu” cho các doanh nghiệp tại Đại học Tokyo mà đang hỗ trợ doanh nghiệp được thành lập tại các trường đại học trên khắp Nhật Bản và thế giới. Điều này hướng đến mục tiêu mang lại sự thay đổi cho thế giới bằng công nghệ được phát triển tại Nhật Bản, tạo sự kết nối giữa các trường đại học, tổ chức và quốc gia trên toàn cầu.

Tại Mỹ, ước tính hơn 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động dưới mô hình spin-off. Hàng năm, hơn 100 doanh nghiệp spin-off được thành lập. Các doanh nghiệp này đóng góp vai trò quan trọng gồm tăng cường phát triển kinh tế địa phương; hỗ trợ trường đại học thực hiện sứ mệnh giảng dạy và nghiên cứu; tạo nguồn thu nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ