Sách giáo khoa chương trình mới: Linh hoạt trong sử dụng ngữ liệu

GD&TĐ - Tham gia góp ý về sách giáo khoa chương trình lớp Một sau một năm triển khai, ngoài lưu ý về kênh hình, kênh chữ, nhiều trường cho rằng, lượng bài tập và kiến thức ở một số tiết học là khó và quá nhiều.

Giờ học Toán thông qua các trò chơi của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lai.
Giờ học Toán thông qua các trò chơi của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lai.

Trong quá trình dạy học, giáo viên phải chủ động thay thế ngữ liệu phù hợp thực tế.

Lựa chọn, thay thế ngữ liệu

Năm học 2019 – 2020, khi các trường tiểu học tự chọn sách giáo khoa lớp Một chương trình mới, Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Năm tiếp theo, bộ sách này được UBND TP Đà Nẵng chọn để dùng chung cho các trường tiểu học. Vì vậy, các giáo viên khối lớp Một có điều kiện để so sánh, đối chiếu với những góp ý đã được gửi đến nhà xuất bản trước đó.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường - nhận xét: “Trong quá trình dạy – học, giáo viên đã chủ động lựa chọn, thay thế một số bài tập phù hợp với tình hình thực tế giúp học sinh thực hiện được yêu cầu cần đạt của từng môn học. Tại thư viện của trường, vẫn có đầy đủ các bộ sách giáo khoa của những nhóm tác giả để giáo viên có thể tham khảo, lựa chọn ngữ liệu, bài tập phù hợp”.

Như ở môn Tiếng Việt, bài 46, hoạt động 5 “Đọc” (đọc một đoạn văn), theo nhận xét của giáo viên khối lớp Một, Trường Tiểu học Núi Thành thì đoạn văn quá dài, yêu cầu học sinh đọc từ 4 - 5 câu. Rất nhiều đoạn văn tả phong cảnh phía Bắc, chưa thấy nói về phong cảnh ở các vùng miền khác. Sách có sử dụng một số tên địa danh của Sa Pa như Tả Van, Tả Phìn, Sín Chải, học sinh rất khó đọc.

Có cùng nhận xét, cô Trần Thị Tú Điển, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam), cho biết: “Trong sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi đã thống nhất thay thế một số nội dung trong sách giáo khoa có thể không phù hợp hoặc xa lạ với học sinh để các em dễ tiếp thu”.

Với môn Toán, giáo viên khối lớp Một, Trường Tiểu học Núi Thành nhận xét: Một số trò chơi được đưa vào sách giáo khoa có luật chơi quá dài dòng. Trong khi đó, học sinh không thể đọc để thực hiện được. Giáo viên khi tổ chức sẽ phải dành thời gian để giải thích luật chơi, làm mất thời gian của tiết học.

Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Lê Lai trong giờ ôn tập Toán theo hình thức học thông qua trò chơi.
Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Lê Lai trong giờ ôn tập Toán theo hình thức học thông qua trò chơi.

Cần tương tác hiệu quả

Qua việc lựa chọn sách từ cơ sở, cô Trần Thị Tường Vi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - cho rằng: Giáo viên đã theo dõi rất kỹ những điều chỉnh của nhóm biên soạn sách giáo khoa để lựa chọn sách. “Năm học 2019 – 2020, năm đầu tiên triển khai chương trình – sách giáo khoa lớp Một, ở môn Toán, nhà trường chọn sách của nhóm Cánh diều. Tuy nhiên, năm học 2020 – 2021, ở vòng lựa chọn sách giáo khoa cấp trường của lớp 2, các giáo viên đề xuất lựa chọn sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Qua nghiên cứu, so sánh, chúng tôi thấy nhóm biên soạn sách Toán của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã tiếp nhận và điều chỉnh những góp ý về mẫu số bảo đảm đúng quy chuẩn, không còn quá nhiều chữ như năm trước. Hình thức tổ chức các hoạt động phong phú và phù hợp với điều kiện dạy – học của nhà trường” – cô Vi dẫn chứng.

Ở một số bài, nhóm biên soạn đưa vào nhiều bài tập, thậm chí có những bài khó. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Quỳnh Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, giáo viên không bắt buộc phải chuyển tải hết các nội dung có trong sách giáo khoa. Thậm chí, giáo viên có thể thay thế bằng những ngữ liệu phù hợp với điều kiện dạy - học, mức độ tiếp nhận của học sinh. Đây là sự chủ động, sáng tạo của giáo viên trong hoạt động dạy – học”.

“Với hệ thống bài tập trong từng bài học, mỗi nhóm học sinh có thể được giao bài tập khác nhau, phù hợp với năng lực tiếp nhận và kỹ năng mà các em cần được rèn luyện. Chẳng hạn như nhóm học sinh giỏi sẽ làm bài tập ở mức độ vận dụng cao; học sinh trung bình sẽ hoàn thành những bài tập ở mức dễ hơn” – cô Vân ví dụ.

Tuy nhiên, cô Quỳnh Vân cho rằng: Mỗi giáo viên sẽ có một mức độ “thẩm thấu” dụng ý của nhóm tác giả biên soạn trên mỗi bài học khác nhau. Vì vậy, nếu các nhà xuất bản xây dựng những kênh trao đổi giữa nhóm tác giả viết sách và giáo viên trực tiếp đứng lớp sẽ thuận tiện hơn trong hoạt động dạy học. “Kênh trao đổi ở đây có thể là mở diễn đàn bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội, group... Tương tác giữa nhà xuất bản, nhóm chủ biên và giáo viên sẽ giúp tháo gỡ những thắc mắc nảy sinh trong quá trình dạy – học và cũng giúp cho lần tái bản có sự điều chỉnh phù hợp hơn” – cô Vân bày tỏ.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt lấy ví dụ, với môn Toán lớp 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, lượng bài tập về hình học quá nhiều. Ở chủ đề 2 bài tập được lặp đi lặp lại, cuối học kỳ bài tập về hình học lại được đưa vào để ôn tập. Ngoài ra, cần đưa thêm các bài tập cộng trừ trong phạm vi 10 để giúp học sinh được trải nghiệm luyện tập hình thành năng lực tính toán cho các em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.