Đây là niềm vui, niềm tự hào của những cây bút trẻ khi được đóng góp thêm một viên gạch cho hành trình canh tân giáo dục.
“Trẻ hóa” ngữ liệu sách giáo khoa
Hiện làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh tại TPHCM, nhà văn Văn Thành Lê cho biết, có 3 tác phẩm của mình được trích trong SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, truyện Tóc xoăn và tóc thẳng thuộc chủ đề Mỗi người một vẻ, sách Tiếng Việt 2 – Tập Một, bộ Chân trời sáng tạo; Bài thơ Mỗi người một vẻ (trích đoạn 3 khổ thơ) thuộc chủ đề Bạn thân ở trường của Tiếng Việt 2 – Tập Một, bộ Chân trời sáng tạo, ký tên Lê Hòa Long; Trích đoạn văn xuôi và thơ trong Tiếng Việt 3 – Tập Hai, bộ Chân trời sáng tạo, ký tên Văn Thành Lê và Lê Hòa Long.
“Tôi được thành viên Ban biên soạn SGK bộ Chân trời sáng tạo đặt hàng viết truyện, thơ theo chủ điểm, phù hợp với mục tiêu giáo dục mà bộ sách hướng đến…”, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ về hoàn cảnh tham gia vào SGK mới.
Văn Thành Lê cho biết, anh đã xuất bản 15 tác phẩm, trong đó có 1 truyện dài “Không biết đâu mà lần”, 4 truyện vừa thiếu nhi (“Trên đồi, mở mắt và mơ”, “Bên suối, bịt tai nghe gió”, “Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu”, “Ông Mặt trời và mùi hương của mẹ”), 7 tập truyện ngắn: “Sa lan đỏ bãi Xanh”, “Biết tới khi nào mưa thôi rơi”, “Thừa ra một người”, “Châu lục thứ 7”… và 2 tập chân dung văn học: “Như cánh chim trong mắt của chân trời”, “Lần đường theo bóng”.
Nói về cảm nghĩ khi có tác phẩm in trong SGK mới, nhà văn Văn Thành Lê cho rằng, tác phẩm hay trích đoạn tác phẩm vào SGK không là bảo chứng cho chất lượng văn chương của tác phẩm đó, vì mục tiêu giáo dục mà SGK hướng đến đầu tiên và chủ yếu không phải ở giá trị nghệ thuật.
“Tuy nhiên, ở góc độ người viết và cả phụ huynh quan tâm đến SGK, tôi thấy vui khi SGK có sự xuất hiện tác phẩm của những tác giả trẻ. Điều này cho thấy, ngữ liệu SGK tránh được sự “già hóa”, thêm những tác phẩm mới, từ sự vận động của đời sống hiện nay thì càng gần gũi với đối tượng tiếp nhận, là các em học sinh. Cũng từ đó, thêm cơ hội để các em và phụ huynh quan tâm có thể tìm đọc, nắm bắt thêm tác phẩm khác của những người viết trẻ”, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.
Bất ngờ
Sinh sống và làm việc tại TPHCM, tác giả Đoàn Đại Trí cho biết, anh khá bất ngờ khi biết tác phẩm của mình được sử dụng trong Chương trình SGK mới. Đó là bài viết “Những người giữ lửa trên biển” in trang 146 và 147 nằm trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1, bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam.
“Khi sách xuất bản, đưa vào giảng dạy tôi mới biết thông tin từ nhóm tác giả biên soạn. Nguyên nhân một phần do dịch Covid-19 nên khi biên soạn nhóm tác giả không liên hệ được với tôi. Khi các hoạt động được khôi phục trở lại, nhóm tác giả biên soạn mới gặp và thông báo cho tôi về việc này. Về cơ bản, tôi thấy không có vấn đề gì. Quan trọng là tác phẩm giúp ích được cho các em học sinh nhỏ tuổi có kiến thức, ý thức và hiểu biết hơn về một phần lãnh thổ, cuộc sống của quân và dân ở ngoài đảo Trường Sa…”, tác giả Đoàn Đại Trí chia sẻ.
Nói về bài viết “Những người giữ lửa trên biển”, tác giả Đoàn Đại Trí cho biết, đây là bài viết được trích dẫn một phần trong bài bút ký “Độc đáo những ngọn hải đăng giữa đại dương” đã in trên Báo Giáo dục và Thời đại năm 2019.
“Năm 2018, trong chuyến ra thăm nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), tôi có nhiều tác phẩm ghi chép, bút ký về cuộc sống, con người và những điều đặc biệt trên các đảo ở ngoài đại dương xa xôi. Trong đó bài bút ký “Độc đáo những ngọn hải đăng giữa đại dương” viết về những ngọn hải đăng, công trình gần như cao nhất, đặc biệt nhất được quân và dân xây dựng trên các hòn đảo… Không chỉ giúp tàu thuyền định hướng đi lại ban đêm như các ngọn hải đăng khác, hải đăng ở Trường Sa còn góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, những người ngày đêm canh giữ, thắp lửa trên hải đăng này cũng vô cùng gian lao, vất vả…”, tác giả Đoàn Đại Trí cho biết.
Theo tác giả Đoàn Đại Trí, nhóm biên soạn SGK có trích dẫn một phần tác phẩm này và lấy nhan đề “Những người giữ lửa trên biển” để đưa vào chương trình tập đọc dành cho học sinh. Dù trích dẫn và có mục đích dành cho học sinh lớp 2 nhưng tác phẩm “Những người giữ lửa trên biển” cũng vẫn truyền tải đầy đủ thông tin mà tác giả muốn truyền đạt, về cuộc sống, con người, những ngọn hải đăng trên biển xa xôi.
“Tôi viết tác phẩm này không có mục đích để đưa vào SGK mà là một tác phẩm báo chí, dành cho những độc giả ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, khi đưa vào SGK, với một số mục đích đặc biệt nên nhóm biên soạn có biên tập lại một vài từ để phù hợp với nội dung chương trình học cũng như lứa tuổi độc giả thiếu nhi. Về cơ bản, tác phẩm của mình xuất hiện trên SGK hay mạng xã hội đều có giá trị ngang nhau. Bởi đó chỉ là nơi phát hành tác phẩm. Vấn đề quan trọng là tác phẩm đó giúp gì được cho độc giả. Tất nhiên, được đông đảo độc giả đón nhận như trong SGK là niềm vui nho nhỏ với người cầm bút…”, tác giả Đoàn Đại Trí thông tin thêm.
Tác giả Đoàn Đại Trí sinh sống bằng nghề làm báo, viết văn tại TPHCM. Viết báo là công việc hàng ngày nhưng bên cạnh đó, anh cũng đã xuất bản 2 cuốn sách đều thể loại bút ký là “Lam lũ những mùa hoa” và “Sông nước biên thùy”, đều do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành năm 2017 và 2019. Ngoài tác phẩm nêu trên, anh cũng có tác phẩm được trích đoạn trong sách hướng dẫn ôn thi lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2019 với đoạn trích trong cuốn sách “Lam lũ những mùa hoa”.
“Khổ hơn viết tiểu thuyết”
Góp mặt trong SGK mới còn có một trường hợp đặc biệt là nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa với 4 tác phẩm. Đó là, tác phẩm Út Tin, Bạn mới trong sách Tiếng Việt 2 (bộ Chân trời sáng tạo) và Chiếc nhãn vở đặc biệt, Cậu bé và mẩu san hô trong sách Tiếng Việt 3 (bộ Chân trời sáng tạo).
Với 14 tác phẩm đã xuất bản cùng nhiều giải thưởng văn học nhưng ít ai biết được nữ nhà văn 8X phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại của bản thân để viết. Hòa là một cô gái yếu ớt, viết chỉ bằng 3 ngón tay trong tư thế nằm nghiêng. Hòa sinh ra và lớn lên ở Ninh Thuận. Năm 2 tuổi, Kim Hòa bị sốt cao nên bị liệt cả tay phải và nửa cánh tay trái.
Tay phải mất cảm giác hoàn toàn, Hòa phải tập viết bằng tay trái. Chỉ còn lại nửa cánh tay hoạt động bình thường mà Hòa vẫn hoàn thành chương trình phổ thông với kết quả 12 năm xuất sắc. Với giải Khuyến khích môn Văn quốc gia, Hòa được tuyển thẳng vào Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM. Học xong, Hòa quay trở về quê, mở lớp dạy môn Văn và Tiếng Anh cho trẻ em quanh vùng đến nay đã được 16 năm.
“Tôi là cô giáo làng. Tôi dạy học tại nhà đã 16 năm qua. Học sinh gồm các em ở độ tuổi tiểu học và cấp 2”, Kim Hòa thông tin ngắn gọn về công việc mưu sinh hiện tại.
Nói về quá trình tham gia vào SGK mới, Kim Hòa cho biết, cơ duyên từ điện thoại đặt hàng của PGS.TS Bùi Thanh Truyền (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), một trong các thành viên nhóm biên soạn sách Tiếng Việt 2. Sau đó, chị làm việc trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha, chủ biên sách Tiếng Việt lớp 2 và đồng chủ biên Tiếng Việt lớp 3.
“Làm SGK là một quá trình có thể nói rất gian truân, mà đôi khi chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Tôi chỉ là một trong số các tác giả được mời góp mặt. Qua 2 năm cộng tác, tôi phần nào hiểu vất vả của đội ngũ biên soạn. Nhớ năm đầu tham gia với sách lớp 2, tôi từng than với chị Ly Kha: Sao em thấy còn khổ hơn em viết tiểu thuyết… Nhưng được dạy học sinh chính sáng tác của mình hay giới thiệu chúng với các em cũng là một niềm vui”, Kim Hòa chia sẻ.
Sau 16 năm làm cô giáo trường làng, Kim Hòa chia sẻ, chị đã coi nghề dạy học như duyên kiếp chung thân. “16 năm trước, tôi không nghĩ sẽ làm cô giáo. 16 năm trước, tôi mê bay nhảy, mê tự do hơn gắn với bảng, bút, thước và một bầy trẻ nhỏ. Nhưng sau 16 năm, nhìn lại, tôi thấy tôi may mắn và hạnh phúc vì được làm người dạy học. Lớp học không chỉ là phương tiện kiếm sống, nơi cho trang viết của tôi các nhân vật, câu chuyện. Đó còn là nơi tôi náu tâm hồn mình, để bước vững vàng hơn trong thế giới người lớn, bằng trái tim của một đứa trẻ…”, Kim Hòa cho biết.
“Một đoạn văn nhưng sửa tới cả chục lần”
Được mệnh danh là tác giả có sách viết ra được in vạn bản, nhà văn 8X Võ Thu Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, chị có ba tác phẩm được in trong sách Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6 và một truyện ngắn trong sách Bài tập Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021).
Nói về những tác phẩm in trong SGK mới, nhà văn Võ Thu Hương cho biết gồm 1 đoạn văn ngắn Góc nhỏ yêu thương, 1 truyện ngắn Quê mình đẹp nhất (sách Tiếng Việt lớp 2) và 1 đoạn văn ngắn trong sách bài tập.
“Cơ duyên của việc này do cô chủ biên liên hệ qua sự giới thiệu của Kim Hòa – một bạn viết mà tôi quý mến. Yêu cầu của nhóm biên soạn nghe có vẻ đơn giản: Súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính giáo dục, hướng trẻ đến với tình yêu con người, cuộc sống, yêu văn chương, ngôn ngữ Tiếng Việt… Ban đầu, những yêu cầu ấy khiến tôi và vài người bạn cùng tham gia cảm thấy: “Ồ, dễ mà, văn mình viết cho thiếu nhi bình thường cũng đã thế”. Nhưng khi viết theo yêu cầu của người biên soạn SGK mới biết khá “trần ai”. Chỉ một đoạn văn nhưng sửa tới cả chục lần.
Một truyện ngắn phải đủ tính hấp dẫn, cao trào, thắt nút mở nút nhưng chỉ giới hạn 200 chữ chẳng khác gì đánh đố với tôi. Nhưng lúc ấy, phần vì nể cách làm việc kiên nhẫn, đầy tâm huyết của nhóm biên soạn, phần vì nghĩ đến việc câu chữ của mình có cơ hội được trẻ con đọc nhiều hơn nên luôn nhủ lòng cố gắng. Có tác phẩm in trong SGK, với những nhà văn viết cho thiếu nhi như tôi là niềm vui lớn…”, nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ.
Về tác phẩm “Con muốn làm một cái cây” (sách Ngữ văn 6) và “Chỉ là em gấu đi lạc” (Bài tập Ngữ văn 6), tác giả Thu Hương cho biết do chị Nguyễn Thị Minh Ngọc (thành viên nhóm biên soạn) chủ động rút ra từ tập truyện ngắn Góc nhỏ yêu thương (NXB Kim Đồng).
“Để phù hợp với chương trình giảng dạy, hai chị em đã cùng bàn nhau thay đổi một vài chi tiết so với tác phẩm gốc cho phù hợp. Chị Ngọc kĩ lưỡng tới mức chỉ biên tập một hai từ, một câu ngắn cũng trao đổi rất kĩ với tác giả. Ví dụ như chi tiết trong truyện gốc: Em bé thương em gấu đi lạc (một em gấu bông bạn nhỏ nào đó đã đánh rơi ngoài đường) nên hai chị em rủ nhau ra đường lúc trời mưa để cứu em gấu về nhà. Vào SGK phải thay đổi lại là: Hai chị em phải nhờ mẹ cứu em gấu về vì để đảm bảo an toàn giao thông đối với trẻ nhỏ…”, nhà văn Võ Thu Hương thông tin thêm.