Thái Nguyên: Triển khai lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới

GD&TĐ - Hướng tới năm học 2022-2023, công tác chuẩn bị cho việc lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới cho các khối lớp 3, 7, 10 đang được ngành giáo dục Thái Nguyên chú trọng triển khai.

Cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục Thái Nguyên tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục Thái Nguyên tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chú trọng tính phù hợp

Dựa trên cơ sở bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh quy định, Sở GD&ĐT Thái Nguyên hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn tổ chức dạy học.

Theo đó, các đơn vị, trường học tổ chức cho cán bộ giáo viên nghiên cứu kĩ lưỡng các bộ sách giáo khoa trong danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt, với sự phối hợp hướng dẫn, giới thiệu của các nhà xuất bản.

Năm học 2021 - 2022, tỉnh Thái Nguyên có gần 26.000 học sinh khối lớp 1, gần 25.000 học sinh khối lớp 2, và hơn 21.000 học sinh khối lớp 6. Trước khi bước vào năm học, 100% các đơn vị, trường học đã hoàn thành việc lựa chọn cũng như cung ứng sách giáo khoa đúng theo kế hoạch cho học sinh các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là những bài học thực tiễn làm cơ sở thuận lợi cho việc triển khai trong năm học 2022 - 2023.

Cô và trò trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hào hứng bên những cuốn sách giáo khoa mới
Cô và trò trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hào hứng bên những cuốn sách giáo khoa mới

Nhờ có kinh nghiệm từ 2 năm học đầu tiên triển khai chương trình mới, các đơn vị, trường học đã rất chủ động trong việc nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, phối hợp với phụ huynh học sinh, triển khai cho giáo viên tìm hiểu nghiên cứu để lựa chọn sách cho năm học tới.

Theo kế hoạch do Sở GD&ĐT Thái Nguyên xây dựng, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh Thái Nguyên sẽ được thành lập trong quý I năm 2022, với nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc tổ chức lựa chọn sách.

“Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các nhà xuất bản được lựa chọn thực hiện các nội dung liên quan hội thảo giới thiệu sách, tập huấn giáo viên sử dụng sách, tổ chức phát hành sách giáo khoa lớp 1 tại địa phương, đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng” - ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết.

Đảm bảo quy trình lựa chọn

Nhằm triển khai lựa chọn sách giáo khoa mới một cách khoa học, hiệu quả, ngành giáo dục Thái Nguyên xác định cần đặc biệt chú trọng đảm bảo về quy trình. Với mục tiêu đó, các bước tiến hành cụ thể đã được xây dựng để các đơn vị, địa phương thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.

Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) hướng dẫn phụ huynh học sinh tìm hiểu về các bộ sách giáo khoa
Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) hướng dẫn phụ huynh học sinh tìm hiểu về các bộ sách giáo khoa

Theo đó, quy trình lựa chọn sách giáo khoa cho các khối lớp 3, 7, 10 cho năm học mới được Sở GD&ĐT Thái Nguyên xây dựng gồm 5 bước chặt chẽ. 

Trước hết, các cơ sở giáo dục phổ thông nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, đề xuất lựa chọn sách. Công việc này được triển khai với sự tham gia của giáo viên, tổ bộ môn, cán bộ quản lí nhà trường, cùng đại diện phía cha mẹ học sinh.

Từ đó, Sở GD&ĐT tổng hợp từ các trường THPT, Phòng GD&ĐT để chuyển danh mục đề xuất cho Hội đồng lựa chọn.

Trên cơ sở này, các Hội đồng tiến hành lựa chọn theo tiêu chí, hướng dẫn, quy định cụ thể. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở GD&ĐT trình, UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Tại huyện Phú Lương, ngành giáo dục địa phương đang chỉ đạo các nhà trường khẩn trương triển khai cho cán bộ, giáo viên tìm hiểu nghiên cứu nội dung các bộ sách mới. “Năm học này trên địa bàn toàn huyện có 53 trường học, với hơn 1.800 cán bộ giáo viên và hơn 20.000 học sinh. Việc chuẩn bị và đề xuất lựa chọn sách giáo khoa cho các khối lớp 3, 7 của năm học tới tại các trường về cơ bản là thuận lợi, bởi kinh nghiệm từ hai năm học vừa qua” - ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lương trao đổi.

Trong khi đó, công việc này dường như có phần mới mẻ hơn đối với các trường cấp THPT khi đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với khối lớp 10. “Chúng tôi cho giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu kĩ các hướng dẫn, quy định, quy trình để tiến hành đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 10 một cách chất lượng, hiệu quả. Là năm đầu thực hiện, các thầy cô giáo cũng như Ban giám hiệu nhà trường đang tập trung cao độ cho công việc quan trọng này” - cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng trường THPT Định Hóa chia sẻ.

“Công tác triển khai lựa chọn sách giáo khoa cho các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo quy trình”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.