Rộn ràng sân khấu hóa học đường

GD&TĐ - Với hoạt động trải nghiệm thông qua hình thức sân khấu hóa học đường, HS Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) có những giờ phút đầy hào hứng. Mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui cùng điệu đờn ca tài tử, những vở kịch mang nội dung giáo dục sâu sắc.

Buổi biểu diễn văn nghệ sôi động. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Buổi biểu diễn văn nghệ sôi động. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hưởng ứng Chương trình mới

Cô Võ Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết: Với 28 lớp và 1.064 học, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho HS theo tiêu chí của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhằm mang tới cho các em niềm vui khi đến trường, BGH và các thầy cô đưa nhiều hoạt động trải nghiệm mới vào chương trình học ngoại khóa. Các buổi chào cờ đầu tuần được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa học đường. Tại đây, HS có dịp thể hiện các năng lực riêng về năng khiếu, âm nhạc với các nhạc cụ dân tộc độc đáo.

Điều này mang đến không khí mới mẻ trong buổi sinh hoạt, nhờ đó các em có tâm thế thoải mái hơn khi bước vào tiết học. Song song với đó, nhà trường thành lập các CLB âm nhạc, CLB hát dân ca, đó là những hoạt động vui, bổ ích có tác dụng giáo dục tình yêu quê hương, bảo tồn nét văn hóa mang đậm bản sắc Nam Bộ của vùng sông nước miền Tây.

Theo cô Võ Hồng Nhung, nhờ những hoạt động giáo dục trải nghiệm thiết thực, trong hai năm trở lại đây, số lượng học sinh có hạnh kiểm đạo đức trung bình của trường giảm rõ rệt, không có học sinh xếp hạnh kiểm yếu.

Học trò cũng có ý thức hơn trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và phấn đấu trong học tập. Học sinh hào hứng trước những giờ học ngoại khóa, giảm căng thẳng mệt mỏi. Điều quan trọng khi tham gia những hoạt động này, các em thể hiện được năng lực, những sáng tạo riêng của bản thân.

Mang đờn ca tài tử đến gần học sinh

Chia sẻ về niềm vui đến trường được tham gia CLB Đờn ca tài tử, em Trần Ngọc Yến Nhi, HS lớp 9A6 Trường THCS Chu Văn An tâm sự: Ngay từ nhỏ, em đã yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. Ở nhà em được ông ngoại và mẹ tập cho những làn điệu dân ca. Vì vậy, khi biết nhà trường thành lập CLB Đờn ca tài tử, em rất háo hức và đăng ký tham gia sinh hoạt.

Ở đây, chúng em được các nghệ nhân dạy cách xướng âm, lấy hơi và tập những làn điệu đờn ca truyền thống.

Biểu diễn kịch trong giờ chào cờ đầu tuần.

Đặc biệt, có những làn điệu dân tộc được chuyển theo lời mới phù hợp với lứa tuổi học sinh. Với nội dung phê phán những thói xấu trong học đường như mê game bỏ học, những ứng xử chưa hay trong học đường, giúp chúng em nhận ra những cái xấu và phòng tránh. Có những bài ca lại đề cập tới tình cảm bạn bè, thầy cô, ca ngợi những tấm gương tốt...

Mỗi tuần, chúng em có hai buổi sinh hoạt, CLB thực sự mang đến cho HS niềm hạnh phúc, những phút thư giãn để chúng em bước vào các giờ học hiệu quả hơn.

Ngoài ra, vào mỗi dịp lễ tết, chúng em được biểu diễn trên sân khấu của nhà trường, đi giao lưu giữa các CLB trong quận và tham gia các chương trình văn nghệ của thành phố. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, mỗi HS có cơ hội thể hiện mình, sáng tạo, bay bổng theo những mơ ước riêng. Em và các bạn mong muốn chương trình đờn ca tài tử được đưa vào trong các trường học nhiều hơn, thường xuyên hơn.

Cô Trần Nguyễn Phương Thảo, GV giảng dạy âm nhạc, phụ trách CLB Đờn ca tài tử của Trường THCS Chu Văn An cho biết thêm: Với chương trình âm nhạc của cấp THCS, HS học một tiết âm nhạc mỗi tuần.

Ở những giờ học này, các em được tìm hiểu, được tiếp xúc với nhiều làn điệu dân ca truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt với thể loại dân ca Nam Bộ, các em được học nhiều điệu dân ca nơi vùng sông nước miền tây như Lý kéo chài, Lý dĩa bánh bò, Hò Ba lý... Với những em có sở thích, năng khiếu âm nhạc sẽ được đăng ký sinh hoạt tại CLB.

Việc đưa hoạt động văn hóa với những ca khúc mang đậm màu sắc riêng của quê hương vào giảng dạy cho HS không chỉ giới thiệu về cuộc sống, nét sinh hoạt của người dân, mà còn bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương đất nước, góp phần giữ gìn phong tục, nét văn hóa truyền thống.

“Hàng tuần, nhà trường còn tổ chức hình thức sinh hoạt dưới cờ rất phong phú với chương trình đặc sắc do chính các em dàn dựng và biểu diễn. Các em có thể hát, múa, chơi đàn ghi ta, chơi các loại nhạc cụ dân gian và diễn kịch. Nhiều vở kịch học đường mà các em biểu diễn có nội dung giáo dục thiết thực theo từng chủ đề của tháng.

Việc trang bị các kiến thức, giáo dục tư tưởng thông qua hình thức này rất sáng tạo, HS thẩm thấu tự nhiên, không khô cứng. Nhờ đó, học sinh có những thay đổi tích cực trong học tập và rèn luyện bản thân.

Cách ứng xử trong nhà trường với thầy cô, bạn bè dần dần thân thiện hơn. Các em còn hình thành được thói quen chủ động sáng tạo trong công việc và học tập. Môi trường học tập và sinh hoạt có sự thay đổi, lớp học luôn có nhiều niềm vui, thêm gắn bó, yêu thương và giúp đỡ nhau trong học tập”, cô Trần Nguyễn Phương Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ