Đưa âm nhạc cổ truyền vào học đường: Cần đầu tư có chiều sâu

Đưa âm nhạc cổ truyền vào học đường: Cần đầu tư có chiều sâu

(GD&TĐ) - Ngay sau khi UNESCO công nhận quan họ là di sản đại diện và ca trù là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, hai báu vật này đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng tồn tại của hai loại hình nghệ thuật này ở nước ta đang gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm bảo tồn và phát triển những di sản của nhân loại.

Mà không chỉ ca trù và quan họ, bao năm qua, mặc cho chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng âm nhạc truyền thống vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội. Trên sân khấu Việt Nam, tuồng, chèo, quan họ, ca trù, cải lương và hàng loạt các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đã và đang nhường chỗ cho nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét: "Các chương trình âm nhạc nghiêm túc trên phát thanh, truyền hình không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng, dòng nhạc này chỉ được đặt vào nhạc đêm khuya". Đa phần lớp trẻ hiện nay được đắm mình trong nhạc trẻ, nhạc mới, nhạc nước ngoài...mà xa rời nhạc truyền thống, một thứ nhạc được coi là "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc mình.

Giáo dục âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống trong thế giới học là vấn đề quan trọng (ảnh internet)
 Giáo dục âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống trong thế giới học là vấn đề quan trọng (ảnh internet)

Trong bối cảnh ấy, để bảo tồn văn hóa truyền thống, Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) và Bộ GD-ĐT phối hợp thực hiện dự án "sân khấu hóa học đường". Dự án đã góp phần khơi dậy vốn văn hóa truyền thống trong lòng lớp trẻ thông qua những vở kịch, những điệu múa, những làn điệu dân ca đặc trưng cho từng vùng miền. Chưa hết, vào tháng 4-5 năm nay, đề án "Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS" được Bộ GD-ĐT xác định là chương trình trọng tâm nhằm giúp học sinh biết trân trọng, yêu quý dân ca, qua đó góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho học sinh.

Ở các địa phương, Sở GD-ĐT và Sở VH-TT&DL đã tiến hành thí điểm "sân khấu hóa học đường" và đã thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Học sinh các trường thuộc đồng bằng Bắc Bộ say sưa nghe điệu hát chèo, học sinh ở Đà Nẵng mê mẩn với điệu hát tuồng truyền thống. Giáo sư Hoàng Chương, Phó Ban chỉ đạo dự án "sân khấu hóa học đường" rất cảm động khi nhận xét về các "nghệ sĩ nhí" hát tuồng ở Đà Nẵng: "Nhìn các em học sinh 12,13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị...thật dễ thương, gieo trong chúng ta một niềm tin là truyền thống không thể mất đi, khi thế hệ trẻ vẫn yêu thích và vẫn kế thừa rất tốt nếu biết cách hướng dẫn biết truyền nghề có phương pháp". Theo các nhà tổ chức thì rất có thể lúc đầu các em học sinh đến với nghệ thuật truyền thống như một thứ “nghĩa vụ”, nhưng sau đó, thái độ, tình cảm của các em đối với nghệ thuật, nghệ sĩ có sự chuyển biến rất lớn. Như vậy, âm nhạc truyền thống hay lớn hơn là văn hóa truyền thống không dễ mất đi, vấn đề ở chỗ là ta buông xuôi, không chủ động định hướng thị hiếu của lớp trẻ mà thôi.

Cái khó của việc đưa âm nhạc truyền thống vào học đường là hạn chế về thời lượng và trình độ yếu kém của đội ngũ giáo viên âm nhạc hiện nay. Ngoài những giờ học nhạc được coi là chính khóa cần phải thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa hấp dẫn về nội dung với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp. Với đội ngũ giáo viên dạy nhạc cũng cần không ngừng bổ túc về âm nhạc truyền thống bởi không ít người trong số họ cũng lỗ mỗ về lĩnh vực này. Nói như GS.TS Trần Văn Khê thì giáo dục âm nhạc trong trường học sẽ hình thành một nền tảng âm nhạc vững chắc cho các em, nếu không, với nếp sống mới hiện nay, khi hàng ngày trẻ em có điều kiện tiếp xúc với không biết bao nhiêu thể loại âm nhạc và nghệ thuật, với nhiều hình thức văn hóa xa lạ qua các chương trình giải trí, quảng cáo, qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu, các em sẽ không đủ trình độ để chọn lọc những gì có giá trị và thực sự gần gũi với văn hóa dân tộc, ngược lại, các em có thể quên hẳn văn hóa dân tộc.

Giáo dục âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống trong thế giới học là vấn đề quan trọng. Việc giảng dạy âm nhạc truyền thống phải được tiến hành đồng bộ ở các cấp học, tiến hành có hệ thống và có đầu tư chiều sâu. Thành quả mà chúng ta thu được không phải ngày một ngày hai mà là cả quá trình lâu dài và gian khó.

                       Thụy Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ