Bảo vệ môi trường văn hóa học đường: Cần đề cao vai trò người thầy

GD&TĐ - Hiện đã có rất nhiều cảnh báo về tình trạng học sinh – sinh viên (HS-SV) vi phạm đạo đức và pháp luật. 

Một giờ học giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM). Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một giờ học giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM). Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn chặn, phòng tránh? Các trường học được coi là những “pháo đài kiên cố nhất” để người học tu dưỡng rèn luyện, bằng cách nào để giúp tuổi trẻ chiến thắng các hiện tượng tiêu cực của xã hội?

Quá nhiều khoảng trống 

Có thể nói chúng ta không thiếu các văn bản pháp lý liên quan đến việc quản lý, giáo dục (GD) thanh – thiếu niên nói chung và HS-SV nói riêng…

Thế nhưng, tình trạng HS-SV vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật vẫn đang gia tăng. Vụ án P.N.Q.B. (16 tuổi) nghi can giết chết bạn gái N.T.T.H. (15 tuổi – cả hai là HS lớp 9 một trường THCS ở quận Gò Vấp, TPHCM) vào tối 12/1/2017, thêm lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Thống kê chưa lâu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về tình hình tội phạm vị thành niên: Có tới 77% số vụ án liên quan đến gia đình bất hạnh, gia đình thiếu quan tâm GD con em – thậm chí bỏ rơi trẻ vị thành niên, khiến các em rơi vào lòng tội lỗi.

Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là tình trạng cha mẹ li hôn, cha mẹ vướng vào nghiện ngập (rượu bia, ma túy, cờ bạc, gái mại dâm); cha mẹ thường xuyên gây lộn, chửi bới, hành hung lẫn nhau và con cái; cha mẹ dính vào lừa đảo, làm ăn phi pháp hoặc mải mê kiếm tiền bỏ mặc con cái…

Khi gia đình là thành trì đầu tiên – chỗ dựa vững chắc nhất cho HS-SV từ lúc mới sinh đến trọn đời bị lung lay hoặc tan vỡ - đương nhiên tuổi trẻ chỉ còn biết dựa vào nhà trường và xã hội để vượt qua nỗi đau và nghịch cảnh.

Lỗ hổng lớn nhất của các nhà trường chúng ta như lâu nay đã được đề cập rất nhiều là: nặng dạy chữ - nhẹ dạy người. Không phải các trường xem nhẹ công tác dạy làm người cho HS-SV, mà ở đây nội dung chương trình và phương pháp dạy làm người của các trường chưa thật sự có hiệu quả.

Tiết thỉnh giảng môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM) tại Trường THPT tư thục Nhân Việt. Đây là một trong những giáo viên có sáng tạo trong giảng dạy môn học này
 Tiết thỉnh giảng môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM) tại Trường THPT tư thục Nhân Việt. Đây là một trong những giáo viên có sáng tạo trong giảng dạy môn học này

Hiệu trưởng một trường Cao đẳng (CĐ) tại TP Đà Nẵng) bày tỏ quan ngại: Các trường CĐ nghề của ta đang đào tạo với tổng số 3.650 tiết cho 1 khóa học từ 2,5 – 3 năm học.

Tính ra mỗi ngày học 7-8 tiết. Vậy còn đâu thời gian để các em tự học, tự rèn luyện và tự trải nghiệm các kỹ năng sống cần thiết để hoàn thiện nhân cách?

Điều tra xã hội học ngẫu nhiên trên 500 SV của 3 trường: ĐH Khoa học Tự nhiên; ĐH KHXH&NV, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) của TS Nguyễn Ánh Hồng cho thấy: 60% SV sống khép kín ít quan tâm đến thời sự chính trị-xã hội; 55% SV thiếu hứng thú học tập rèn luyện; 50% các em không thật sự tự tin vào năng lực và trình độ bản thân… Chính những đối tượng SV dạng này rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các con đường tiêu cực.

Ở đa số các trường phổ thông đều xảy ra thực trạng đáng lo đó là: Bằng mọi cách thầy – trò chạy marathon làm sao cho kịp nội dung chương trình (chủ yếu dạy – học lý thuyết suông).

Cái đích cuối cùng là: “Thi sao – Học vậy”; “Thi gì – Học nấy”. Trường nào cũng lo toát mồ hôi với các tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ xét và thi tốt nghiệp năm nay phải bằng hoặc vượt năm ngoái.

Câu cửa miệng các bậc cha mẹ HS thường hỏi con khi học ở trường về là: “Hôm nay được điểm cao không?”, rất ít người hỏi: “Hôm nay con rèn luyện được kỹ năng gì?”…

Sân chơi lành mạnh – đòi hỏi cấp bách

Một cuộc khảo sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT năm 2013 trên 1.827 SV của 12 cơ sở GDĐH cho thấy: Hơn 85% SV cho biết từng quay cóp – sử dụng tài liệu trong phòng thi; 42% từng sao chép luận văn hoặc đồ án; 36% từng xin điểm hoặc mua điểm.

Điều tra cách nay 2 năm của Viện nghiên cứu GD (Trường ĐHSP TPHCM) chỉ ra: Càng học lên cao, số HS-SV vi phạm đạo đức học đường ngày càng tăng với bốn hiện tượng vi phạm phổ biến: Nói tục; Xả rác; Đánh bạc; Nói dối.

Ở lớp 5 tỷ lệ vi phạm theo thứ tự là: 6% - 0% - 0% và 0%. Đến lớp 9: 34% - 3% - 33% và 0%. Lên lớp 10: 43% - 8% - 59% và 3%. Đặc biệt đáng lo ở SVĐH thì tỷ lệ lên tới: 68% - 8% - 41% và 83%!

Theo GS Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe Sinh sản & Gia đình, 36% thanh – thiếu niên 14-17 tuổi ở nước mấy năm gần đây đã từng quan hệ tình dục; 70% số ca nạo phá thai chui là các em vị thành niên.

Cùng cảnh báo nỗi đau này, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch Hội Phụ sản VN đưa ra con số: Mỗi năm gần đây, cả nước ta có 1,4 -> 1,6 triệu ca nạo phá thai, thuộc 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó khoảng 20% ca nạo phá thai là trẻ dưới 18 tuổi – không ít các cháu là HS chủ yếu ở độ tuổi từ lớp 8 đến lớp 12.

Phải chăng các trường học của ta “bất lực” trước những con số hết sức xót xa nói trên? Đâu là những mô hình – sân chơi lành mạnh, để cuốn hút tuổi trẻ học đường?

Thực tế các trường phổ thông cũng như CĐ, ĐH chúng ta cũng có không ít các phong trào như : tình nguyện “Mùa hè xanh”; “Về nguồn”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Hiến máu nhân đạo”; “Sinh viên 5 tốt”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Tuy nhiên, các phong trào này diễn ra trong thời gian ngắn, sự tham gia trực tiếp của HS-SV không nhiều, các hình thức tổ chức nghèo nàn đơn điệu, nên chưa thật sự ngấm sâu vào nhận thức và hành động hàng ngày của các em.

Ví dụ phong trào “Mùa hè xanh”, mỗi trường bình quân chỉ có 10 – 15% số HS-SV trực tiếp tham dự trong khoảng 30-40 ngày. Hay như thư viện các trường học của ta, hết giờ hành chính là đóng cửa. Trong khi thư viện ở trường học các nước phát triển, họ mở cửa đến tận 10 giờ đêm, mở cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật…

Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho sử dụng những video clip trong chương trình “Quà tặng cuộc sống” và trong dự án “Skycare – Khoa học sống động trong mắt em” vào các trường tiểu học.

Từ 4 năm nay, Trường THPT Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) đã triển khai có hiệu quả đề án “Ứng dụng Công nghệ Thông tin và sử dụng những video clip tích cực vào GD đạo đức, lối sống cho HS”.

Nguồn tài liệu được khai thác chủ yếu trên nhiều Chương trình thiết thực với học đường cúa các kênh truyền hình thuộc nhiều đài khác nhau…

Nhiều trường phổ thông tổ chức bài dạy dưới dạng “sân khấu hóa học đường”, hoặc cho HS tập làm “thầy giáo” dưới sự cố vấn của giáo viên (GV), hoặc dạy – dọc theo dự án, theo chuyên đề nào đó (ví dụ chuyên đề “phòng chống bạo lực học đường”)…

Một trong những rào cản lớn nhất, khiến công tác GD đạo đức và lối sống truyền thống văn hóa cho HS-SV bị ảnh hưởng nặng là: các trường thiếu đủ thứ.

Thiếu thời gian ở trường để tổ chức các sân chơi lành mạnh cho các em. Thiếu các “trò chơi – sân chơi” thật sự phong phú và hấp dẫn HS-SV. Thiếu những con người đủ năng lực làm “chủ trò” dẫn dắt lối chơi. Cuối cùng là thiếu kinh phí để hoạt động.

Nói cách khác, các hoạt động ngoài giờ lên lớp chính khóa lành mạnh dành cho HS-SV chúng ta hiện nay nói chung quá ít, khá mờ nhạt, chưa đủ sức chiếm lĩnh cuốn hút tuổi trẻ.

Có dư luận ví von: “Tay không bắt giặc”, thì làm sao trách HS-SV thờ ơ với các hoạt động ngoài giờ lên lớp? Một khi các em thờ ơ với các sân chơi do nhà trường phát động, thì những thế lực đen tối ngoài xã hội sẽ bủa vây, lôi kéo các em ngay. Thực tế này là khó tránh khỏi.

Thầy Ninh Văn Dậu chở học sinh trở về từ rẫy
Thầy Ninh Văn Dậu chở học sinh trở về từ rẫy

Người thầy phải là số 1

Cách nay gần chục năm, Bộ GD&ĐT  mở cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã xuất hiện hàng vạn nhà giáo trở thành tấm gương mẫu mực cho HS-SV noi theo.

Thầy Trần Tuấn Anh – GV một trường THCS ở TPHCM - đã biến các tiết dạy – học môn GD Công dân thành giờ tự trải nghiệm làm người, khiến nhiều HS rơi nước mắt.

Mới đây, hình ảnh thầy Ninh Văn Dậu hàng chục năm liền trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với HS nghèo – HS bỏ học ở vùng cao huyện Krông Pa (Gia Lai), để đưa các em trở lại mái trường đã gây xúc động hàng vạn bạn đọc.

Còn hàng vạn thầy cô giáo (nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số), đã tự nguyện trích lương mua đồ dùng học tập tặng học trò, tự nguyện dạy phụ đạo HS yếu kém miễn phí, thậm chí nhường cơm xẻ áo cho các em gặp bất hạnh.

Trong GD lối sống đạo đức lành mạnh cho HS-SV, thì ảnh hưởng tác động từ tấm gương người thầy có sức mạnh bằng ngàn vạn bài giảng đạo đức khô khan như nhà sư phạm nổi tiếng thế giới Wiliam Arthur Ward từng nói: “Người thầy bình thường chỉ biết tường thuật. Người thầy tốt biết giải thích. Ngưới thầy giỏi biết thể hiện. Người thầy vĩ đại truyền cảm hứng”.

Lâu nay, các trường học của ta: phần thì do áp lực cơm áo, phần thì áp lực do nội dung chương trình dạy học nặng về lý thuyết, phần do áp lực thi cử, phần do tác động tiêu cực từ xã hội, nên đã có một số GV tự đánh mất hình ảnh cao quý của nghề giáo.

Tuy nhiên, một điều cũng đáng suy nghĩ là không ít GV coi dạy học đơn thuần chỉ là nghề “kiếm cơm” như bao nghề khác. Họ lên lớp như “robot” – miễn sao truyền đạt hết bài giảng (khỏi cháy giáo án) là an tâm ra về.

Còn học trò có tiếp thu hay không, các em có hứng thú học hành hay không, các em rèn luyện được kỹ năng gì, có vi phạm đạo đức học đường không, làm sao để GD học trò tiến bộ hơn…? Bao nhiêu trăn trở nóng bỏng này, nếu người thầy không trả lời, thì tuổi trẻ học đường sẽ đi về đâu?

Rõ ràng: tâm huyết – trí tuệ và sự gương mẫu hy sinh quên mình của các thầy giáo, các cán bộ quản lý GD…, mãi mãi là những tài sản vô giá – cực kỳ cao quý để dẫn dắt thế hệ trẻ nên NGƯỜI có ích.

“HS-SV hiện nay đang “bơi giữa biển thông tin vô bờ bến”, trong đó có rất nhiều thông tin độc hại. Nguyên nhân quan trọng khiến HS-SV vi phạm đạo đức và pháp luật, là do các em bị tác động, ảnh hưởng do tiếp xúc quá sớm với phim ảnh, tin tức, hành động có tình chất bạo lực, khiêu dâm, thông qua các thiết bị đa phương tiện hiện đại không được kiểm soát chặt chẽ” 
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ