Ra đề kiểm tra Ngữ văn đáp ứng yêu cầu mới

GD&TĐ - Yêu cầu mới với đề kiểm tra môn Ngữ văn là một điểm nhấn trong đổi mới kiểm tra, đánh giá môn học này từ năm học 2022-2023.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Không khuôn mẫu

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nêu rõ yêu cầu đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới. Tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới. Gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Trong các nội dung đổi mới, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.

Đổi mới trong ra đề Ngữ văn, năm nay, Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với học sinh lớp 6,7 - như các trường khác trên địa bàn tỉnh.

Thầy Nguyễn Bá Giang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu cho biết: Triển khai việc này, thuận lợi là thầy cô đều nắm được những nguyên tắc chọn ngữ liệu, kĩ năng ra đề kiểm tra với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm. Cùng với đó, có ngân hàng đề tham khảo - là kết quả của đợt tập huấn chuyên môn về đổi mới kiểm tra, đánh giá của Sở GD&ĐT Phú Thọ kéo dài 10 ngày với 5 đợt liên tiếp trong tháng 8.

Tuy nhiên, khó khăn là nhiều trường THCS chỉ có 1 giáo viên Ngữ văn dạy cả 4 khối lớp nên quá tải trong việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy, đặc biệt là thiết kế được những đề kiểm tra, đánh giá đủ tốt theo yêu cầu cần đạt của cả Chương trình GDPT 2006 và 2018.

Việc chọn ngữ liệu trong đề kiểm tra đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: Không vi phạm đạo đức, chính trị; mang tính điển hình cao về thể loại và các giá trị đã ổn định là khó khăn không nhỏ đối với giáo viên nói chung và đặc biệt là những giáo viên có vốn đọc hạn hẹp.

Một khó khăn nữa đối với giáo viên khi ra đề kiểm tra, đánh giá là thiết kế được phương án đúng và các phương án nhiễu. Các phương án trả lời phải tương đương về độ dài, mức độ phức tạp và cấu trúc ngữ pháp. Tránh đưa thêm nhiều chi tiết vào phương án chính xác, vì như thế sẽ làm cho phương án này nổi bật hơn những phương án khác.

“Để học sinh không bỡ ngỡ khi đón nhận đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo hướng này, chúng tôi đã giới thiệu tới các em cấu trúc đề kiểm tra và phần nào đã được tiếp xúc qua các bài kiểm tra thường xuyên. Nhìn chung, học sinh đón nhận tương đối tích cực, hứng thú vì được tiếp xúc với những ngữ liệu đọc hiểu mới. Hơn nữa, dạng bài trắc nghiệm, các em cũng đã khá quen thuộc ở những môn học khác”, thầy Nguyễn Bá Giang chia sẻ.

Để ra đề kiểm tra Ngữ văn đáp ứng yêu cầu mới, cô Thanh Huyền, Trường THPT Diệp Minh Châu, Bến Tre cho rằng, có một số nội dung cần phải lưu ý.

Thứ nhất, đề phải đảm bảo tính bảo mật, chuẩn xác, khoa học. Kiến thức trong đề vừa có thể kiểm tra được các kĩ năng cần thiết của đặc trưng bộ môn, vừa có thể phân loại được năng lực của học sinh.

Về ngữ liệu, cần chọn ngữ liệu hay, đậm chất văn chương, đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng về thể loại cần kiểm tra. Có nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể vận dụng tốt vào đời sống và phát huy được khả năng nhận thức, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo của học sinh. Giáo viên giới thiệu hoặc cung cấp thêm các ngữ liệu cùng thể loại với bài dạy trên lớp cho học sinh tham khảo, nghiên cứu thêm.

Về hệ thống câu hỏi, cần đảm bảo tính ngắn gọn, chính xác, khoa học, đi vào trọng tâm vấn đề cần kiểm tra và có hệ thống từ thấp đến cao, từ cơ bản đến nâng cao, có mở rộng, có liên hệ thực tiễn.

Đặc biệt, không nên rập khuôn khi đi theo một số mẫu đề có sẵn. Giáo viên cần linh động, mạnh dạn thay đổi câu hỏi tùy theo năng lực của những nhóm đối tượng học sinh, đặc thù của từng địa phương.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Kinh nghiệm ra đề sử dụng ngữ liệu ngoài SGK

Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Chia sẻ kinh nghiệm khi sử dụng ngữ liệu ngoài SGK khi ra đề kiểm tra Ngữ văn tại Trường THPT Diệp Minh Châu, cô Thanh Huyền cho rằng, cần chọn ngữ liệu hay, đậm chất văn chương, đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng về thể loại cần kiểm tra. Ngữ liệu có nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể vận dụng tốt vào đời sống và phát huy được khả năng nhận thức, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo của học sinh.

“Thầy cô cần có sự chọn lọc rất khắc khe về tác phẩm trên cơ sở tham khảo nhiều nguồn và tích cực giao lưu, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, chia sẻ những ngữ liệu hay, bài viết tốt, đề kiểm tra hay, có chất lượng thông qua một số dự án mang tính cộng đồng”, cô Thanh Huyền trao đổi.

Về nội dung này, cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thanh Trì, Hà Nội khẳng định:Sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là yêu cầu tất yếu của việc đổi mới ra đề môn Ngữ văn nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và là thước đo năng lực phẩm chất học sinh.

Khi ra đề với ngữ liệu ngoài SGK, cô Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý: Ngữ liệu đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, uy tín; có dung lượng phù hợp để đảm bảo học sinh có đủ thời gian làm bài; có ý nghĩa giáo dục và giàu chất văn. Ngữ liệu có thể loại hoặc chủ đề tương ứng với thể loại, chủ đề của các văn bản trong sách giáo khoa mà học sinh đang được học.

Thầy Hoàng Văn Chường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phượng Lâu (Phú Thọ) thì cho rằng: Ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn phải tương đương văn bản học sinh đã được học về: kiểu loại văn bản, thể loại, độ dài, độ khó, nội dung, đề tài...

Cùng với đó, ngữ liệu có nguồn chính thống, bảo đảm tính khoa học, giáo dục, thẩm mĩ, chính trị, văn hóa... Giáo viên không đặt ra yêu cầu quá cao mà cần bám sát yêu cầu đầu ra của chương trình. Đặc biệt, cần dần xóa bỏ tâm lý cũ, cho rằng học sinh không thể đọc, viết với các ngữ liệu mới; yêu cầu quá cao vì quen cho học sinh phát thanh lại cảm nhận, suy nghĩ của thầy cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.